Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: 'Khaisilk có những dấu hiệu vi phạm cả luật pháp và đạo đức doanh nghiệp”

27/10/2017 - 12:26

PNO - Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

- Ông đánh giá như thế nào về vụ việc của Khaisilk khi doanh nghiệp này thừa nhận với khách hàng có 50% khăn bán ra thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Tất nhiên, đạo đức doanh nghiệp là khái niệm có tính phạm trù không cụ thể, nhưng cơ bản là sự tôn trọng lợi ích người tiêu dùng, trung thực trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. 

- Bộ Công thương đã có chỉ đạo, xử lý vụ việc. Kết quả tới thời điểm này như thế nào, thưa ông?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cục Quản lý cạnh tranh đang xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp. Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có những báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm bảo hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta liên quan đến hoạt động DN, của người tiêu dùng, đạo đức.

Ngoài những điều chỉnh chế tài pháp luật thì ý thức về giá trị đạo đức, văn hóa của doanh nghiệp cũng rất quan trọng, các DN phải nhận thức, hiểu rõ điều đó là mang tính sống còn với hoạt động của DN.

- Nhiều người lo ngại rằng, vụ việc của Khaisilk sẽ ảnh hưởng và tác động lớn tới thương hiệu quốc gia và ngành nghề truyền thống của Việt Nam? Quan điểm của ông như thế nào?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thông qua sự việc của Khaisilk thì chúng ta chưa kết luận cụ thể xem mức độ vi phạm đến đâu, những nội dung gì và ở mức độ nào nên chưa thể nói ngay là sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng như thương hiệu Việt.

Nhưng chúng ta sơ bộ nhận thấy, như báo chí phản ánh doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng, bán hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng là làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng và cũng là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta.

Bo truong Cong thuong Tran Tuan Anh: 'Khaisilk co nhung dau hieu vi pham ca luat phap va dao duc doanh nghiep”
Khaisilk đã làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người VN

- Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, và phải đến khi khách hàng, truyền thông trực tiếp lên tiếng cơ quan chức năng mới vào cuộc. Dư luận đặt ra câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc này?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đúng đây là thực trạng chúng tôi không che giấu và đây là vấn đề đối với hệ thống của chúng ta chứ không chỉ một cơ quan quản lý NN nào cả. Cơ quan quản lý NN như quản lý thị trường cũng có trách nhiệm của mình nhưng ở đây phải nói rộng ra để thấy, một thực trạng đối với VN trong quá trình hội nhập.

Các quy định pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ… liên quan đến xuất xứ hàng hóa là còn rất yếu. Thậm chí trong chừng mực hành vi tiêu dùng của chúng ta còn có tính cách nương nhẹ, không dựa trên nền tảng của sự tôn trọng luật pháp quốc tế đó.

Đây là yêu cầu đặt ra của VN trong quá trình hội nhập khi các cam kết hội nhập quốc tế, hàng loạt hiệp định thương mại tự do, điều ước quốc tế chúng ta tham gia đều hàm chứa điều này và đòi hỏi trước tiên những cải cách thể chế để đáp ứng điều đó.

Thông qua vụ việc này, sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý NN, nhất là của Bộ Công thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó.

- Nhiều ý kiến cho rằng, không dừng lại ở vụ việc này, cơ quan điều tra nên mở rộng kiểm soát đối với mặt hàng lụa hiện đang được bày bán tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Nội)?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Từ câu chuyện của sản phẩm hàng lụa này có nhiều vấn đề đặt ra. Từ đó dẫn đến khái niệm lớn hơn liên quan đến các làng nghề ở VN như Vạn Phúc về mặt hàng lụa.

Như tôi đã nói, có lẽ chúng ta kết luận điều gì cũng là sớm khi chúng ta chưa có nghiên cứu, xác định làm rõ tính chất, mức độ vi phạm pháp luật cũng như những hiện tượng, hoạt động chưa được đánh giá làm rõ.

Vì vậy, chúng tôi đang tập trung để từ việc này sẽ tiếp tục làm rõ ở phạm vi rộng lớn hơn không chỉ ở một làng nghề, địa phương mà còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế ngành, khuôn khổ cơ chế chính sách, pháp luật, vai trò của cơ quan quản lý NN.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu