Vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết: Giám đốc công ty 'bán thầu' bất ngờ phản đối cáo trạng

15/01/2019 - 18:21

PNO - Chiều ngày 15/1, TAND TP.Hòa Bình tiếp tục phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo trong vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết.

Tiến lên bục xét hỏi, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn - bị truy tố Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng) đã khẳng định mình không phạm tội.

Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Đỗ Anh Tuấn là người ký biên bản thương thảo hợp đồng và Hợp đồng số 135 với Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Tuấn cũng là người yêu cầu Bùi Mạnh Quốc tiến hành kiểm tra hệ thống RO số 2 và báo giá cho Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn. Trong quá trình thực hiện, ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên gọi và yêu cầu Quốc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

Vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: Giam doc cong ty 'ban thau' bat ngo phan doi cao trang
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (người đứng) tại tòa

Kể từ khi cho Bùi Mạnh Quốc thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước, ông Tuấn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa theo báo giá.

Phản đối nội dung trong cáo trạng, bị cáo cho rằng tội danh này không cụ thể của cá nhân ông, bởi ông là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Bị cáo này cho biết, Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình hợp tác với nhau từ tháng 12/2009. Công ty này cho BV thuê máy chạy thận.

“Công ty đã ký 4 hợp đồng cho thuê máy chạy thận với BVĐK tỉnh Hòa Bình tổng số 13 máy. Hiện tại phía BV đã thanh lý hợp đồng 8 máy, còn lại 5 máy đang ở BV và thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn. Dựa trên phương diện pháp nhân, nhu cầu của khách hàng, BV có nhu cầu thuê máy thì phía công ty của bị cáo cho thuê máy”, ông Tuấn cho biết.

Trả lời câu hỏi về năng lực pháp lý trong hợp đồng 315 (hợp đồng sửa chữa hệ thống nước RO) giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình, bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho rằng việc đảm bảo kỹ thuật lọc máu, chạy thận nhân tạo thuộc trách nhiệm của BV. Phía BV phải cử người đi học, chuyển giao công nghệ lọc máu từ BV tuyến trên. Mấu chốt cơ bản của nghĩa vụ hợp đồng này là phía BV phải đảm bảo mặt chuyên môn như đội ngũ y tế, kỹ thuật lọc máu.

Lý giải về mức ăn chia mà bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) khai trước đó, bị cáo Tuấn cho biết do phía BV khó khăn, không đủ năng lực tài chính để mua máy nên 2 bên mới ký hợp đồng cho thuê. Dựa trên mức tiền thỏa thuận là 360.000 đồng/ca chạy thận. Phải thanh toán tiền, gồm tiền thuê máy và tiền vật tư tiêu hao, thì phía Thiên Sơn mới đặt máy. 

“Đến cuối năm 2011, do nhu cầu tăng cao, phía bệnh viện đặt thêm máy, chúng tôi thỏa thuận lại là 7,7 USD (không gồm tiền vật tư tiêu hao) cho một ca chạy thận. Sau này, BV phải tự mua máy do đơn giá thay đổi”, bị cáo Tuấn nói.

Về việc tổ chức chạy thận, BVĐK tỉnh Hòa Bình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Công ty Thiên Sơn cho thuê máy, nghĩa vụ của công ty bị cáo là nếu máy hỏng hóc thì Thiên Sơn sẽ cử kỹ sư lên sửa. Còn các trang thiết bị phụ trợ cho việc chạy thận như hệ thống lọc nước RO do phía BV tự trang bị.

Vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: Giam doc cong ty 'ban thau' bat ngo phan doi cao trang
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty dược Thiên Sơn "bán thầu"

“Hợp đồng của chúng tôi là hợp đồng đặt máy, không có hệ thống nước. Kỹ thuật viên của Thiên Sơn chỉ phục vụ việc sửa chữa máy chạy thận, không phải hệ thống nước. Hệ thống lọc nước là hệ thống lọc nước, máy chạy thận là máy chạy thận, hai cái này khác nhau. Chỉ khi nào máy chạy thận hỏng thì kỹ thuật của Thiên Sơn mới lên kiểm tra, sửa chữa, không có chuyện kỹ sư của Thiên Sơn phải ở bệnh viện”, bị cáo Đỗ Anh Tuấn khẳng định.

Tuy nhiên theo cáo trạng của VKS, trước khi vụ việc xảy ra, trong những lần hệ thống lọc nước RO cần sửa chữa, bảo dưỡng, chính bị cáo Đỗ Anh Tuấn là người ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với bị cáo Trương Quý Dương. Những lần sửa chữa trước đó đều đưa hệ thống vào sử dụng ngay mà không có kết quả xét nghiệm nước và biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Sau khi ký hợp đồng số 315, chính Tuấn là người chỉ đạo nhân viên gọi Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) và yêu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI