Giám đốc kiêm... công nhân

12/01/2016 - 07:45

PNO - Cách đây ba năm, vợ tôi hoảng hồn khi nghe tin tôi bị rớt từ mái nhà xuống đất, gãy cả hai chân. Cái nghề điện lạnh nó vậy, biết sao giờ?

Tôi sống ở Sài Gòn cũng 20 năm rồi, từ khi còn là một thiếu niên 16 tuổi. Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, ngày ngày tôi phải ăn khoai sắn trừ cơm, phải đi bộ qua mấy con dốc để tới trường; hôm nào may, quá giang được chuyến xe ngựa là mừng.

Năm 1995, khi tôi đang học lớp 10 thì phải nghỉ học vì nhà đông anh chị em, cha mẹ kham không nổi. Tôi theo bạn ra Phan Thiết học nghề tại một ga-ra xe tải. Công việc nặng nhọc nên không đủ sức theo, thế là tôi tì m vào Sài Gòn, theo ông chủ Toàn học nghề điện lạnh.

Chúng tôi là “lính” của thầy, vừa học nghề, vừa phụ việc, được mối nào thì thầy chia cho ít tiền. Buổi tối, bốn - năm anh em ngủ chung một phòng trọ, tự túc tiền ngủ, tiền ăn. Được hai năm thì ông chủ ra nước ngoài định cư, chúng tôi tự đi xin việc.

Nghề điện lạnh cũng dễ kiếm việc, chỉ cần thử tay nghề, thấy được thì chủ nhận. Có những công trình đặt máy trên sân thượng, nhưng có những nơi, phải buộc dây, đu chơi vơi trên không. Hồi đó mười tám, đôi mươi, còn lì và liều, tôi không thấy sợ, nhưng càng lớn tuổi, càng nhát. Bây giờ, nếu cần, tôi vẫn đu dây khoan tường, nhưng thú thật không dám nhìn xuống.

Thời đi làm thuê, mỗi tháng, thu nhập của tôi chỉ chừng 1 - 1,2 triệu đồng. Tính tôi trầm, làm gì cũng kỹ, có trách nhiệm nên khi gặp phải ông chủ hay la rầy văng mạng, tôi bất mãn, bỏ về quê một năm. Quê tôi là vùng đất cát bạc màu, chẳng có nhiều việc để làm. Được một năm, tôi lại vô Sài Gòn, lại đi xin việc, và vẫn cái nghề điện lạnh đầy vất vả, rủi ro.

Giam doc kiem... cong nhan
Anh Cường tại công ty nơi anh vừa là giám đốc, vừa là thợ chính

Tôi nghĩ không lẽ đời mình cứ đi làm thuê mãi. Thôi thì với tay nghề và kinh nghiệm, tôi tách ra làm riêng. Năm 2002, tôi mở tiệm điện lạnh Tuấn Cường, “mối mang” là những nơi mình từng làm cho họ, có lẽ họ thích lối làm việc đâu ra đó, không cần nói nhiều.

Trong số các khách hàng, có một người mở công ty riêng, vừa cần lắp máy lạnh, vừa cần làm giấy phép, nhờ tôi lo thủ tục. Sẵn đó, tôi làm luôn giấy phép cho cơ sở mình, lấy tên Công ty TNHH TM-DV kỹ thuật Tuấn Cường. Đó là vào năm 2010.

Lập công ty thì phải có kế toán, phải báo cáo thuế. Thời gian đầu, tôi chưa rành, bị bên thuế yêu cầu giải trình từng chi tiết. Có công ty thì công việc thuận lợi hơn, có hợp đồng, hóa đơn đầy đủ, dễ đàm phán với khách hàng hơn. Nhờ đó, tôi nhận được những công trình mà trị giá mỗi gói hợp đồng cũng được trăm triệu đồng.

Công việc của chúng tôi là lắp đặt, bảo dưỡng và vệ sinh hệ thống máy điều hòa nhiệt độ, máy tắm nóng lạnh cho các công trình dân dụng (nhà ở, công ty); cung cấp và sửa chữa máy giặt, quạt máy, nồi cơm điện, lò vi ba…

Điện lạnh thì gồm điện cơ và điện tử; tôi phụ trách phần điện cơ, còn một thợ giỏi phụ trách phần điện tử. Tiếng là giám đốc, nhưng tôi trực tiếp đến công trình, cùng làm với bốn thợ chính và vài thợ phụ. Dù sao, có mình, khách hàng cũng yên tâm hơn.

Để lắp đặt hệ thống máy điều hòa, phải đi hệ thống dây điện, ống gas, lắp lốc máy… nên lâu lâu cũng bị điện giật, bị gas lạnh xì bỏng tay chân. Có lần, vào năm 2012, tôi đứng trên mái hiên một nhà dân để lắp lốc máy, dù đã cẩn thận kiểm tra nhưng vẫn bị nạn. Các thanh sắt dưới mái tôn lâu ngày bị mục, sập xuống, tôi rơi tự do 5m xuống đất, không cựa quậy nổi.

Thợ gọi taxi đưa tôi đi cấp cứu với chẩn đoán nứt hai xương đùi, phải nẹp vít cố định, nằm nhà hết năm tháng. Cũng may bữa đó mình té thẳng đứng, chứ trong tư thế ngồi thì tiêu đời. Tôi là lao động chính trong nhà, lại là giám đốc, không làm thì mất khách, không có thu nhập. Nén những cơn đau, tôi chống nạng đến công trình, cắt đặt công việc cho thợ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI