Đừng để tan là… nát!

12/06/2015 - 15:42

PNO - PN - Thật dễ dàng tìm thấy những cuộc hôn nhân tan vỡ được đưa ra mổ xẻ, được tổ chức “đại tang” trên mạng xã hội, báo chí, nhất là báo mạng. Câu chuyện xoay quanh những người của công chúng càng được truyền thông dành...

PV: Khi nghe một vụ ly hôn lùm xùm, người ta thường quy chụp “lại trò câu view của kẻ hám danh”. Tại sao việc “đại chúng hóa” chuyện riêng nhà mình (mà lại là chuyện không vui) lại được nhiều người chủ động thực hiện như thế, thưa chị?

Thạc sĩ Minh Huệ: Có thể đó là những người chưa xác định rõ trách nhiệm của họ trong sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân. Họ tranh thủ đưa ra những thông tin để thanh minh cho lý do đổ vỡ, để bảo vệ mình, khẳng định mình chỉ là nạn nhân. Thậm chí, sẵn sàng đổ lỗi cho người chồng/người vợ hoặc những người khác liên quan. Thực tế, con thuyền hôn nhân bị đắm là do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Dung de tan la… nat!

Nói là chuyện của mình, nhưng bình loạn, xâu xé từng mẩu thông tin lại là chuyện của người. “Tiếng thơm” đâu chẳng thấy, vô tình lại “vạch áo cho người xem lưng”, trở thành đề tài để người đàm tiếu, phê phán. Khi chia sẻ chuyện riêng trên mạng xã hội hay cung cấp thông tin cho truyền thông, mấy ai lường được những gì sẽ xảy đến sau cái nhấp chuột. Công luận sẽ “họp chợ” chăng? Sẽ bình luận những gì? Có quá đà không? Vấn đề sẽ bị thổi phồng, đẩy xa đến đâu? Đây là cuộc đua chắc chắn mọi người cùng… bại.

Có những thời điểm im lặng là vàng. Tôi không có ý khuyên phải triệt tiêu quyền được tuyên bố, chia sẻ. Nhưng, phát ngôn trong lúc bức xúc, ức chế, rối bời thậm chí bị thôi thúc của sự hiếu thắng thì rất khó kiểm soát, làm chủ. Bạn làm được gì trong một đám ồn ào ngoài việc… cần thận trọng, cân nhắc, liệu lường. Chưa kể nhiều giai đoạn nhạy cảm, nhiều bất ngờ phát sinh, thông tin đi quá nhanh, thậm chí cuộc đua mới “đề pa” đã… hết đường.

* Những đứa trẻ “rơi ra” từ những cuộc tan vỡ ồn ào ấy vô tình trở thành “con cưng” của truyền thông?

- Ai cũng bảo thương đứa bé nhưng khi cuồng nộ, chỉ muốn “vạch mặt” cho đã tức, mấy ai nghĩ còn có một đứa trẻ; mấy ai còn nhớ kẻ mà mình đang nhắm tới chính là mẹ, là cha của con mình; mấy ai nghĩ mỗi lần kéo được báo này báo kia vào cuộc là mỗi lần khoét sâu, chà xát vào tâm hồn trẻ. Rồi khi đứa bé lớn lên, bắt đầu biết đọc, sẽ ra sao khi nó đọc được những bài viết về gia đình mình cùng vô số những bình luận sát thương?

Khi trẻ sốc, sang chấn tâm lý, ai là người bên cạnh trẻ? Những vấn đề trong gia đình, có thể tránh hoặc cho trẻ biết một phần sự thật, nhưng khi đã đưa lên báo thì “đầy đủ, rõ mồn một, toàn diện, nhiều chiều” đến sắc lạnh, tàn nhẫn. Với đứa trẻ, tờ báo là gì? Là ảnh hình của sự thật. Sự thật ấy càng được xác tín bởi thực tế - cách cha mẹ hằn học, cạn tình với nhau. Trẻ cần được bình yên, cần được sống trong vòng tay yêu thương hơn bất cứ ánh mắt lo ngại, lời xuýt xoa thương xót nào.

* Tiếng nói là một vũ khí. Đôi lúc ức lòng đâu thể nín nhịn được...

- Nhiều trường hợp trớ trêu là vợ chồng ngại nói với nhau, chuyện gì cũng xí xóa, bỏ qua, đến lúc chịu nói thì đã có chuyện hoặc đã là tiếng chuông vãn cuộc rồi. Nhiều trường hợp không nói trực tiếp mà mượn tay truyền thông để “giao tiếp” càng khiến cuộc hôn nhân lao như xe không phanh. Oái oăm hơn là khi cần nói thì ta lại im. Khi cần im thì không những nói, có người còn… “gào” giữa đám đông, trên mạng xã hội, báo chí. Nếu trong hôn nhân, tạo được truyền thông nội bộ tích cực thì đâu có ngày phải kéo nhau bêu xấu giữa đàng.

Trong cuộc sống vợ chồng, khi vấn đề mới bắt đầu xuất hiện, mỗi người phải học cách nhận thấy, gọi đúng tên và cùng nhau bàn bạc, góp ý để tháo gỡ, điều chỉnh. Sự chân thành, thiện chí từ hai phía sẽ giúp vợ chồng dễ dàng chia sẻ, điều đó trở thành nhu cầu của tình yêu, hạnh phúc.

Thái độ trò chuyện nhã nhặn, thiện chí chứ không hiếu thắng là cách truyền thông tích cực, bày tỏ để người kia thấu cảm chứ không phải giành thắng thua. Trước những biến cố, bước ngoặt, phải bình tĩnh, sáng suốt, vững tin, coi đó là những thử thách của cuộc sống, cùng nắm tay nhau vượt qua. Còn nếu phải rạn - tan - vỡ thì không gì hơn là lặng lẽ “chôn cất” cuộc hôn nhân, tự tin bước tiếp con đường của mình với những vai trò còn lại.

* Xin cảm ơn thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ!

 TÔ DIỆU HIỀN

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI