Kinh doanh mất nhân tính

21/09/2015 - 14:03

PNO - Chợ đen buôn bán nội tạng giờ đã trở thành vấn nạn toàn cầu, khiến những phận người đã nghèo khó lại thêm khốn đốn.

Kinh doanh mat nhan tinh
Chị Xu Xiuying kiên trì kiện hai bệnh viện liên quan đến việc chị bị đánh cắp một quả thận - Ảnh: Daily Mail

Cuộc sống túng quẫn trong khi lời rao mua nội tạng lại quá hấp dẫn, nhiều người đã không đủ tỉnh táo, tự sập bẫy và khép lại cánh cửa cuộc đời mình.

Thông thường, khi bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng thì phải kiên nhẫn chờ đợi từ nguồn hiến tặng nội tạng. Thế nhưng, vượt qua mọi quy định pháp luật, thị trường chợ đen buôn bán nội tạng vẫn hoạt động sôi nổi với quy mô xuyên quốc gia.

Tiến sĩ nhân học Monir Moniruzzaman (thuộc Đại học bang Michigan, Hoa Kỳ) đã dành trọn 15 tháng xâm nhập đường dây kinh doanh nội tạng ở Bangladesh và đúc kết nhiều bài học cay đắng từ những người dân còn quá thiếu thốn thông tin.

Trong hành trình mạo hiểm này, tiến sĩ Moniruzzaman gặp gỡ 33 người Bangladesh quyết định bán thận dù khi được hỏi, họ cũng chẳng biết chức năng hai quả thận là gì và thận nằm ở chỗ nào trên cơ thể. Họ kiếm sống qua ngày, chìm ngập trong nợ nần.

Thế nên, chỉ cần nhìn thấy mẩu quảng cáo trên báo là cần người hiến thận và có hậu tạ, họ đã vội đánh cược bằng tính mạng của mình. Những kẻ phẫu thuật chui sẽ dụ “con mồi” rằng một trong hai quả thận của con người luôn trong tình trạng “ngủ say” và chỉ cần một quả thận hoạt động là đủ.

Chúng dễ dàng khiến nạn nhân tin rằng việc ai đó sống bằng một quả thận hoàn toàn là điều bình thường. Một quả thận được bán với giá hơn 1.000 USD trong khi số tiền mà những kẻ buôn nội tạng nhận được nhiều gấp hàng trăm lần.

Hầu hết nạn nhân tiến sĩ Moniruzzaman tiếp cận được đưa từ Bangladesh sang Ấn Độ để thực hiện ca mổ lấy nội tạng. Tất cả đều thừa nhận, họ hối hận vì quyết định bồng bột của mình. Chuẩn bị lên bàn mổ, nhiều người như sực tỉnh, từ chối bán thì bị đánh đến ngất xỉu.

Thức dậy sau khi tan thuốc mê cùng vết mổ sâu hoắm, dài đến 50cm dọc bên hông, ai cũng đau đớn nhận ra mình hoàn toàn sai lầm. Một trong số nạn nhân nói:

“Chúng tôi không lường trước được mình đã bán đi chính bản thân chứ không phải chỉ một quả thận. Sức khỏe sa sút hẳn và không thể sinh hoạt như bình thường. Ca phẫu thuật chóng vánh, thực hiện cho có, mục đích là lấy bằng được nội tạng ra khỏi cơ thể mà không hề có giai đoạn chăm sóc hậu phẫu đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe chúng tôi”.

Không phải bộ phận nào được rao bán trên thị trường chợ đen cũng là kết quả từ sự thuận mua vừa bán. Có những người bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của kẻ trộm cướp táo tợn.

Chuyện hy hữu xảy ra với diễn viên truyền hình người Nga Dmitry Nikolaev (30 tuổi) vài tháng trước khiến cánh mày râu giật mình. Anh này đã kết hôn nhưng vẫn “mờ mắt” vì một cô gái tóc vàng xinh đẹp tại một quán bar.

Họ uống vài ly, rồi tán tỉnh nhau và anh không hề đề phòng. Hậu quả: tỉnh giấc sau một đêm dài mê mệt vì bị đánh thuốc, Dmitry Nikolaev tá hỏa phát hiện mình bị trộm mất… tinh hoàn. Hung thủ được xác định là giỏi nghề vì vết cắt rất gọn gàng.

Năm 2012, ông Vance Anderson (51 tuổi, ở Philadelphia, Hoa Kỳ) qua đời vì ung thư phổi nhưng kỳ lạ là não và mắt của ông bị “múc” khỏi cơ thể, một số cơ quan nội tạng khác như tim, lá lách cũng không cánh mà bay.

Mẹ của Anderson, bà Mary Anderson chất vấn Bệnh viện Đại học Thomas Jeff erson nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Đại diện bệnh viện cho biết, họ lấy những bộ phận ấy để phục vụ nhu cầu nghiên cứu.

Việc này, dù là thật, thì cũng trái với mọi nguyên tắc về quyền con người và chẳng khác nào hành vi của những kẻ buôn nội tạng. Thế nhưng, bệnh viện này khẳng định một điều động trời là họ đã làm điều tương tự với nhiều bệnh nhân qua đời khác trong suốt 44 năm qua.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI