Tiếng gọi đò của học trò thành phố

24/06/2015 - 16:24

PNO - PN - Với những người dân ở bờ Tây xã Phước Lộc, H.Nhà Bè, TP.HCM, việc có một cây cầu bắc qua kênh Cây Khô là ước mơ bao nhiêu năm qua vẫn chưa thành hiện thực… Hằng ngày, hàng trăm cô bé, cậu bé phải thức dậy từ rất sớm,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đến trường trên những chuyến đò ngang

4g45 phút, Nguyễn Thị Thúy Hồng, học sinh lớp 8, ngụ ấp 4, xã Phước Lộc, H.Nhà Bè đã tất bật đạp xe ra bến đò ấp 4. Trời đổ mưa, trên vai nặng trĩu cặp sách, Hồng đứng run rẩy bên bờ kênh chờ đò chở qua bờ Đông. Bờ bên kia có ngôi trường của em. Con đò rẽ nước chòng chành lướt đi, vài học sinh đến không kịp, đành phải dầm mưa đợi chuyến sau.

Hồng là chị cả trong gia đình có ba chị em. Mẹ Hồng phụ bán quán ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, bố làm thợ điện. Kinh tế gia đình tuy khó khăn, nhưng đối với chị Phan Thị Yến Phượng (mẹ Hồng), không gì vất vả bằng việc hàng ngày đưa đón con đi học bằng đò.

Chị Phượng kể, ba đứa con chị (14 tuổi, 10 tuổi và 5 tuổi) từ một-bốn tuổi đều ở nhà, nhờ ông bà nội ngoại trông, hoặc gửi người trông trẻ ở ấp. Khi con năm tuổi, do quy định bắt buộc phải học trường mầm non mới được vào lớp một, chị mới cho con đi học.

“Ở xã này, tụi nhỏ dưới năm tuổi hầu như không đi học mầm non vì qua đò nguy hiểm lắm, đứa nhỏ nhất của tôi năm tuổi, cực chẳng đã mới cho đi. Hằng ngày, tôi phải đưa rước con qua đò đi học, đảo lộn hết công việc… Đi làm mướn mà cứ phải sắp xếp chạy đi chạy về đón con, vất vả đã đành, hai lượt đưa đi đón về hết 16.000đ/ngày, chưa kể hai đứa con lớn tự đi học mỗi ngày hết 8.000đ. Vậy là mất 24.000đ tiền đò/ngày, đã khổ còn khổ hơn...” - Chị Phượng nói.

Lo nhất là vào mùa mưa, hễ con đi học là cha mẹ như ngồi trên đống lửa, cứ nghĩ đến mấy đứa trẻ không biết qua kênh có an toàn không, chẳng may có mệnh hệ gì thì khổ.

Tieng goi do cua hoc tro thanh pho

Học sinh và các trẻ mầm non trên đò

Mơ ước một cây cầu

Tôi hỏi chị Phượng, giờ mong ước lớn nhất của chị là gì? Chỉ tay về phía bờ bên kia với những tòa nhà cao ngất, còn bên này sông vẫn bạt ngàn lau sậy, dừa nước, chị ước: “Không có gì sung sướng bằng có cây cầu nối bờ Tây và bờ Đông của xã Phước Lộc. Lúc đó, các con tôi sẽ không nơm nớp khi đi đò, tôi cũng không phải lo tiền đò và sẽ không phải chạy xe đường vòng hàng tiếng đồng hồ để vào thành phố, không nơm nớp lo sợ cướp giật khi đi làm ca đêm”.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Ban nhân dân ấp 4 đưa tôi đi một vòng quanh bến đò, nhà nào hầu như cũng người lớn đang trông cháu nhỏ. Ông Minh nói: “Hàng năm tôi phải đến từng nhà vận động gia đình đưa các cháu đi học mầm non nhưng mọi người chỉ cho bé đi học khi tròn năm tuổi. Các cháu không đi học một phần do hoàn cảnh khó khăn, một phần do bố mẹ đi làm thường xuyên, không có người đưa rước qua đò. Giá như ở bờ Tây có trường mầm non thì tốt biết mấy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thoảng - cán bộ chuyên trách về trẻ em xã Phước Lộc, H.Nhà Bè thông tin: người dân ở xã chủ yếu mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ, một số hộ nuôi tôm cá.

Hiện toàn xã có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở, nhưng cả ba trường đều ở bờ Đông. Khu bờ Tây có ba ấp: ấp 1, 3 và 4 với 3.217 nhân khẩu, trong đó có 195 trẻ mầm non (từ ba - năm tuổi), 217 em học sinh cấp một và 158 em học sinh cấp hai. Xã có hai bến đò. Con em người dân khu bờ Tây muốn đi học phải đi đò qua kênh Cây Khô sang bờ Đông để đến trường.

“Người dân ở đây rất mong muốn có trường mầm non cho con em vì phụ huynh và các cháu đi lại cực quá. Giờ đã làm đường còn đỡ, chứ lúc trước mưa ngập, sình lầy các em té ngã thường xuyên”, ông Thoảng cho biết.

Theo ông Thoảng, với mong muốn đời sống của cư dân địa phương không còn bị cách trở, cử tri xã đã nhiều lần kiến nghị phải đầu tư xây dựng một chiếc cầu bắc qua kênh Cây Khô, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Tôi rời xã Phước Lộc khi trời đã xế chiều, đúng lúc mây đen ùn ùn kéo đến. Nhìn con đò chòng chành rẽ nước mang theo nhiều học sinh quay đầu trôi dần về phía bờ bên kia mà không khỏi lo lắng... Mong sao trời mưa không lớn. Mong sao, giữa lòng thành phố hiện đại không còn tiếng gọi đò í ới từ những đứa trẻ đang tuổi đến trường.

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI