Những bóng hồng mê việc của đàn ông

08/03/2017 - 20:36

PNO - Trong cuộc mưu sinh, nhiều phụ nữ (PN) đã làm và gắn bó với những công việc mà không phải người đàn ông nào cũng cáng đáng nổi: lái xe khách đường dài, điều khiển xe ngựa, bốc vác…

Có người đến với nghề một cách tình cờ, lại có người mà hoàn cảnh buộc phải theo lối rẽ nghiệt ngã, nhưng ở họ đều toát lên sự cần mẫn, tinh thần trách nhiệm.

  Chỉ thiếu… bắn cung

Nắng sớm. Họ ngồi quây quần lại. Đằng kia là những chiếc xe ngựa chở khách du lịch đã thắng kiệu, sẵn sàng. Nhìn quanh chẳng thấy bóng đàn ông. Tôi hơi chột dạ, không lẽ...? “Nghề gì đàn ông làm được thì PN tụi tôi cũng làm được mà. Ban đầu thấy khó nhưng lâu dần thành quen. Bây giờ ở đây có chị còn đánh xe ngựa giỏi hơn cả đàn ông nữa đó” - chị Trần Thị Ngọc Hân, 39 tuổi, ngụ xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người có ngót chục năm cầm cương khiển ngựa không giấu vẻ tự hào.

Nhung bong hong me viec cua dan ong
Chị Đinh Thị Út đang chăm chút cho chú thiên lý mã của mình

Sinh ra là gắn với việc đồng áng, chèo ghe, đưa đò, một ngày quên mất ai đã đưa ngựa về, cũng không nhớ ai đã kêu bày PN đưa khách tham quan bằng ngựa, thế là những PN ở đây, từ dưới ruộng dưới kênh, thoắt cái đã phi thẳng lên mình ngựa. Và cũng từ họ, xã Quới Sơn, được mệnh danh là “thủ phủ” xe ngựa du lịch ở miền Tây, với nét chấm phá vừa lạ, vừa duyên dáng, với những tay cầm cương là PN. Người rành nghề hướng dẫn người mới vào nghề.

Cứ thế, đến nay, xã Quới Sơn đã có hơn 30 PN biết đánh xe ngựa chở du khách. Chị Đinh Thị Út nhớ lại: “Hàng xóm, đàn ông không ít người dèm pha “PN bày đặt cưỡi ngựa, bắn cung”. Nhỏ tới giờ có biết ngựa trâu gì đâu. Mấy ngày đầu học dắt, cưỡi ngựa, cực đủ bề, nhiều lần rơi từ lưng ngựa xuống đất, toàn thân ê ẩm. Trầy lên, trật xuống cũng phải ba tháng, tôi mới chinh phục được con ngựa. Bây giờ, ngày nào không chở khách là buồn, là nhớ”.

Liếc mắt nhìn bé gái đang say sưa ngủ trên võng, chị Hân bộc bạch: “Năm tôi vào nghề, con bé đó chưa đầy một tuổi. Trên xe ngựa của tôi lúc nào cũng cột một chiếc võng nhỏ cho con ngủ. Nay, con bé đã học lớp 5”. PN điều khiển xe ngựa khiến nhiều du khách thích thú, đặc biệt là khách nước ngoài.

Dẫu vậy, không phải ai cũng suôn sẻ với nghề. Như tiếng vó ngựa lỗi nhịp, đã đôi ba lần chị Út bỏ nghề, nhưng tiếng ngựa hí vang, ánh nhìn thán phục của du khách đã kéo chị trở lại. “Làm nghề này còn giúp mình học hỏi được nhiều thứ lắm. Bây giờ tôi còn biết chào, hỏi du khách bằng tiếng Tây nữa đó” - chị Út cười rạng rỡ.

Trong lúc câu chuyện nghề của những “bóng hồng xe ngựa” còn dang dở, bất chợt một đoàn khách du lịch hơn chục người kéo đến. Thế là các chị vội vàng cắp lấy chiếc nón lá, chạy đến dắt ngựa ra xếp hàng chuẩn bị chở khách. Những tiếng “hự” kèm theo cái giật dây cương vang lên. Một hình ảnh như trong phim cổ trang. Trên mình những chú ngựa ô, ngựa bạch là người PN nhỏ nhắn, xinh đẹp ghì chặt dây cương dần khuất theo những con đường nhỏ ven cù lao sông nước. Đâu đó vang lên tiếng trầm trồ của khách nước ngoài. Tiếng lọc cọc của vó ngựa như nhịp sênh phách vui tai, hát về chuyện đổi đời của các thôn nữ miền sông nước.

 Mải mê tay lái đường dài

Xe bắt đầu lăn bánh lúc 9 giờ sáng. Tuy không phải là giờ cao điểm nhưng chuyến xe của chị Thơ không còn một chỗ trống. Có lẽ do đã quá quen với hình ảnh này nên các vị khách không hề tỏ vẻ e ngại khi ngồi sau tay lái của một người PN. Thơ là tên thường gọi của chị Châu Mỹ Huỳnh (SN 1975, quê tỉnh Đồng Tháp) nữ tài xế xe khách duy nhất tại bến xe Miền Tây.

Nhung bong hong me viec cua dan ong
"Bóng hồng xa lộ" Châu Kim Huỳnh (tên thường gọi là Thơ)

Năm 15 tuổi, chị đã theo cha làm nghề phụ xe. “Khi tôi nói ra ý định học lái xe thì gia đình ai cũng khuyên ngăn, nhưng tôi quyết tâm cho bằng được. Năm 1997, tôi học lái xe và đến năm 2003 thì lấy được giấy phép lái xe hạng E (lái xe trên 30 chỗ) và bắt đầu lái xe khách cho một công ty ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp” - chị nhớ lại.

Từ công việc lái xe, chị đã có nguồn thu nhập ổn định và trở thành lao động chính trong gia đình. Lúc đầu, người ta nghi ngại khả năng nên chủ xe có cử một tài xế theo kèm chị. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, chị đã khiến tài xế nam này “phục sát đất” vì tính cẩn thận và khả năng xử lý tình huống trong lúc lái xe của chị.

Và đúng là hình như ở xứ mình, trong mắt đàn ông, PN không thể làm những việc như nam giới, chẳng hạn như lái xe khách. Lần đầu tiên, cảnh sát dừng xe kiểm tra, họ lật đi lật lại rồi ngó mặt mà vẫn chưa tin PN mà có bằng lái hạng E. Dần thành quen. “Có anh còn chọc tôi là sao chị không đi học bằng lái hạng FC để lái container luôn? Nghe họ nói vậy, mình cũng muốn đi học nâng bằng để lái container, nhưng nghĩ lại lái container thì buồn lắm, lái xe khách, trò chuyện với bà con vui hơn” - chị không nén được cười.

Gần 20 năm cầm lái, người PN ấy đã không biết bao lần đối mặt với hiểm nguy, bao đêm trường căng mắt sau tay lái khi mọi người đã say giấc. Sau lưng chị là tính mạng và cuộc sống của bao con người. Bỗng dưng, thấy tin tưởng lạ về sự nhạy cảm và thận trọng của PN với nghề này. Biết đâu nếu có nhiều người như chị, sẽ đỡ biết bao những vụ tai nạn thương tâm vì tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, say xỉn, nghiện ma túy? Năm đứa con chị đã lớn khôn từ đôi tay điều khiển vô-lăng của chị và bao giọt mồ hôi đổ dọc những chuyến đường dài, đều đặn mỗi ngày tuyến Sài Gòn - Cao Lãnh.

 Ba giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng, xe đã cập bến TP.Cao Lãnh. Chị trả lời một vài khách nữ về chuyện nghề, bằng câu gút ngắn gọn: “Phải đam mê mới gắn bó được”. Một tổng kết chính xác.

 Nữ cửu vạn ở chợ đêm

Trời dần về sáng, lẫn trong ánh sáng và bóng người mỗi lúc một đông là những chiếc áo bạc màu đẫm sương đêm và mồ hôi của nữ cửu vạn chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Quệt mồ hôi trên gương mặt mệt mỏi vì thức trắng đêm, chị Nguyễn Thị Thu Vân, ngụ tại Q.8, TP.HCM rời thùng hàng to tướng, nói trong hơi thở hổn hển: “Lúc đầu mới đi xin làm bốc vác, thấy tôi nhỏ con quá nên mấy chủ sạp hàng ở chợ chê, hổng dám nhận vì sợ sức tôi làm không nổi. Nhưng làm riết rồi cũng quen tay. Lúc đầu, mình đẩy thùng hàng hai, ba chục ký thôi, dần dần tăng lên… Bây giờ đưa thùng hàng 50kg, tôi vẫn vác bình thường”. Từ giờ đến sáng rõ, người PN gầy nhom này sẽ phải vác, đẩy hàng chục thùng hàng qua những sạp hàng để đến điểm tập kết.

Có hơn hai mươi PN đang mưu sinh tại đây như chị Vân. Cái nghề nặng nhọc như lao động khổ sai. Nhưng không còn cách nào khác. Họ đều có lý lịch trích ngang hệt chị Vân: nghèo, công việc không ổn định, nên đành chấp nhận làm cái việc mà chỉ có đàn ông cáng đáng. Công việc của họ là từ nửa đêm đến sáng, bốc dỡ hàng từ xe tải đưa đến điểm tập kết của các chủ hàng và vận chuyển hàng khi khách yêu cầu. Với mỗi lượt chuyển hàng như vậy, họ nhận được từ 10.000-50.000đ, tùy theo kích cỡ, loại hàng.

Nhung bong hong me viec cua dan ong
Nữ cửu vạn Nguyễn Thị Thu vân kể chuyện nghề với phóng viên

Gần 3 giờ sáng, tại bãi đậu xe tải trong chợ, chúng tôi bắt gặp hàng chục nữ cửu vạn đang gồng mình đỡ những kiện hàng lên đến vài chục ký để đưa vào trong chợ. Tựa vai vào thùng xe, tranh thủ ít phút nghỉ mệt, chị Bùi Thị Ngãi, 41 tuổi, quê ở Quảng Nam cho biết, năm nay là năm thứ 12 chị bỏ đồng ruộng ở quê vào Nam mưu sinh bằng nghề bốc xếp, trong đó “đăng ký hộ khẩu” tại chợ Bình Điền gần tám năm. “Làm nặng nhọc như vầy mãi rồi cũng quen. Làm ở đây nặng nhọc nhưng cũng có thu nhập khá ổn. Mỗi đêm ráng bốc chừng hơn một tấn thì cũng kiếm được vài trăm ngàn gửi về quê nuôi con”.

Chồng chị cũng bốc vác tại đây. Nơi quê xa, ba đứa con đang ăn học, trông chờ mỗi tháng cha mẹ tích cóp gửi về. Nhắc đến con, tôi lặng đi khi thấy gương mặt đang lấm tấm mồ hôi của chị Ngãi bừng sáng hẳn: “Con gái lớn của tôi năm nay đang học đại học năm cuối ở Hà Nội, còn hai đứa nhỏ đang học lớp 11 và lớp 8. Vợ chồng tôi ráng cố gắng thêm vài năm nữa, khi con gái lớn ra trường, có việc làm ổn định phụ nuôi các em của nó thì vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả hơn”.

Có đàn bà là có hoa hậu. Đội quân nữ cửu vạn chợ Bình Điền cũng không ngoại lệ. “Hoa khôi gì mà mùi tôm cá bốc lên nồng nặc đầy người như thế này. Mấy chị em chỉ chọc vui tôi để có động lực làm việc thôi chứ mình là dân lao động chỉ lo kiếm ngày ba bữa cơm ăn. Chỉ mong sao cho cuộc sống đỡ khổ chứ không mong làm hoa khôi” - ngồi chồm hổm trên chiếc xe đẩy hàng bên cạnh chị Ngãi là chị Nguyễn Thị Kim Giang, 29 tuổi, quê ở Đồng Tháp. Làn da trắng trẻo và khuôn mặt đầy đặn, chị Giang được tặng danh hiệu “hoa khôi bốc vác”.

Ở quê, làm ăn thua lỗ, vợ chồng chị dắt díu lên đây. Áo cơm kêu đòi. “Những ngày đầu mới vào, nhìn cổ yếu đuối, tay chân mềm mại có khác gì hoa khôi đâu. Bây giờ thì bàn tay chai sần, dáng người cứng cáp hơn nhưng cổ vẫn là người xinh đẹp nhất ở đây” - chị Tuyết chen vào. Giờ thì chị Giang đã quen việc rồi. “Mong sao tích cóp được một khoản tiền đủ để trả nợ rồi cùng chồng về quê làm ruộng, sinh con”, chị Giang nói rồi vội vàng xốc một thùng hàng nặng bỏ lên xe đẩy.

Bất luận là gì, PN cũng “chân yếu tay mềm”. Áo cơm khiến họ ngẩng cao đầu, bươn chải, mạnh mẽ mà sống. Đi qua gian truân, họ chạm khắc vào nhân thế giọt mồ hôi quên mình, nhưng có lẽ còn hơn thế nữa, họ đã chứng minh cho thiên hạ thấy, không có điều gì là không thể!

 Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI