Ba câu hỏi lớn về phân loại rác tại nguồn

09/09/2019 - 15:33

PNO - Bao giờ thành phố có xe ép rác hai ngăn? Bao giờ việc thu gom - vận chuyển rác mới theo hệ thống và đồng bộ? Bao giờ việc xử phạt các vi phạm môi trường mới đến nơi đến chốn?

Đó là ba câu hỏi thường xuyên của nhiều người dân trong các buổi tuyên truyền, họp dân về phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa đang được chính quyền, đoàn thể tổ chức trong suốt thời gian qua.

Không ai thiết kế nổi xe rác hai ngăn?

6g sáng Chủ nhật vừa rồi, như thường lệ, bà Nguyễn Thị Thái, ở đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, mang rác để trước nhà. Bà phân rác thành 2 túi. Túi màu đen là rau, củ, lá cây, thực phẩm thừa… Túi màu sáng là nắp lon, vỏ hộp nhựa, chai lọ thủy tinh. Và cũng như lệ thường, anh lấy rác vui vẻ lấy hai túi rác bà Thái đã cột chặt, xé cái roẹt, bung hết vào thùng xe.

Vừa lấy tay nhặt lại một số chai nhựa bỏ vào cái bao bố treo lủng lẳng đầu xe, anh vừa mỉm cười hỏi bà Thái: “Nay không có ve chai ha dì?”. Bà Thái gật đầu: “Ừ không có, mà có mấy cái lọ thủy tinh dì để trong đó, sao con không bỏ túi riêng?”. Anh lấy rác cười hì hì: “Không sao dì, chỉ phân loại ve chai là đủ mệt rồi”.

Nói xong, anh đẩy xe đi, bà Thái nhìn chúng tôi nói: “Đó, mấy em thấy không, công mình gom, phân loại tại nguồn, ra tới xe lấy rác đã thành công cốc rồi. Mà cũng khổ người lấy rác, nguyên con phố vầy có một cái thùng xe thì biết làm sao?”.

Ba cau hoi lon ve phan loai rac tai nguon
Lẽ nào thành phố cứ gắn liền hình ảnh những chiếc xe lấy rác thô sơ, nhếch nhác thế này?

Theo chỉ dẫn của bà Thái, chúng tôi đi một vòng con đường quan sát, hầu như nhà nào cũng phân rác thành hai túi. Thấy nhà nào chỉ để một túi rác thôi, khi hỏi, bạn sẽ nhận ngay câu giải thích: “Đã lấy riêng ve chai ra cho khỏi bao rác bùm xùm, đỡ cực cho anh lấy rác rồi”.

Ông Trần Thái Bình, nguyên kỹ sư cơ khí, cán bộ hưu trí của nhà máy Z751, ngụ ở P.11, Q.Gò Vấp, thở dài: “Biểu phân loại rác tại nguồn mà không có nổi cái xe rác hai ngăn. Tôi đọc báo, thấy từ năm 2014, trong nhiều cuộc họp, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ sớm hoàn chỉnh mẫu xe thu gom rác để thay thế phương tiện thô sơ và đáp ứng chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng đến nay, tôi có thấy cái xe rác nào như vậy đâu. Lẽ nào không ai thiết kế nổi chiếc xe như vậy?”.

Mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác hoàn chỉnh và đồng bộ: sẽ có chuyển biến?

Tại buổi tọa đàm chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn do Hội LHPN TP.HCM tổ chức ngày 28/8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết: ngành môi trường TP.HCM đang tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập gắn với chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Bà Mỹ cho biết, việc hoàn chỉnh và đồng bộ mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý rác, UBND TP.HCM đã có Quyết định 12/2019 về quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1/6), quy định cụ thể trách nhiệm của người thu gom, vận chuyển, trong đó có cả lực lượng gom rác dân lập. Theo đó, phí gom rác sẽ thực hiện theo hướng tính đúng, tính đủ cả 4 công đoạn trong quá trình thu gom rác.

Thành phố cũng sắp xếp, tổ chức lại lực lượng gom rác dân lập. Hiện đã thành lập 27 hợp tác xã vệ sinh môi trường, 185 công ty tư nhân thu gom rác. Đối với 1.500 đường dây và tổ thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân còn lại, UBND TP.HCM cũng yêu cầu, đến hết năm 2019, UBND 24 quận, huyện phải hoàn tất chuyển đổi mô hình hoạt động rác dân lập thành hợp tác xã hoặc công ty có tư cách pháp nhân.

Ngoài ra, TP.HCM có các chính sách hỗ trợ (như cho vay 70% giá trị phương tiện trong 7 năm, lãi suất 4,27%/năm) để lực lượng thu gom rác chuyển đổi phương tiện phù hợp. Thời hạn đặt ra là tháng 10/2019 phải hoàn tất chuyển đổi. Các quận, huyện đang tập trung tổ chức tiếp xúc, trao đổi và hỗ trợ giải quyết khó khăn phát sinh trong quá trình chuyển đổi.

Các loại rác thải y tế, rác thải công nghiệp, xây dựng sẽ được các chủ nguồn thải ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, xử lý theo quy định. Riêng lượng rác thải sinh hoạt từ khu dân cư sẽ được Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, các công ty công ích quận, huyện và lực lượng thu gom rác dân lập thu gom, vận chuyển về các đơn vị xử lý tại bãi rác Đa Phước (H.Bình Chánh) và Phước Hiệp (H.Củ Chi).

Hiện tại, phương thức xử lý rác đa phần bằng công nghệ chôn lấp. UBND TP.HCM đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hạ tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% và đến năm 2025, chỉ còn 20%. Riêng với bãi rác Đa Phước (hiện tiếp nhận khoảng 5.300 tấn/ngày), UBND TP.HCM đã yêu cầu giảm dần tỷ lệ chôn lấp, chuyển một phần sang công nghệ đốt.

Bao giờ niêm yết người bị phạt vì xả rác và không phân loại rác?

Mỗi ngày, toàn TP.HCM phát sinh xấp xỉ 9.000 tấn rác sinh hoạt. Ngày lễ, tết, số lượng này lên đến hơn 13.000 tấn. Theo dự báo, đến năm 2025, con số rác thải sinh hoạt trung bình mỗi ngày sẽ tăng đến 13.000 tấn, trong đó có 1.500-2.000 tấn rác công nghiệp, 1.200-1.600 tấn rác thải xây dựng, 22 tấn rác thải y tế và hơn 2.000 tấn bùn thải các loại.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng - từng cảnh báo nếu thành phố không quyết liệt trong thực hiện phân loại rác tại nguồn, không để rác đúng nơi quy định thì lượng rác thải rắn nguy hại sẽ có nguy cơ san lấp tất cả sông rạch của thành phố.

Thời gian qua, các quận, huyện bằng nhiều giải pháp đã vào cuộc bảo vệ môi trường nơi công cộng và tổ chức các tổ, đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số địa phương còn gắn thiết bị ghi hình tại những nơi có nguy cơ dễ xảy ra đổ rác và sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để làm căn cứ xử phạt.

Tuy nhiên, dù ghi nhận nhiều hình ảnh vi phạm, nhưng tỷ lệ xử phạt vẫn còn ít. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND các quận huyện, phường xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đã nhắc nhở hơn 200 trường hợp xả rác nơi công cộng và xử phạt gần 1.978 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Được biết, trong kỳ họp sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất 5 giải pháp tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm. Trong đó có việc cho phép các địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh lập biên bản vi phạm về vệ sinh nơi công cộng; bổ sung quy định xử phạt đối với các trường hợp đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng không đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị xây dựng, áp dụng thống nhất cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân và công khai thông tin các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP (về quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường), chỉ có thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường mới được trang bị, sử dụng thiết bị ghi hình để làm chứng cứ xử phạt hành chính. Quy định này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Nếu thành phố không “lách luật”, để ban hành cơ chế xử phạt phù hợp, đồng thời mạnh mẽ kiến nghị Chính phủ xem xét lại những quy định liên quan thì việc xử phạt các hành vi vi phạm, xâm hại môi trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI