Phác thảo về “Đinh Ý Nhi”

27/01/2017 - 15:40

PNO - Người bên phải thì đi về phía bên trái, người bên trái lại đi về phía bên phải. Những khuôn mặt giống nhau đan qua lại ấy, người này đi về chỗ mà người kia vừa rời bỏ ấy khiến Nhi nghĩ về những câu hỏi bên trong.

Một buổi sáng cuối năm, tôi hẹn hò họa sĩ Đinh Ý Nhi, khi chị vào TP.HCM làm cuộc triển lãm tranh một mình lần đầu tiên. Lúc cùng chị dạo trong căn phòng lớn chưng những bức tranh giấy dó nhỏ của Thì hiện tại (tên cuộc triển lãm), Nhi bảo rằng nếu có ai đó muốn treo tranh trong nhà cho đẹp mắt thì người ta chẳng mua tranh Nhi, và ở Việt Nam chắc chắn là không có ai treo tranh Nhi trong phòng khách, tôi chợt à lên một tiếng.

Tôi nhớ mình đã từng nhìn thấy tranh Nhi trong một phòng khách, cách đây có lẽ cũng hơn 20 năm, thời đó chắc Nhi còn rất trẻ và mới bắt đầu có triển lãm tranh. Đó là khi tôi tới chơi nhà của nhà thơ Ý Nhi. Căn nhà rộng và rất thoáng, trong khu vườn cũng rất rộng nằm giữa làng hoa Gò Vấp. Chị Ý Nhi chỉ vào những bức tranh khổ to dựa dưới chân tường phòng khách và bảo: tranh của con dâu. Chẳng hiểu sao câu chuyện đó và những bức tranh đó được khắc ghi vào cái đầu hay quên của tôi.

Tôi đến triển lãm của Nhi khi việc treo tranh mới vừa hoàn tất và chiều tối mới là buổi khai mạc. Đèn phòng tranh chắc chưa bật hết. Xem tranh Nhi trong tranh tối tranh sáng, có một điều thú vị rất riêng. Những sắc nét hình như càng trở nên sắc nét, những khối màu lạ lạ càng thêm sâu và trong cảnh tối sáng, người ta càng không cần thiết biết đến gương mặt, bàn tay, chân rõ ràng, mà chỉ là những cảm giác về bàn tay, bàn chân, gương mặt ấy. Và hình như đó chính là điều Nhi muốn nói.

Nhi đã từng vẽ những gì ai ai cũng có thể thấy. Nhưng rồi sau đó, Nhi cảm thấy những cái đó không hợp, cô bắt đầu đi con đường riêng: vẽ cái gì mình nghĩ khi nhìn vào cuộc sống, nhìn vào con người. Vào năm thứ 2 hay 3 gì đó của Nhi ở trường Mỹ Thuật, khi ngắm nhìn bức tranh Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn ở bảo tàng, Nhi đứng trên lan can của bảo tàng, lòng tràn đầy xúc động, Nhi ngắm nhìn cây hoàng lan và tự hỏi rằng em Thúy ấy giờ ra sao?

Em lớn lên ra sao và cuộc sống của em như thế nào? Khi Nhi kể như thế, tôi bất chợt nhìn thấy được Nhi, trong cái buổi sáng xa xôi nào ấy, khi đưa mắt nhìn ra cuộc sống đang tiếp diễn với mọi màu sắc cung bậc hình ảnh của nó, để cố tìm cho ra cô bé Thúy ấy đã đến và đi trong cuộc sống này như thế nào ở ngoài bức tranh tuyệt đẹp còn mãi mãi trên tường và được nhiều người chiêm ngưỡng kia.

Có lẽ Nhi cảm thấy được hết sự mong manh cũng như bất tận của hội họa khi ghi lại một khoảnh khắc của đời người, trong một dòng chảy của đời người và có lẽ chính suy nghĩ đó đã dẫn dắt Nhi đến với những tìm tòi trên con đường của mình.

Vậy thì cuối cùng là Nhi vẽ cái gì? Bởi người ta vẫn thường nói là tranh của Nhi rất khó hiểu. Nhi kể về những cảm giác, thí dụ như về những ngày Nhi ngồi trong một quán cà phê nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo, dưới một cây sấu to, uống nước. Những bông hoa sấu nhỏ rơi vào cốc nước của Nhi. Nhi cứ ngồi đó và nhìn hàng trăm người đi qua đi lại.

Phac thao ve “Dinh Y Nhi”
 

Người bên phải thì đi về phía bên trái, người bên trái lại đi về phía bên phải. Những khuôn mặt giống nhau đan qua lại ấy, người này đi về chỗ mà người kia vừa rời bỏ ấy khiến Nhi nghĩ về những câu hỏi bên trong, nhu cầu bên trong cuộc sống của con người. Bất chợt, giữa những quan sát ấy Nhi nhận ra một điều, dù có đi về hướng nào và làm những gì thì con người ta cũng đang hướng về một điều chung nhất: tìm hạnh phúc cho mình.

Và từ những buổi sáng ngước lên là nhìn hàng nghìn chuyển động qua lại ấy, cúi xuống là nhìn những bông hoa rơi vào cốc của mình, triển lãm của những bức tranh Hạnh phúc bé nhỏ của tôi đã ra đời. Đó là những bức tranh với hàng trăm khuôn mặt xếp hàng cạnh nhau, đều đặn một cách nhàm chán và giống nhau một cách nhàm chán, nhưng hễ nhìn sâu vào đó, bạn có thể nhận ra những nét cọ rất mạnh, rất dứt khoát, rất sắc nét của người vẽ tạo ra những điểm khác nhau thật nhỏ, quá nhỏ so với cái thế giới rộng lớn đến mênh mông này.

Tranh của Nhi là như thế, mãi mãi là như thế suốt hàng chục năm nay. Là sự tìm tòi cách để diễn đạt những vòng tròn giống nhau và khác nhau của sự sống, những điều chung và riêng của con người và thế giới xung quanh, những câu chuyện của từng khuôn mặt thoáng qua trong cõi đời này và sự lưu lại bất diệt mơ hồ của nó trong một ký ức của tự nhiên. Nhi gom hết cảm giác loang loáng ấy của những vòng sóng, sự ám ảnh của những hình ảnh, sự mơ hồ của những cảm xúc và đẩy vào tranh.

Nhưng mà Nhi vẽ như thế nào? Tôi cứ hỏi Nhi mãi về điều đó. Nhi nói: Nhi thường bắt đầu vẽ bằng một ly cà phê vớ vẩn nào đó. Đó là một cách Nhi nói về đời sống rất đơn giản. Nhi bắt đầu cầm cọ từ hồi bé tí, như một điều tự nhiên thôi, vì ba mẹ Nhi đều là họa sĩ “Giống như trong gia đình thợ làm bánh thì trẻ con sẽ nghịch bột”. Chỉ đến 14 tuổi, Nhi mới học vẽ một cách nghiêm chỉnh, với chính bố mình và xác định mình sẽ theo con đường hội họa nghiêm chỉnh khi một lần vào bệnh viện, thấy máu me ghê quá đến mức từ bỏ ngay ước mơ làm bác sĩ.

“Sau cái ly cà phê vớ vẩn ấy”, Nhi sẽ bắt đầu vẽ với cảm giác thả lỏng và chỉ nhớ đến những gì đã trải qua, những gì gây ấn tượng mạnh cho mình, khiến mình phải nhắc đi nhắc lại trong trí nhớ. Và tất cả những điều đó được dồn xuống đôi tay, để Nhi phóng nó ra bằng những nét mạnh và sắc sảo mà ai xem tranh Nhi cũng nhận ra. Nó là những cú trượt từ não xuống hai bàn tay và điều ấy với Nhi hết sức tự nhiên, hết sức dễ chịu. Nó trở thành một niềm vui nhẹ nhàng mà bền bỉ và sâu sắc.

Chỉ có niềm vui đó mới khiến Nhi có thể vẽ một bức tranh đến vài năm, mỗi ngày nhìn vào lại muốn quệt cho nó một vệt màu nào đó còn đang thiêu thiếu, một vệt màu chắt ra từ trong suy nghĩ của mình. Cái niềm vui đó cũng bắt đầu từ cảm giác hết sức tự do: bắt tay vào vẽ không bao giờ cần phải nghĩ trước rằng mình sẽ đi đến đâu, đi trong bao lâu.

Công việc chính của Nhi, theo Nhi, là... rửa bát. Nếu vẽ, Nhi có thể vẽ đến 7, 8 tiếng hay 10 tiếng, thì phần còn lại của Nhi, Nhi tập trung hết cho gia đình và con cái. Nhi đưa đón con đi học, chăm sóc bố, nấu ăn, dọn dẹp… Nhi được coi là một trong những họa sĩ bán được nhiều tranh nhất ra nước ngoài và tranh Nhi có giá rất cao, thế nhưng với Nhi điều đó cũng chẳng là áp lực gì.

Nhi vẽ chậm, mỗi năm có khi chỉ mười mấy bức. Nhi cười thật tươi, bảo: “Nếu em không bán được tranh thì chồng em sẽ cho em hai triệu tiền công rửa bát”. Với một phụ nữ chẳng bao giờ son phấn, quần áo rất đơn giản, đến mức có thể mua vài chiếc áo thun đen dài tay cùng một kiểu chỉ vì mặc nó tiện quá, xe muôn đời vẫn chỉ là chiếc Chaly lùn tịt, bé xíu, vừa với vóc dáng nhỏ và gầy, điện thoại chỉ biết nghe và gọi, nhắn tin phải chờ con gái về nhờ, thì hai triệu có lẽ là quá đủ.

Đặc biệt nhất trong vẻ ngoài của Nhi, chắc chỉ có mái tóc, một bên cắt thật cao, như con trai, bên còn lại dài xuống như tóc bum-bê. Nhi gọi nó là kiểu tóc một mất một còn. Kiểu tóc ấy cách đây cũng gần 20 năm. Nhi bảo cái gì hợp với mình thì tại sao lại phải thay đổi.

Với kiểu cách sống, kiểu cách nhìn vào đời sống đơn giản như thế, Nhi sống như thiền, cái thiền của mỗi giây phút. Nhi nhìn vào cuộc sống xung quanh, đi hút vào những tầng ý nghĩa của cuộc sống và thể hiện nó ra trên giấy trên vải trong cái xưởng vẽ bé tí nằm trên tầng thượng ngôi nhà nhỏ của mình.

Phac thao ve “Dinh Y Nhi”
 

Tôi lại nhớ đến phòng khách của nhà thơ Ý Nhi, nơi có lẽ duy nhất của Việt Nam treo tranh Nhi. Hiếm có một cặp mẹ chồng - nàng dâu nào mà lại trùng nhau cả tên lẫn đệm như thế. Hiếm có cặp mẹ chồng nàng dâu nào lại cùng là những người làm nghệ thuật, để có thể hiểu nhau, thông cảm nhau, yêu thương nhau một cách giản dị như thế. Có lần chuẩn bị khai mạc triển lãm, nhà thơ Ý Nhi nhắc con dâu kiếm đôi giày nào đẹp đẹp để mang thì cuối cùng vẫn thấy “nó” đến triển lãm với cái áo thun đen, quần dài đen và đôi dép. “Nó” cười bảo chị: “Không sao đâu mẹ, mọi người biết con rồi mà”.

Nghe nhà thơ Ý Nhi kể chuyện về Nhi, mới biết hai cái tên của hai cô con gái Nhi rất hay: Cẩm Sa và Bích La. Con gái lớn đi học ở Mỹ, Nhi bảo chẳng mấy khi nó gọi điện cho Nhi, cũng không sao, Nhi vui là nó đã trưởng thành, Nhi vui là nó không có thời gian gọi điện cho mẹ, Nhi vui là nó có con đường của nó. Rồi Nhi trầm lại: “Đời sống này đầy những điều bất thình lình, nên đừng cố gắng sở hữu điều gì làm gì. Đừng cố gắng nghĩ làm sao để kéo dài tuổi thọ, cũng đừng tàn phá đời sống của mình. Chỉ cần sống bình thường thôi”.

Không hiểu vì sao, trò chuyện với Nhi nhiều lần trong những ngày cuối năm, tôi cứ nhớ hoài câu chuyện Nhi kể, khi có lần trên đường đi ra Thủ Đức, Nhi dừng lại ở sạp bán trái cây của một bà cụ. Chỉ một ngọn đèn rọi quầng sáng xung quanh mặt tấm trải có vài ba thứ trái cây bày ra.

Nhi dừng lại mua một trái mít tố nữ, rồi lên xe, nhưng nụ cười vui vẻ của bà cụ thì đeo đẳng Nhi. Một bức tranh hình như quen thuộc với tất cả mọi người. Nhi kể câu chuyện đó đến hai, ba lần, đến mức tôi hiểu rằng quầng sáng đó, ngọn đèn đó đang ám ảnh cô họa sĩ và chắc chắn sẽ ẩn vào đâu đó trong những bức tranh tương lai của Nhi.

Nhà báo Khánh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI