Tâm thần vì “đập đá”

18/06/2013 - 15:11

PNO - PN - Vài giờ sống trong khu điều trị người "ngáo đá", tôi chứng kiến hàng trăm tình huống dở khóc dở cười. Một cô gái trắng trẻo đang ngồi ăn cơm cùng mẹ, bỗng vứt bát đũa, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Cô ta đưa mũi hít hà từ...

Giá của cuộc chơi

Hằng là tên cô gái, được nhập viện trong trạng thái tâm thần hoang tưởng. đinh ninh mẹ mình là một con ma chuyên uống máu người, nên cô phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Chị Hương (mẹ Hằng) kể: “Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi luôn cố gắng làm lụng để dành cho con. Tôi đâu biết con gái tôi hàng ngày ngoan ngoãn cắp sách đến trường, đi học thêm, học nhóm… chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Hằng chơi thân những đứa bạn hư hỏng mà nó gọi là “bạn ngoài xã hội”, ngang nhiên đi qua đêm, về nhà trong tình trạng như người say, miệng lảm nhảm những câu vô nghĩa. Có hôm tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, Hằng nhìn tôi, hỏi: “Chị là ai thế?”. Hôm sau, tôi đưa nước cho con uống, nó lại hỏi: “Uống nước xong là có chửa phải không mẹ?”. Biểu hiện bệnh của nó nặng hơn khi cứ nhìn thấy tôi là chạy trốn vì nghĩ tôi là ma hút máu. Đôi khi ra đường, gặp đàn ông, nó ôm chầm lấy người ta, đòi làm “chuyện ấy”. Tôi bỏ việc, đưa con đi chữa bệnh khắp nơi mà không khỏi, cho đến khi được đưa vào đây thì bệnh tình mới dần ổn định”.

Đám bạn của Hằng đều là con nhà khá giả, có gia đình ở Hà Nội, nhưng bỏ nhà ra ngoài thuê chỗ ở riêng để tiện ăn chơi thác loạn. Muốn có tiền, bọn chúng phải dấn thân vào những hoạt động phi pháp, thậm chí bán ma túy. Chị Hương cho biết: “Bọn này dã man ở chỗ thường dàn cảnh, bẫy đám bạn bè cùng trường vào những cuộc chơi để từ đó khống chế, bắt bạn bè phụ thuộc chúng. Có em bị buộc phải về nhà lấy tiền của gia đình đưa cho chúng để bưng bít những lỗi lầm của mình. Con gái tôi là một trường hợp như thế. Tôi thực sự ân hận vì phát hiện quá muộn. Hy vọng cứu lại đứa con lành lặn giờ đã khó gấp trăm lần. Nó được đưa vào viện lần thứ hai, mỗi đợt ba tháng mới dứt được cơn, nhưng khi ra, nó lại tái sử dụng. Giờ thì cơ hội cai nghiện trở nên rất mong manh”.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cai nghiện - Bệnh viện Tâm thần Trung ương (BV TT T.Ư) cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân dùng chất gây nghiện methamphetamine (ma túy đá), nhập viện trong tình trạng bị hoang tưởng, mất khả năng tri giác bình thường, dân chơi thường gọi là bị “ngáo đá”. Số bệnh nhân tăng lên hàng năm, tỷ lệ tái nghiện rất cao. Hầu hết những bệnh nhân "ngáo đá" đều tưởng tượng mình tài giỏi, là người vĩ đại, nhưng không được mọi người xung quanh thừa nhận. Bệnh nhân đi lang thang, nói một mình, thậm chí ra đường tự nguyện dâng cho người xa lạ tất cả tài sản mình mang theo. Có những trường hợp trước khi vào viện còn chạy xe máy bình thường, chỉ nhớ là có dựng xe sát vào lề đường, rút chìa khóa đàng hoàng để đi bộ về nhà cho thoải mái nhưng chiếc xe đó dựng ở đâu thì… chịu. Những người như vậy là đang tạm thời bị mất trí nhớ vì “ngáo đá”. Thỉnh thoảng, BV cũng tiếp nhận những bệnh nhân “ngáo đá” có biểu hiện cuồng dâm, hễ thấy ai đến gần là lập tức ôm chặt, đòi thỏa mãn. Chỉ nhìn bằng mắt thường hoặc nghe họ nói chuyện là có thể dễ dàng nhận ra những người bị “ngáo đá”, nhưng chính họ lại không thể nhận diện được mình”.

Tam than vi “dap da”

Hoàng (phải) và một "đồng nghiệp ngáo đá" tại khoa cai nghiện

Tam than vi “dap da”

Bệnh của thời hiện đại

Có thể nói, một thế hệ 7X, 8X đi qua cơn bão heroin và đã trả giá bằng những cái chết, thì nay giới trẻ ở các thành phố lớn đang phải đối mặt với cơn “bão đá” khủng khiếp. Dường như họ đã lờ mờ nhận ra, thú chơi “đập đá”, ngoài gây ra sự chết chóc, còn sản sinh thêm cho xã hội những kẻ tâm thần, điên loạn. Không ít dân chơi, lúc đầu còn gân cổ cãi là “đập đá” vô hại, sau vài tháng đã mắc “bệnh vui tính”, suốt ngày ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch.

Hoàng là một bệnh nhân đến từ thành phố Hải Dương, vừa được đưa vào khoa cai nghiện. Những ngày đầu, bác sĩ và người nhà của Hoàng phải phối hợp trói tay anh ta lại để bớt quậy phá, gây thương tích cho bản thân. Bà Lý, mẹ Hoàng cho biết: “Thằng con tôi vốn ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn nên tôi đâu nghĩ nó từng biết đến ma túy. Vậy mà đột nhiên nghe vợ nó nói, nó thường xuyên “đập đá”, sinh hoạt tình dục bừa bãi… Sau này, khi vợ nó không chịu được, bế con về nhà ngoại, tôi mới biết nó khủng khiếp thế nào. Có đêm đang ngủ, Hoàng bật dậy lấy hết quần áo của cả nhà ra đốt. Lửa cháy đùng đùng khiến cả xóm thức giấc, hò nhau đi dập. Không chỉ thế, nó còn nghĩ mình là cảnh sát interpol, ăn mặc chỉnh tề, nhảy lên xe máy đi thị sát tình hình tội phạm của thành phố.

Hoàng ngồi bên cạnh, nghe mẹ nói, chen vào: “Mẹ thì biết cái gì, sai lầm nhất của mẹ là đưa con vào đây đấy. Mẹ có biết là mẹ đã cùng các bác sĩ ở đây bắt, trói tay một cảnh sát quốc tế không? Chuyện con đốt quần áo của nhà con, chỉ vì con không muốn nhìn thấy bất cứ thứ gì liên quan đến vợ con nữa thôi chứ. Chậm nhất là ngày mai mẹ phải sửa soạn đồ đạc, đưa con trốn ra khỏi chỗ này. Còn chị nhà báo, xem lưng em đây, đố chị đoán em xếp số bao nhiêu trên giang hồ nhé?”. Nói đoạn, Hoàng đứng dậy vén áo lên để lộ hình xăm rồng bay, phượng múa, phủ kín tấm lưng để tôi đoán số. Với trường hợp của Hoàng, các bác sĩ nhận định, anh ta còn phải nằm viện thêm ít nhất hai tháng nữa mới dứt cơn.

Theo BS Nguyễn Văn Hiệp, Phó trưởng khoa Cai nghiện - BV TT T.Ư, nhiều bệnh nhân còn ít tuổi, đang ngồi trên ghế nhà trường, bị bạn rủ “đập đá” một vài lần là dẫn đến rối loạn tâm thần, nhưng không dám khai với bố mẹ, dẫn đến việc không được chữa trị kịp thời, bệnh càng nặng thêm. Những triệu chứng về cơ thể của bệnh nhân “ngáo đá” thường biểu hiện ra bên ngoài rất ít, chủ yếu là triệu chứng loạn thần vượt trội. Khi thấy các hiện tượng như lo sợ, bồn chồn, căng thẳng, dễ tấn công người xung quanh, ăn uống kém đi… của người nhà mình là phải đưa đến bác sĩ ngay. Thông thường, quá trình điều trị kéo dài ít nhất hai tháng cho một người bệnh.

 Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI