Tiếc thương Bác Giáp

06/10/2013 - 23:59

PNO - PNO - Tôi nhớ, năm 1962, lúc đó tôi là trung đội trưởng đội nữ dân quân du kích xã Cấn Thượng, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), ban ngày tăng gia sản xuất tại hợp tác xã, ban đêm kiêm nhiệm vụ canh chừng máy bay Mỹ bắn phá.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tiec thuong Bac Giap

Ông dành nhiều thời gian thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng.
Trong ảnh, Đại tướng hỏi thăm sức khỏe bà Nguyễn Thị Vĩnh (thọ 108 tuổi) ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) năm 1996

Một lần, nhóm du kích của chúng tôi đã bắn cháy được máy bay. Dù không bắt được phi công nhưng với chiến công đó, tôi đã có dịp được tiếp cận anh Cả, vị tổng tư lệnh thân yêu của mình. Tôi được tỉnh Hà Tây cử làm đại biểu tham gia Đại hội Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 tháng 5/1962. Tôi và hơn 1.000 đại biểu đã vinh dự được gặp cả hai “thần tượng” của mình là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với một nữ dân quân mới ngoài 20 tuổi lúc đó, đây là một vinh dự mà tôi nhớ mãi đến giờ.

Chiến tranh kết thúc, tôi trở về miền Nam sinh sống nhưng vẫn luôn theo dõi tin tức về bác Giáp. Cũng như tâm trạng của hàng triệu người dân Việt Nam, tôi bàng hoàng và đau xót khi nghe tin cụ ra đi. Với tất cả người lính và người dân, cụ đã sống một đời đúng với câu “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Cấn Thị Bảy (70 tuổi, cán bộ hưu trí - Hóc Môn, TP.HCM)

 Bác là tấm gương sáng

Trong trang sử chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, bất cứ thế hệ học sinh - sinh viên nào cũng nhớ đến chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Càng tự hào hơn, qua báo chí, sách vở, tôi biết được, bác Võ Nguyên Giáp là một trong những người có vai trò quyết định viết nên bài ca chiến thắng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Dù chưa từng một lần gặp bác, nhưng kỷ niệm 100 tuổi rồi 101, 102… năm ngày sinh của Bác, qua phương tiện truyền thông, những hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp của Bác khiến lớp hậu sinh như chúng tôi thêm kính phục, ngưỡng mộ vị tướng tài ba của dân tộc.

Không chỉ là một vị tướng huyền thoại nổi tiếng được quân và dân Việt Nam, thế giới kính trọng, những hình ảnh đời thường của bác Giáp cũng thật giản dị, chan hòa tình thương yêu đồng đội, đồng chí... Nghe tin bác mất, lòng bỗng se lại, dù quy luật “sinh lão bệnh tử” vốn thường tình. Chúng tôi nguyện sẽ cố gắng học tập, trở thành công dân tốt, tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Bác mãi là tấm gương sáng cả về lối sống, đạo đức để thế hệ trẻ học tập noi theo.

Nguyễn Võ Trâm Anh (Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ - thông tin TP.HCM)

Tôi thán phục một người thầy

Không phải không có lý do khi Bách khoa toàn thư tiếng Anh (Encyclopædia Britannica), một bách khoa toàn thư uy tín nhất thế giới đã sử dụng đến 521 từ để viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1964), cũng chỉ được 283 từ. Hai đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu cũng chỉ được 436 từ và 340 từ. Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam cũng chỉ được ưu ái với 673 từ.

Một trong những lý do đầy tính thuyết phục là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy của lực lượng Việt Minh đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ tạo ra sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh Đông Dương, mà còn cho cả thế giới thấy Việt Nam là quốc gia thuộc địa đầu tiên, đánh đuổi được thực dân xâm lược, mở đường cho các khu vực thuộc địa ở châu Phi đồng loạt nổi lên giành độc lập.

Dưới góc độ của một giáo viên dạy môn lịch sử, tôi thán phục một người thầy cũng dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ gắn liền với chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn là một nhà khoa học với những kiến thức uyên bác trên nhiều lãnh vực, đã một thời làm cho các chuyên gia các nước phương Tây phải thán phục khi ông làm Phó Thủ tướng, phụ trách khoa học - kỹ thuật và công tác khoa giáo.

Tôi thán phục ông, bởi ông là một trí thức, đã làm tròn nhiệm vụ công dân trong cả thời chiến lẫn thời bình.

Nguyễn Đăng Lợi (giáo viên môn Sử, Trường THPT Vĩnh Viễn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI