Tội ác kề cận

11/07/2015 - 08:44

PNO - PN - Những vụ giết người đã được nhắc nhiều đến mức người ta không muốn nghe, không muốn nói về chúng nữa. Nhưng vụ thảm sát sáu người cùng một gia đình ở Bình Phước trong một đêm đã làm dư luận bàng hoàng.

Toi ac ke can

Khu biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông, được trang bị camera theo dõi. Gia đình nạn nhân vốn có tiếng thành đạt ở địa phương, không có chuyện oán thù với ai. Họ còn được tiếng cưu mang nhiều lao động nghèo, tài trợ cho nhiều hoạt động của địa phương…

Vụ việc và tính chất thảm khốc của nó tác động mạnh đến người dân, khiến người ta bất an vì cái ác ở quá cận kề, kẻ thủ ác ra tay quá tàn độc, người lớn trẻ em đều bị giết, mà nguyên do thì vẫn còn mờ mịt. Người ta hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm, tìm ra nguyên nhân. Trong mong muốn pháp luật tìm và trừng phạt kẻ gây tội ác, còn có mong muốn thầm lặng hơn nhưng không kém phần bức thiết: để bớt cảm giác bất an trong một xã hội có luật pháp, có kỷ cương.

Sáu cái chết trong một đêm, theo kiểu “truy cùng diệt tận”, chỉ còn một đứa bé 18 tháng tuổi sống sót. Vụ việc này đang là một hình thức khủng bố tinh thần đối với người dân, theo kiểu có phòng vệ đến mấy cũng không thoát được, một khi kẻ ác muốn ra tay. Chính vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên nhiều đơn vị nghiệp vụ của cơ quan công an cấp cao cũng đã vào cuộc. Người dân chỉ có thể trông chờ, với niềm tin rằng lưới trời lồng lộng, những kẻ phạm tội không thể biến mất vào hư không. Chúng phải đền tội.

Nhưng những người chết thì không thể sống lại được nữa, và nỗi kinh hoàng gây ra cho xã hội cũng sẽ khó phai mờ. Cái ác đang tồn tại quá cận kề với cuộc sống hằng ngày, với những con người lương thiện tay không. Cái ác đang lộng hành, từ những trò chơi bạo lực trên máy tính, từ sự chai lì cảm xúc khi cướp của giết người trên màn hình, đến cướp của giết người trong thực tế.

Người ta đã nói quá nhiều về những mầm mống bạo lực hình thành dần trong xã hội, sẵn sàng bùng nổ thành tội ác đôi khi chỉ vì một vụ va quẹt xe, một cái “nhìn đểu”, một vài câu nói lời qua tiếng lại… Nhưng với việc xảy ra ở Bình Phước, cái ác có vẻ như đang được tổ chức lại, có băng nhóm, có mục tiêu, có sự tàn bạo dã man vô nhân tính. Người dân lo lắng, liệu có phải xã hội chưa đủ các biện pháp để khống chế và tiêu diệt cái ác, để những cái ác đơn lẻ liên kết lại tạo ra những tội ác lớn hơn?

Khi những kẻ thủ ác chứng minh sự tồn tại và tàn độc của bọn chúng, lòng tin của người dân vào cuộc sống bình an cũng bị xói mòn dần. Khi phải nghi ngờ, phải cảnh giác mọi nơi mọi lúc, tình cảm chan hòa chia sẻ của cộng đồng bị lạnh dần đi. Và đó cũng là môi trường cho cái ác mạnh dần lên, tác oai tác quái. Cũng không thể động viên mọi người theo cách “đừng sợ”, “hãy dũng cảm”… bởi thực tế là người ta không biết cái ác đang ở đâu - có thể trong vai một người làm công, có thể trong một đối tác làm ăn, hay thậm chí một người bạn của gia đình…

Cơ quan chức năng cho rằng hung thủ có thể là người quen biết với gia đình nạn nhân, có thể đây là một vụ giết người cướp của và cả diệt khẩu, bịt đầu mối. Họ đều đã bị giết cả rồi, như hình ảnh trong những bộ phim chống khủng bố. Để nỗi kinh hoàng gây ra sau cái chết của họ không lan đi như một vệt dầu loang ám ảnh mọi người, cần những thông tin thật tường minh, rõ ràng, từ phía những cơ quan điều tra, truy bắt tội phạm. Dư luận cần được trang bị thông tin để không hoảng loạn trước cái ác, và không để cái ác leo thang trong nỗi lo sợ, khiếp hãi của mọi người.

Vô cảm, bàng quan với cái ác đang là thái độ của một bộ phận người dân, và cũng chính là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của cái ác. Sau mỗi một vụ việc, báo chí ào ào đưa tin, rồi sau đó mọi việc chìm vào quên lãng, để rồi vụ việc sau, cái ác lộ hình man rợ hơn, tàn nhẫn hơn vụ việc trước. Từ thực tế này, có thể thấy cần một mô hình phối hợp hiệu quả và kịp thời hơn nữa giữa các cơ quan an ninh và các hệ thống cung cấp thông tin, định hướng dư luận, để gìn giữ niềm tin về trật tự an toàn xã hội cho mọi người dân.

 NGUYÊN QUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI