Chuông vàng vọng cổ 2018: Gian nan tìm ngọc

02/07/2018 - 09:39

PNO - Thêm một hành trình 'đãi cát tìm vàng' cho sân khấu cải lương lại bắt đầu với không ít âu lo.

Hơn 100 thí sinh khu vực Tây Nam bộ đã có mặt trong buổi sơ tuyển Chuông vàng vọng cổ 2018 vào ngày 29, 30/6 tại TP.Cần Thơ.

Chuong vang vong co 2018: Gian nan  tim ngoc
Nhiều thí sinh Chuông vàng vọng cổ khu vực Tây Nam bộ mắc chung nhược điểm về cách lấy hơi, giữ nhịp

Những đổi thay ở mùa giải mới

Vòng sơ tuyển năm nay, cùng với đạo diễn Hiền Phương - Phó ban văn nghệ Đài Truyền hình TP.HCM, thành phần giám khảo còn có Võ Minh Lâm và NSƯT Hồ Ngọc Trinh - Chuông Vàng và Chuông Bạc Chuông vàng vọng cổ (CVVC) mùa đầu tiên.

Đều thành danh từ cuộc thi CVVC 2006, sau 12 năm, cả hai giọng ca này đều để lại dấu ấn nhất định trong nghề nghiệp. Riêng Hồ Ngọc Trinh là trường hợp đặc biệt, được đánh giá là người thành công nhất: trở thành NSƯT và hiện là Phó trưởng đoàn cải lương Long An.

Những bước tiến trong nghề của hai “tân” giám khảo vòng sơ tuyển ít nhiều gạt bỏ những lo lắng của công chúng về chất lượng người cầm cân nảy mực. Như lý giải của đạo diễn Hiền Phương: “12 năm là một chặng đường khá dài của CVVC. Ở năm thứ 13, cùng với những thay đổi về công tác tổ chức, cấu trúc chương trình… ban tổ chức cũng phải tính đến một thế hệ chuyển tiếp, để CVVC có thể đi xa hơn”.

Thành phần ban huấn luyện năm nay có NSƯT Phượng Loan và NSƯT Hữu Quốc thay cho NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Lê Tứ. NSƯT Phượng Loan, Quế Trân, Hữu Quốc cũng đồng thời là giám khảo chính của vòng tuyển chọn. NSƯT Kim Tử Long sẽ là giám khảo khách mời, quyết định gương mặt thứ 9 có mặt ở vòng chung kết xếp hạng.

Quy định không sử dụng những trích đoạn đã từng dự thi những năm trước nay được nới lỏng do bị phản ứng ở mùa thi năm ngoái - nhiều thí sinh gặp khó khăn khi tìm kiếm trích đoạn dự thi. Tuy nhiên, các trích đoạn mới vẫn được ưu tiên. Ban giám khảo vòng chung kết năm nay gồm NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Hoa Hạ.

Có tìm được vàng?

Con số hơn 200 thí sinh ở mùa giải năm nay khiến không ít người quan tâm đến CVVC thất vọng. Phần đông các thí sinh đang sinh hoạt ở các đơn vị nghệ thuật hoặc các trung tâm văn hóa; trong khi với đặc thù của tài tử cải lương, nhiều giọng ca lạ có thể vẫn đang ở đâu đó trên ruộng đồng, làng quê.  CVVC từng có những thí sinh đoạt giải cao xuất thân từ miệt vườn như “Hai lúa” Lê Văn Gàn (Chuông Bạc 2007) hay anh tài công Võ Thành Phê (Chuông Vàng 2008)…

Sự thiếu vắng những “giọng ca miệt vườn” có lẽ do điều kiện kinh phí hạn hẹp, công tác tuyển sinh ở từng địa phương vẫn chỉ là ước mơ. Bên cạnh đó, việc nhiều thí sinh là diễn viên các đoàn cải lương chuyên nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các giọng ca “quần chúng”.

Đây là năm thứ hai cuộc thi thiếu vắng các thí sinh khu vực miền Bắc. Thực tế ở những mùa giải trước, dù đất Bắc không phải là chiếc nôi của nghệ thuật cải lương, lại có nhiều giọng ca nổi bật. Không chỉ bài bản, nhịp nhàng trong giọng ca, các thí sinh miền Bắc cũng trội về diễn xuất. Vòng chung kết CVVC năm nay rơi vào thời điểm diễn ra Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp, nên các thí sinh miền Bắc đành tập trung cho liên hoan.

Hai ngày sơ tuyển phô bày nhược điểm cực lớn của các thí sinh CVVC năm nay: chưa biết cách lấy hơi, giữ nhịp, không biết phân bổ làn hơi để có sự luyến láy, truyền cảm xúc cho người nghe. Nhiều thí sinh có tâm lý phô diễn làn hơi khỏe, nên thành thiếu cảm xúc, thiếu điểm nhấn, thậm chí có lúc khiến người nghe bị chói tai vì những đoạn tống hơi không cần thiết.

Ở cụm thi đầu tiên, một số gương mặt nổi trội có Trần Đông Hùng (Hậu Giang), Lâm Thị Kim Cương (Cần Thơ), Hồ Duyên Giàu (Cần Thơ), Bùi Thanh Quốc (Trà Vinh), Huỳnh Văn Tánh (Long An)…

Trần Đông Hùng có giọng ca khỏe, vang và sắc vóc “đủ chuẩn” của một kép đẹp, nhưng cũng chưa biết cách lấy hơi, giữ hơi và phân bổ hợp lý làn hơi. Lâm Thị Kim Cương là em gái của Chuông Bạc Lâm Ngọc Hoa (CVVC 2013), từng được chú ý ngay lần đầu xuất hiện ở CVVC năm 2014, khi còn là cô học sinh lớp Mười, giờ đã trưởng thành. Sở hữu làn hơi khỏe, ngọt ngào với lối ca khá trau chuốt, Lâm Thị Kim Cương được dự đoán sẽ là gương mặt sáng giá ở vòng thi kế tiếp.

Cô bé Biện Thị Kim Thuy, năm nay mới 16 tuổi (thí sinh nhỏ tuổi nhất), cũng đã thể hiện sự chững chạc và bản lĩnh nhất định trong giọng ca. Điều băn khoăn hiện nay là sự sắp xếp thời gian cho cuộc thi và việc học hành, bởi những vòng thi tiếp theo sẽ diễn ra vào thời điểm em nhập học.

Vòng sơ tuyển Chuông vàng vọng cổ khu vực miền Đông sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tại Bình Dương. Cụm thi TP.HCM sơ tuyển ngày 5, 6, 7/7. Vòng tuyển chọn diễn ra từ ngày 25 - 28/7 tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.HCM.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI