Trường THCS Tân Tạo (Q. Bình Tân, TP.HCM): Cô giáo vỡ nợ vì chồng cờ bạc?

11/03/2016 - 13:37

PNO - Mới đây, hàng loạt giáo viên (GV) Trường THCS Tân Tạo (Q. Bình Tân, TP. HCM) đã phải thay đổi mật khẩu thẻ ATM.

Truong THCS Tan Tao (Q. Binh Tan, TP.HCM): Co giao vo no vi chong co bac?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Trước đó họ đã đổ cho chị Thu D. - Một đồng nghiệp trong trường - vay tiền bằng cách đưa thẻ ATM của mình để cô này tự rút. Gần đây, họ phát hiện cô D. không còn khả năng trả nợ.

Mất tiền vì tin người

Đỗ Thị Thu D. là GV trẻ đang tập sự tại trường THCS Tân Tạo. Trẻ trung, xinh đẹp, khéo nói và luôn tỏ ra phóng khoáng nên D. đã chiếm được tình cảm và sự tin cậy ở nhiều đồng nghiệp. Bởi vậy, khi nghe D. gặp chuyện cấp bách, hỏi mượn tiền, thì ai cũng sẵn sàng móc bóp hoặc đưa thẻ ATM kèm mật khẩu mà chẳng nghi ngờ.

Cô Trần Thị T. H. - GV tổ ngoại ngữ, kể: “D. dạy cùng tổ với tôi. Hôm ấy, tôi được truy lĩnh ba tháng lương, 20 triệu đồng, là khoản tiền tôi để dành sinh em bé, cô D. biết nên hỏi mượn, nói là để giải quyết công việc và sẽ hoàn trả trong hai tuần. Tôi không đặt vấn đề về lãi suất nhưng cô ấy có đưa tôi một ít tiền nói là để mua sữa cho con. Đúng hai tuần, cô ấy trả. Nhưng không lâu sau D. lại hỏi mượn 30 triệu đồng hứa trả lãi 3%/tháng. Trả tiền lãi được một tháng thì D. lại hỏi mượn thêm 30 triệu đồng nữa. Sau đó lại mượn thêm 50 triệu đồng. Lý do mượn tiền đều là xoay xở làm ăn, đáo hạn ngân hàng. Thấy cô ấy sòng phẳng nên tôi cho vay. Cô ấy còn nói, khi nào cần cứ nói trước một tháng là cô ấy hoàn trả. Vào ngày 4/4/2015, D. hỏi mượn thêm 20 triệu đồng và hứa như đinh đóng cột hai ngày sau sẽ trả hết 150 triệu đồng. Thế nhưng, từ đó cô ấy khất lần cho đến nay”.

Hỏi vì sao lại cho mượn nợ nhiều như vậy? Cô H. nói: “Trong trường bấy lâu nay có ai gạt ai bao giờ. Cô ấy cũng có mời anh em đồng nghiệp đến nhà chơi. Thấy gia đình cô ấy khá giả, chồng dạy học hơn 100 triệu đồng/tháng (theo lời giới thiệu của cô ấy), nên ai cũng tin. Đã vậy, mỗi lần mượn thêm cô ấy đều nói để giải quyết chỗ nọ, chỗ kia, rồi sẽ trả một lần. Lý do cô ấy đưa ra rất hợp lý hợp tình, thuyết phục, nên tôi dốc hết túi và còn đi mượn thêm bên ngoài giúp cô ấy. Bây giờ mới ngớ ra”.

Không chỉ có cô H., nhiều GV khác và cả phụ huynh học sinh cũng “vướng” vào cô D. Chị Trần Thị Kim Vân - một phụ huynh, kể: “Vào tháng 10/2015, khoảng 9g tối, cô ấy gọi điện nói là cha đang mổ tim và hỏi mượn năm triệu đồng vì lúc đó cô không thể rút tiền ngân hàng và cũng không biết chạy đâu. Tôi nghĩ giúp người là trên hết nên đồng ý cho mượn. Cô ấy chạy tới nhà lấy và hẹn một tuần sau sẽ trả. Nhưng ngay hôm sau thì cô ấy lại gọi và nói ca mổ tốn 70-80 triệu đồng nên hỏi mượn tôi thêm 10 triệu đồng. Tôi nghĩ, đã lỡ giúp thì giúp cho trót, dù gì thì cô ấy cũng là cô giáo của con tôi, nên đồng ý cho cô mượn tiếp. Cô D. hẹn 10 ngày sẽ trả, nhưng hơn 10 ngày sau vẫn bặt tăm. Tôi tìm đến nhà thì nhà vắng tanh. Hàng xóm cho biết cô ấy đã bán nhà đi nơi khác”.

Đau xót nhất là trường hợp của cô Trương Thùy T. Là bạn học thời cao đẳng với cô D. nên khi cô D. hỏi mượn năm triệu đồng, cô T. không ngần ngại. Cô D. trả nợ đúng hẹn sau một tuần, nhưng sau đó lại hỏi mượn 20 triệu đồng hẹn trả lãi suất. Thấy bạn tốt, D. lại viện lý do người nhà bệnh nặng, tai nạn… để hỏi mượn nhiều hơn. Thấy bạn đang bầu bì lại gặp hoạn nạn nên ngoài số tiền mình có, cô T. đã vay mượn thêm người thân và cả người ngoài để giúp bạn với tổng số tiền lên đến hơn 400 triệu đồng.

Còn cô H. cho biết, trong 150 triệu đồng cho cô D. mượn có 50 triệu cô đi mượn lãi suất cao giúp D., số tiền còn lại là số tiền cô dành dụm suốt 15 năm đi dạy học. Khi sự việc vỡ lở, để giữ hạnh phúc gia đình cô phải giấu chồng. Khi sinh con, không còn một đồng lận lưng, cô phải trông vào sự giúp đỡ của cha mẹ.

Mượn cho chồng cờ bạc?

Theo chỉ dẫn của các nạn nhân, chúng tôi tìm đến địa chỉ có đến ba cái “xuyệt” nơi từng là nhà của cô D. trên đường Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Tân Phú. Ngôi nhà hai tầng rộng rãi vừa được sơn phết lại. Hàng xóm cho biết, ngôi nhà đã được bán lại cho người khác, còn vợ chồng D. thì lẳng lặng đi khỏi nhà lúc nào không biết. Hàng xóm chỉ biết sự việc khi có nhiều tay anh chị đem sơn đến tạt khiến mặt tiền ngôi nhà như một “bức tranh” và người chủ mới phải dán thông báo: “Nhà này tôi đã mua, không liên quan gì đến nợ nần trước đó”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI