Người mua -kẻ bán... chật vật vì nông sản sạch

17/05/2019 - 12:53

PNO - Người tiêu dùng (NTD) khó mua được nông sản đạt chất lượng an toàn, người bán thì khó tiêu thụ nông sản sạch vào kênh phân phối hiện đại. Nông sản Việt chật vật đầu ra khi cung – cầu chưa gặp nhau.

80% nông sản chưa kiểm soát an toàn

Đại diện một hợp tác xã xoài ở Đồng Tháp cho biết, “rất muốn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, thậm chí mong Nhà nước đưa vào tiêu chuẩn bắt buộc để các đơn vị sản xuất đều thực hiện, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh”. Bởi thực tế hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, hàng đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn rất khó vào siêu thị. Nhiều hộ than: “Muốn đưa hàng vào siêu thị, cấp trên thì nói nghe dễ nhưng dân gặp cấp dưới thì vướng nhiều khó khăn…”. Nông sản sạch chưa có chỗ đứng vững chắc, nhiều người tiêu dùng vẫn còn ham rẻ khiến hàng sạch bị cạnh tranh bởi hàng không đạt chuẩn.

Về phía NTD thì dù muốn mua rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm đạt chất lượng, an toàn nhưng nhiều người vẫn còn thói quen mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ở phân khúc cao hơn thì khách vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua rau, thịt, trái cây,… Thậm chí, không ít người mạnh tay chi tiền mua nông sản ngoại cho yên tâm.

Chị Thu Thủy (37 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết gia đình chị thường mua rau củ, trái cây, thịt cá,… ở một cửa hàng quen chuyên bán hàng ngoại nhập. Mặc dù giá cao gấp hai – ba lần so với sản phẩm trong nước cùng chủng loại, song vì tin tưởng chất lượng an toàn và có nhiều sản phẩm trong nước không có, như: cherry, kiwi, dâu Hàn Quốc, cá trích Nhật, bò Mỹ, bò Úc,...

Ở các thành phố lớn, chi tiêu cho thực phẩm tươi sống gấp ba lần đối với hàng tiêu dùng nhanh. Cụ thể, một hộ dân chi 1,1 triệu đồng cho thực phẩm tươi sống/tuần.  Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là trái cây (chiếm 19%); thứ hai là thịt heo (14%), cá (12%), hải sản (12%), rau củ (11%), thịt gà (9%), thịt bò (8%), trứng (3%)...Tính chung nhóm hàng này chiếm 88% trong giỏ hàng thực phẩm tươi sống…

Số liệu từ Kantar Worldpanel 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở công thương TP.HCM dẫn chứng mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ 1.000 tấn rau củ; 1.700 con heo; 40.000 con gà; 500 tấn trái cây… Mặc dù rau củ, trái cây, thịt gia súc, thịt gia cầm…. được xếp vào ngành hàng có tiềm năng lớn, nhu cầu tiêu dùng cao; song thực tế thời gian qua nhiều tỉnh thành đã phải “giải cứu” nhóm hàng này.

Thành phố cần nguồn cung nông sản ổn định, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhưng thực tế hiện nay cho thấy hệ thống cung ứng thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp (DN) thông qua chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến hệ thống bán lẻ hiện đại mới chỉ “bao phủ” được khoảng 20% tổng lượng thực phẩm tươi sống đảm bảo ATVSTP tại TP.HCM. Còn lại 80% nông sản là ở kênh chợ truyền thống chưa thể kiểm soát được ATVSTP; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với rau củ, gia cầm, thủy sản và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác hiện chưa khả thi.

Nguoi mua -ke ban... chat vat vi nong san sach
Người tiêu dùng tìm mua nông sản "sạch" đạt chất lượng để yên tâm

Kết nối “3 nhà” để chuẩn hóa nông sản Việt

PGS.TS Trần Tiến Khai – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng các đô thị lớn là những thị trường quan trọng cho hàng hóa sản xuất trong nước; trong đó, TP.HCM là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Song, thông tin TS.Khai đưa ra rất đáng lo ngại khi dự báo đến năm 2020, các sản phẩm nông nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác và nhập khẩu nước ngoài.

Theo ông Hòa, nếu nông sản Việt chinh phục được NTD thành phố, thị trường nội địa sẽ chắp thêm đôi cánh cho nông sản Việt thâm nhập vào thị trường thế giới. Đặc biệt, cần hạn chế và tiến tới không để xảy ra tình trạng “giải cứu” nông sản nữa.

Ban chỉ đạo Chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” hiện đặt mục tiêu chuẩn hóa và nâng tầm hàng Việt, trước hết là ở ngành hàng nông sản. Nhiều ý kiến cho rằng để nâng tầm nông sản Việt thì phải chuẩn hóa sản phẩm, không chỉ đạt chuẩn trong nước mà còn đạt được những tiêu chuẩn khắc khe hơn để ra thị trường thế giới. Để làm được điều này, các hệ thống  phân phối hiện đại phải tiên phong đưa ra tiêu chuẩn mới để nhà sản xuất đáp ứng nhưng không vượt quá các tiểu chuẩn của nhà nước quy định.

Cụ thể, hàng hóa muốn đưa vào hệ thống phân phối hiện đại phải đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc.... Theo số liệu ngành nông nghiệp thì hàng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hiện nay chiếm chưa quá 30%. Nếu thị trường còn tiêu thụ song song sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn này thì khó nâng cao tỷ trọng hàng VietGap lên. Một số hệ thống phân phối đã áp dụng truy xuất nguồn gốc một số nông sản (như thịt heo, trứng gia cầm,…) nhưng chưa đồng bộ, chưa mang tính bắt buộc nên có nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn này, có đơn vị mãi không chịu nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.  

Để hỗ trợ nhà sản xuất và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NTD, các hệ thống phân phối phải đóng vai trò làm hạt nhân, phát tín hiệu thị trường, định ra chuẩn hàng hóa, chỉ nhận bán những hàng đạt chuẩn thu mua từ những đơn vị được địa phương chứng nhận VietGap…Đồng thời, cam kết lượng hàng thu mua, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu,... thì các nhà sản xuất sẽ phải tuân theo.

“Trước đây nếu một nhà sản xuất làm hàng không đúng chuẩn bị loại khỏi hệ thống bán lẻ A, DN mang đến hệ thống B chào hàng sẽ được nhận. Nhưng bây giờ, nếu nhà sản xuất vi phạm sẽ bị loại khỏi tất cả các hệ thống phân phối của thành phố chứ không còn riêng lẻ của hệ thống đó nữa thì DN không dám làm sai, phải tuân thủ đảm bảo nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. Qua đó, tạo cơ hội cho nông sản Việt chinh phục NTD nội địa và dần vươn xa ra thế giới. Khi chúng ta chưa chuẩn hóa thì đừng mơ chúng ta đi đâu cả”, ông Hòa nhấn mạnh.

Các ý kiến cho rằng cần kết nối ba nhà: nhà khoa học, DN và nhà phân phối. Nhà sản xuất nào làm ăn không uy tín, sản xuất hàng kém chất lượng sẽ bị tẩy chay trên toàn hệ thống phân phối.

Theo PGS.TS. Khai, trước đây ở Châu Âu, các ông chủ bán lẻ không có sự đồng thuận trong các tiêu chuẩn. Sau đó, họ ngồi lại với nhau cùng sự hỗ trợ của nhà nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chung và áp dụng cho toàn bộ Erue GAP là hiện thân của GlobalGAP bây giờ.

Đã đến lúc các nhà phân phối kênh hiện đại cùng ngồi lại với DN sản xuất để hình thành được bộ tiêu chuẩn dùng chung, không chỉ thỏa mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới. Khi giải quyết được ở kênh phân phối thì triển khai tiếp đến các chợ đầu mối. Đây là chiến lược hợp lí trong bối cảnh hiện nay để tạo bước tiến mới cho hàng Việt nói chung, nông sản Việt nói riêng.

      Tỷ lệ hàng Việt được người tiêu dùng Việt lựa chọn ngày càng tăng góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng Việt trên thị trường; tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Nhiều giải pháp mang nặng tính hình thức, chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, kêu gọi người dân mua hàng Việt mà chưa đi vào chiều sâu đến khâu sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.

      Các hệ thống phân phối cần hỗ trợ, hướng dẫn các nhà sản xuất cung ứng hàng hóa theo tín hiệu thị trường, song song với cam kết bao tiêu sản phẩm. Kiên quyết từ chối thu mua, kinh doanh những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chung  đã đề ra.

      TP cần có các giải pháp cụ thể, chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phân phối xây dựng chuỗi liên kết với nhà sản xuất. Sở công thương TP.HCM tăng cường giám sát, kiên quyết xử lí, công bố công khai và loại ra khỏi chương trình các chủ thể vi phạm cam kết…

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Uỷ Ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM.

        Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI