Phụ nữ Ấn Độ dùng băng vệ sinh sạch từ sợi chuối

10/03/2017 - 06:30

PNO - Giờ đây, phụ nữ Ấn Độ có thể sử dụng được nguồn băng vệ sinh sạch và thân thiện môi trường làm từ sợi chuối, mà không cần quá lo lắng về giá thành sản phẩm.

Rời Mỹ năm 2014 sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts, cô gái 27 tuổi Kristin Kagetsu mang ý tưởng đưa nguồn băng vệ sinh (BVS) sạch đến với phụ nữ Ấn Độ.

Cùng vài người bạn, Kristin Kagetsu đã đồng sáng lập ra Saathi Pads – một công ty khởi nghiệp chuyên chăm sóc sức khỏe và cung cấp nguồn băng vệ sinh sinh học phân hủy được làm từ sợi cây chuối.

Phu nu An Do dung bang ve sinh sach tu soi chuoi
Cô Kristin Kagetsu (bên trái) cùng những cộng sự sáng lập ra cơ sở Saathi - Ảnh: Every Life Counts

Ý tưởng này đến từ thực trạng phụ nữ Ấn Độ có quá ít cơ hội sử dụng băng vệ sinh sạch, nhất là những phụ nữ ở vùng nông thôn. Theo khảo sát năm 2011 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, chỉ có 12% phụ nữ Ấn Độ được sử dụng băng vệ sinh trong thời gian “đèn đỏ”.

Dù con số này đã tăng lên 16%, theo nghiên cứu của cơ sở Saathi, nhưng vẫn còn rất thấp, ngay cả ở những thành phố không được tiếp cận thị trường tốt.

Hầu hết phụ nữ Ấn Độ vẫn sử dụng vải và khăn trong thời gian kinh nguyệt, và bỏ đi sau khi dùng, hoặc rửa sạch rồi phơi ráo dùng cho tháng tiếp theo.

Đôi khi, một số người còn sử dụng mùn cưa, lá và cả tro, những giải pháp này thường dẫn đến nhiễm trùng.

Thực tế, ít ai biết tới các sản phẩm như tampon, ly kinh nguyệt/cốc nguyệt san (menstrual cup) hay BVS dùng lại được, ngoại trừ phụ nữ thành thị thuộc giai cấp trung bình đến thượng lưu.

Phu nu An Do dung bang ve sinh sach tu soi chuoi
Một công nhân nữ đang đóng gói BVS làm từ sợi chuối - Ảnh: CNN

Khó khăn mà Saathi phải đối mặt chính là tư tưởng cấm kị khi nhắc đến sức khoẻ kinh nguyệt ở Ấn Độ. Phụ nữ và con gái đôi khi không được phép nấu ăn hoặc cầu nguyện trong gia đình mình vì bị coi là không “tinh khiết”.

Khả năng tài chính cũng là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Ấn Độ không dùng đến BVS. Đa số các nhãn hiệu đều có giá từ 0,08USD đến 0,2USD cho mỗi miếng BVS.

Đối với các gia đình có thu nhập thấp, đó là những món hàng xa xỉ và họ chi tiêu rất ít cho việc chăm sóc sức khỏe của mình. Thiếu các phương tiện vệ sinh phụ nữ phù hợp có thể ảnh hưởng đến năng suất của học tập và làm việc rất nhiều.

Phu nu An Do dung bang ve sinh sach tu soi chuoi
Sản phẩm BVS của Saathi - Ảnh: Forbes

BVS mà Saathi sản xuất có khả năng phân huỷ sinh học, có thể dùng làm phân ủ hoặc khí sinh học biogas sau khi sử dụng. Công ty khẳng định rằng quy trình sản xuất hoàn toàn không chứa nhựa và các chất hóa học, ngay cả việc đóng gói.

Saathi Pads dự định bán sản phẩm của mình với giá khoảng 15 rupi (0,22 USD) trực tuyến và ở khu vực thành thị, nhưng sẽ phân phối miễn phí hoặc bán giá rẻ tại các khu vực nông thôn hoặc với mức trợ cấp rất lớn.

Hơn nữa, việc mua nguyên liệu nông nghiệp cũng giúp cho người trồng chuối có thêm nguồn thu nhập. Kagetsu chia sẻ: “Khi bắt đầu Saathi, chúng tôi phải mất sáu tháng để tạo ra miếng BVS đầu tiên.”

Hiện nay, Saathi sản xuất khoảng 1.300 miếng mỗi ngày và nhân rộng các nhà máy sản xuất ở một số nơi khác. Năm 2017, Saathi dự định phân phối 1 triệu BVS cho phụ nữ nông thôn ở phía đông Jharkhand.

Nguyễn Khanh (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI