Tiến sĩ Mai Thanh Sơn: 'Các nhà quản lý văn hóa đã không tích cực trong vấn đề Vườn Chuối'

21/03/2019 - 06:00

PNO - Phóng viên Báo Phụ Nữ có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, về di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Phóng viên: Ông có ý kiến gì về việc di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang tiếp tục bị xâm hại?

Tien si Mai Thanh Son: 'Cac nha quan ly van hoa da khong tich cuc trong van de Vuon Chuoi'
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn: Về luật, đơn vị thi công không sai, vì đề án xây dựng đã được cấp phép. Nhưng về trách nhiệm công dân, họ không đúng. Khi phát hiện hiện vật, họ phải báo chính quyền, ngừng thi công, chờ đánh giá từ các cơ quan liên quan.

Ở Việt Nam, nhiều người chỉ quan tâm tới cơm áo gạo tiền, bỏ quên di sản, quá khứ, lịch sử. Làm sao chuẩn hóa về mặt pháp lý là một chuyện, nhưng chuẩn hóa về ứng xử của người dân, trách nhiệm công dân với di sản cũng quan trọng không kém.

Thứ nữa, nếu muốn thi công tránh di chỉ này giờ cũng không dễ, vì nó liên quan đến quy hoạch được duyệt từ trước. Thay bằng phương án khác, sẽ đội vốn. Làm sao để giải quyết bài toán này là điều Nhà nước phải tính. Nhưng hiện tại, chẳng có một chỉ đạo hay ý kiến gì quyết liệt từ các cấp cao hơn. Tôi nghĩ, đó là điều đáng tiếc, vì không dễ gì chúng ta có một di tích khảo cổ đặc biệt như vậy. Nếu không giữ được, đó là một mất mát lớn.

* Ông đánh giá trách nhiệm của những đơn vị quản lý văn hóa trong câu chuyện Vườn Chuối ra sao? 

- Nếu các cơ quan quản lý vận hành tối đa, chỉ một tháng có thể lập xong hồ sơ di sản; sau đó, đưa ra hội đồng di sản đánh giá, phê duyệt, rồi trình các cấp cao hơn. Khoảng vài tháng là hoàn tất mọi thủ tục. Tôi thấy, các nhà quản lý văn hóa cũng không có động thái nào tích cực trong vụ Vườn Chuối, nên sự việc mới “chây ì” suốt nhiều năm qua.

Tien si Mai Thanh Son: 'Cac nha quan ly van hoa da khong tich cuc trong van de Vuon Chuoi'
Khai quật di chỉ Vườn Chuối vào năm 2009

Hiện nay, di sản càng ngày càng ít, lợi ích nhóm lại luôn nhòm ngó, xâu xé. Tôi không muốn cào bằng, nhưng ở ta có tình trạng, quy hoạch đồng nghĩa với phá hoại di sản. Không biết bao nhiêu dự án, người Việt mình sờ tay vào lại “hỏng”, phải mời chuyên gia nước ngoài sang sửa với giá đắt đỏ. Mà có phải “sửa” là xong đâu, vì có những thứ đã “an bài” rồi, chưa kể thủ tục nhiêu khê, rắc rối. Vì thế, làm nghiêm túc ngay từ đầu, khi còn có cơ hội, vẫn hơn. Vấn đề là có muốn làm hay không thôi.

* Còn Luật Di sản văn hóa thì sao, thưa ông? 

- Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, sau vài lần sửa đổi, đã có những tiến bộ, nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập. Nhiều khái niệm trong luật chưa rõ ràng, cụ thể. Ví dụ, luật nói những di sản có giá trị lịch sử - văn hóa hơn 100 năm là di sản. Nhưng di sản thế nào mới được xem là có giá trị lịch sử - văn hóa thì lại không rõ. Ở ta, chưa có vị nào mất chức vì di sản bị xâm hại cả.

Bắc có Vườn Chuối, Nam có Đà Lạt

Trong lúc câu chuyện di chỉ Vườn Chuối vẫn đang nhức nhối thì ở phương Nam, Đà Lạt trở thành tâm điểm của dư luận khi Đồ án quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình được công bố, trong đó nêu rõ, rạp hát Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt sẽ bị đập bỏ, di dời, để xây khu giải trí đa chức năng, trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp…

Trong một bài viết, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, khu Hòa Bình giống như một “bảo tàng” sống động về văn hóa và con người Đà Lạt. Với sự thay đổi cảnh quan hiện đại như quy hoạch, e rằng giá trị văn hóa, lịch sử của trung tâm Đà Lạt cũng sẽ không còn. Theo bà Hậu, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở nhiều tỉnh thành đã phá hủy khu vực trung tâm - nơi lưu giữ dấu ấn đặc trưng lịch sử - văn hóa của đô thị. Những bản quy hoạch “khu trung tâm hiện đại” với công trình cao tầng đồ sộ, bê tông và kính lạnh lùng lấn lướt những khu phố, những ngôi nhà đã hòa hợp tồn tại hàng trăm năm. Thực trạng này vừa là sự “nhân bản vô tính”, vì hoàn toàn không mang “hồn vía đô thị”, vừa là thái độ vô ơn với tiền nhân - những người đã tạo dựng lịch sử đô thị đó.

Du Nguyên (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI