Chỉ sợ lòng dân không yên

26/10/2016 - 06:30

PNO - Chuyện con số “18 hay 23” không là chuyện nhỏ, nó là chuyện lớn của một triết lý quản trị - vận hành dựa trên nền tảng của sự cân bằng và công bằng.

Cần 10,5 triệu tỷ đồng (tương đương 500 tỷ USD) cho kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia giai đoạn 2016-2020; cần một triệu tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông tại TP.HCM cho 10 năm tới, trong đó hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh tốn 500.000 tỷ đồng; cần 97.000 tỷ đồng cho chương trình chống ngập nước của Thành phố…

Những con số. Tôi hoa mắt trước cả rừng đơn vị, dù đã tường tận mục đích lâu dài lẫn mục tiêu trước mắt. Và trong cơn mưa sớm mù trời, 25/10, mắt tôi nhòa trong nước, nước ngập cả bánh xe, nước tung tóe bắn vào mặt, nước như chực xô ngã những bàn chân chống chỏi, gượng đỡ để kịp đưa con đến trường, kịp giờ làm việc. Cũng chiều tối qua, ngang cầu Kiệu, mưa xối xả, giữa dòng nước ngập, có mấy cái áo mưa quăng vội, lao tới, kịp đỡ một áo mưa đang… bồng bềnh cả mẹ lẫn con!

Chi so long dan khong yen

Những mục đích cao quý, rất chính đáng. Những con số cao ngất, có tính toán. Tôi đã đọc. Và những con người bé nhỏ, bình thường, sáng chiều vẫn đi về trên những con đường quen thuộc ấy. Tôi đã thấy. Hình như họ chưa từng biết và hình dung ra những dãy số kia sẽ phục vụ cho điều gì, cho ai, hay cho chính họ - những công dân chân chính, với quyền thụ hưởng chính đáng các dịch vụ - tiện ích xã hội, quyền được bảo trợ và bảo hiểm trở lại từ chính những đóng góp, nghĩa vụ cho cộng đồng. Để mỗi sáng ra đi hay chiều tối trở về, họ không phải chen mình, ngộp thở giữa dòng khói bụi, không phải dầm chân giữa dòng nước ngập, không phải bạc mặt khi chạy tìm một chỗ học cho con, lụy mình đóng viện phí để có một chiếc giường chữa bệnh…

Có lẽ vì thấy rõ những hình ảnh nói trên, thấu hiểu những ước mong bình thường, giản dị từ nơi ngõ ngách, hẻm cụt ấy mà trước đề xuất giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại từ 23% xuống còn 18% (mức giảm 5% tương ứng với khoảng 80.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 -2020), người đứng đầu cơ quan dân cử - Hội đồng nhân dân TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã thốt lên: “Nếu giảm xuống 21% thì lãnh đạo TP và người dân TP còn có thể chịu đựng được…”.

Lỡ như con số 18% ấy vẫn giữ nguyên theo đề xuất của Chính phủ trình ra Quốc hội, lỡ như không kéo giãn lộ trình điều tiết ngân sách cho TP.HCM; thay vì 5% ngay lập tức thì kéo ra mỗi năm giảm 1%, lỡ như những biến động, ảnh hưởng nghiêm trọng đã thấy trước mắt (biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn tác động sâu lên các tỉnh thuộc khu vực phía Nam, trong đó có TP.HCM) cũng như những phát sinh rủi ro bất thường thì cái gọi là trên mức “chịu đựng” ấy sẽ dẫn đến những hệ lụy như thế nào?

Chi so long dan khong yen

Bởi nói cho cùng, nguồn đóng góp ngân sách cũng là vốn từ dân, sự điều tiết tăng hay giảm ngân sách chi ngược là trả lại cho dân để tái tạo nguồn sản xuất, đầu tư, thúc đẩy phát triển. Vẫn có thể khai thông, vận dụng và tìm mọi cách để tiếp cận các nguồn thu khác để bổ sung, cân đối cho nguồn lực phát triển của Thành phố. Nhưng khi cán cân điều tiết mất cân đối giữa thu - đóng góp và chi - sử dụng; khi việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách ở hầu khắp các địa phương vẫn chưa được minh bạch và thiếu kỷ luật ngân sách, thì hệ quả mất cân bằng trong tăng trưởng chung của Thành phố và cả nước, không công bằng trong nghĩa vụ và quyền lợi đóng góp - thụ hưởng của người dân Thành phố là điều hiển nhiên.

Chỉ đơn cử một con số, ngành y tế TP.HCM năm 2015 phục vụ 30 triệu lượt bệnh nhân, trong đó 50% là từ các tỉnh thành khác. Việc giữ lại một tỷ lệ ngân sách nhà nước “coi cho được” đâu hẳn chỉ phục vụ các chính sách an sinh xã hội cho người dân Thành phố, đó còn là cánh tay nối dài, tiếp sức để đỡ lấy, để ôm vào, để nhận lãnh trách nhiệm của bộ máy Nhà nước trước nhu cầu và quyền thụ hưởng của nhân dân.

Chi so long dan khong yen

Ngày 29/12/1966, tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Nửa thế kỷ trước, Người đã nói về nguyên tắc công bằng trong phân phối lưu thông, lớn hơn thế là điểm nhìn văn hóa chính trị trong việc giải quyết mối quan hệ cơ bản giữa tăng trưởng và phát triển bền vững.

Sự giảm điều tiết ngân sách đối với TP.HCM một cách đột ngột sẽ tác động mạnh lên việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội - mà đối tượng chịu tác động nặng nhất lại rơi vào nhóm dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro là phụ nữ (nông thôn), trẻ em, người già, người khuyết tật. Nhìn lại 7 chương trình đột phá của TP.HCM cũng không ngoài những mục tiêu an sinh xã hội - tiếp cận trên quyền và lợi ích của người dân. Nghị quyết của một kỳ đại hội Đảng mang tính chiến lược nhằm phục vụ nhân dân một cách bền vững, nay bị đặt để và thử thách trước sự điều tiết cắt giảm ngân sách đột ngột, hẳn là chuyện lớn. Tối 24/10, trong chương trình Vấn đề hôm nay của VTV, nói về chủ đề Chuyện nhỏ mà không nhỏ, nêu việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thật sự sát dân, gần dân khi ông liên tục có những chuyến thị sát để nắm bắt tình hình, tạo nên một sự chuyển động cần thiết cho bộ máy công quyền trong ý thức và hành động phục vụ người dân.

Chi so long dan khong yen

Chuyện con số “18 hay 23” không là chuyện nhỏ, nó là chuyện lớn của một triết lý quản trị - vận hành dựa trên nền tảng của sự cân bằng và công bằng. Trị giá của những con số cuối cùng là ở giá trị phục vụ Con Người. Không hơn.

Trong những kế hoạch mang tính đề xuất, dự thảo về những vấn đề quan trọng, chính yếu nói trên, tôi mơ hồ đi tìm một khuôn mặt nhân dân, để chí ít, những con số, những quyết sách cũng vọng trong ấy tiếng nói thì thầm của họ. Không là một cuộc trưng cầu thì cũng là sự đặt mình, lắng mình trong muôn vạn cần lao, để nghe tiếng nước bì bõm dưới chân họ trong cơn mưa tắc nghẽn đường về, nhìn thấy cái mệt mỏi, khốn cùng, vật vạ nơi những hành lang bệnh viện…

Những con số hữu hình, hữu hạn. Lòng dân thì vô hạn, vô hình. “Phúc do thủy tín dân do thủy”, chỉ khi thuyền bị lật thì mới tin rằng dân như nước. Mối lo của Ức Trai tiên sinh từ hơn 700 năm trước nào phải chỉ vắt ngang thế sự nhà Hồ, nó là ưu tư, lo nghĩ của muôn đời sau về “tín dân”, “yên dân”. Đừng để dân, đẩy dân vào ngưỡng “chịu đựng”, bởi đó là nơi thất thoát lòng dân. Sự chịu đựng chỉ là nhất thời, sự chịu đựng của dân không bao giờ vạn đại.

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI