Bernardo Bertolucci và điều làm nên 'vị hoàng đế' của điện ảnh thế giới

27/11/2018 - 10:48

PNO - Say mê những câu chuyện phức tạp, không ngại cấm kỵ, phim của Bertolucci mang tính hiện thực mà vẫn thi vị, tái hiện sự sụp đổ niềm tin và những góc khuất dục vọng, căn tính bạo lực bên trong mỗi con người.

Được xem là một trong 4 cây đại thụ của điện ảnh Italia hiện đại cùng với Michaelangelo Antonioni, Federico Fellini và Pier Paolo Pasolini, nhưng cái tên Bernardo Bertolucci đi cùng một chuỗi những tranh cãi, nhất là khi nữ diễn viên chính phim Last tango in Paris công khai cách ông đưa cô vào cảnh nóng của phim tàn bạo đến thế nào vào năm 2016. 

Nhưng, tài năng của ông thì không ai không thừa nhận, nhất là với phim The Last Emperor, bộ phim đưa danh tiếng Bertolucci đến Hollywood và lan tỏa khắp thế giới, mang về cho ông 4 giải Quả cầu vàng, 9 giải Oscar trong năm 1988, trong đó có 2 giải quan trọng là Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
Bernardo Bertolucci khi còn trẻ
Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
Bertolucci trên phim trường The Last Emperor tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh.

Sinh ngày 16/3/1940 tại Parma, Ý, tình yêu điện ảnh và văn chương của Bertolucci chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ba nghệ sĩ lớn. Thứ nhất là từ cha của ông - nhà thơ, nhà biên soạn văn học và phê bình điện ảnh Attilio Bertolucci. Thứ hai là người bạn của cha - tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà làm phim nổi tiếng Pier Paolo Pasolini (sinh năm 1922, bị ám sát năm 1975), người đã thuê Bertolucci làm trợ lý đạo diễn vào năm ông 20 tuổi. Cuối cùng là đạo diễn Jean-Luc Godard (sinh năm 1930, tên tuổi gắn liền với trào lưu Làn Sóng Mới), ảnh hưởng đến phong cách làm phim của Bertolucci.

Bertolucci bắt đầu với thi ca từ tuổi mười lăm, sớm đoạt nhiều giải thưởng uy tín, chẳng hạn như giải Viareggio cho tác phẩm đầu tay. Theo học khoa văn chương hiện đại ở Đại học Rome, nhưng Bertolucci sau đó đã rẽ hẳn sang điện ảnh. Tuy nhiên, dòng máu thi sĩ của ông vẫn thể hiện rõ ở những tác phẩm điện ảnh giàu chất thơ, thậm chí không quá khi nói là “gợi cảm bậc nhất”.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
The Dreamers - một bộ phim mơ mộng, có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều đạo diễn trẻ sau này. Phim cũng giới thiệu nàng thơ Eva Green đến khán giả thế giới.

The Last Emperor là phim đánh dấu cột mốc mới trong sự nghiệp của Bertolucci, không chỉ bởi những giải thưởng nó gặt hái được mà còn cho thấy kiến thức, khả năng am tường văn hóa Trung Hoa của ông - điều không phải đạo diễn phương Tây nào cũng làm được.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
The Last Emperor cho thấy sự am tường sâu sắc văn hóa Trung Hoa của Bertolucci, đánh dấu bước ngoặt trong phong cách làm phim của ông.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu Tân hiện thực, phim của Bertolucci vì vậy sử dụng nhiều góc máy đặc tả, đón chờ nhân vật xuất hiện, không tô vẽ hào quang, thay vào đấy, để sự kiện diễn ra một cách tự nhiên.

Chất liệu ông sử dụng trong The Last Emperor đậm nét Trung Hoa cận đại. Từ màu đỏ vàng phảng phất bóng dáng hào quang cổ xưa, đến màu trắng ảm đạm của một đất nước “thay da đổi thịt”. Âm nhạc dân gian, tiếng động được lồng ghép rất độc đáo, tạo nên sự thương cảm, xót xa. Bertolucci rất khéo trong việc cắt cảnh, nối đoạn để sự việc diễn ra dù bị nhảy cách thời gian nhưng không làm mất đi trật tự và ý nghĩa.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
Phim mang đến sự xót xa, cảm thông và một nỗi buồn khó tả cho người xem.

The Last Emperor là bộ phim phương Tây đầu tiên được thực hiện ở Trung Quốc, kể từ năm 1949, được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ hết mức, cho phép vào quay tại Tử Cấm Thành, kể cả những khu vực hạn chế, cũng như hoàn toàn không cắt xén nội dung. Phim xoay quanh cuộc đời vua Phổ Nghi, từ lúc đăng quang khi mới 3 tuổi, trải qua nhiều biến cố gắn liền với sự sụp đổ của vương triều, một nhà nước mới hình thành, bị người Nhật lợi dụng, chìm trong bi kịch cá nhân…

Kịch bản bộ phim này được Bertolucci viết cùng Mark Peploe - dựa trên cuốn tự truyện của chính Hoàng đế Phổ Nghi - vị vua thứ 12 và là vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh. Nhưng, bằng cái nhìn của một người phương Tây, ông không tham vọng mô tả sự sụp đổ của một vương triều mà khéo léo chuyển tải vận mệnh của vương triều qua số phận nhà vua, như một con rối bị nhốt trong lòng son.

Trailer The Last Emperor:

Cũng cần nói thêm về sự chuyển hướng đặc biệt này của Bertolucci. Thập niên 1980, ông dần vỡ mộng với tình hình chính trị tại Italia và bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa Marx, từ một kẻ vô thần, ông trở thành kẻ mộ đạo Phật và tìm hiểu về văn hóa phương Đông, trong đó có văn hóa Trung Hoa. Với sự chuẩn bị công phu trong 3 năm ròng, quay trong 7 tháng và nguồn kinh phí 25 triệu USD, bộ phim đã có những cảnh quay hoành tráng như các trường đoạn về lễ đăng quang của Phổ Nghi tại điện Thái Hòa, Bắc Kinh.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi
Vua Phổ Nghi và hoàng hậu Uyển Dung trong phim The Last Emperor.

Nếu tư tưởng chủ đạo trong các bộ phim truyền hình cùng đề tài Hoàng đế cuối cùng do các đạo diễn Trung Quốc thực hiện là sự khao khát tự do của ông vua bị cầm tù, thì The Last Emperor của Bertolucci là cái nhìn vô thường của cuộc đời, mà đặc biệt ở đây, sự vô thường của số phận một con người ở trên mọi người.

Với những giải thưởng gặt hái được, The Last Emperor là phim đứng thứ 3 thế giới về giải thưởng quốc tế sau Ben-hur (1959) của William Wiler, Cuốn theo chiều gió (1939) của Victor Fleming, trở thành một trong số các phim kinh điển về châu Á.

Trong suốt sự nghiệp điện ảnh, đạo diễn Bernardo Bertolucci đã làm tổng cộng 24 phim, đủ đề tài, từ chính trị, tôn giáo cho đến những thước phim về dục vọng của con người, sự vô thường trong đời sống. Me and You (2012) - bộ phim cuối cùng của Bertolucci, được làm cách The Dreamers (2003) gần 10 năm. Năm 2011, ông vinh dự là người đầu tiên nhận được giải Cành cọ vàng danh dự của LHP Cannes, vì “tính độc đáo” trong góc quay, cách kể chuyện và “sức mạnh của sự tận tâm cho điện ảnh”.

Bernardo Bertolucci va dieu lam nen 'vi hoang de' cua dien anh the gioi

Trong buổi lễ nhận giải, dù ngồi trên xe lăn nhưng Bertolucci không giấu mong muốn được tiếp tục làm phim, đặc biệt là thử sức với phim 3D. Ông chia sẻ, chính Avatar của đạo diễn James Cameron đã tiếp thêm cho ông khát khao đó. Tháng 4/2018, trong bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Vanity Fair, Bertolucci tiết lộ ông đang trong quá trình chuẩn bị quay một bộ phim mới.

Tối 26/11/2018, ông qua đời tại nhà riêng ở Rome, sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư và 15 năm ngồi xe lăn sau cú ngã đột quỵ.

Khoa Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI