Thói 'mặc kệ cộng đồng'

13/06/2015 - 08:28

PNO - PN - Tôi đang chở hai con đi học, vừa rẽ từ đường số 8 (P.11, Q.Gò Vấp) vào hẻm 266 để đến trường THCS Phan Tây Hồ thì “rầm” một tiếng, cả ba cha con té chỏng gọng giữa hẻm.

edf40wrjww2tblPage:Content

May sao, hai con tôi chỉ bị trầy xước nhẹ ở đùi, còn tôi bị trầy hai tay, hai đầu gối; xe bị bể kính, vẹo đầu. Thủ phạm gây ra vụ té xe là một cô gái trẻ, mặc đồng phục công nhân. Cô này có lẽ vội nên đã mở bung cánh cửa nhà ra đường, chắn ngay trước đầu xe tôi. Khi đó, cả nhà cô khoảng bốn-năm người vội chạy ra, đỡ con tôi dậy và rối rít xin lỗi. Vì sợ trễ giờ học, tôi nhăn mặt nén đau và… dằn cục tức để tiếp tục đưa con đến trường.

Con hẻm 266 nơi tôi bị té là con hẻm thông, xe cộ qua lại đông đúc. Mỗi ngày, có cả ngàn lượt phụ huynh và học sinh phải qua lại con hẻm này để đến trường tiểu học Phan Chu Trinh và trường THCS Phan Tây Hồ (và từ trường trở về nhà). Nhưng, cũng trên con hẻm này, tôi thấy rất nhiều nhà trổ cửa chính mở bung ra hẻm thay vì phải làm cửa mở cánh vào trong hoặc cửa kéo (cửa lùa). Với loại cửa mở cánh ra đường, nếu chủ nhân không dòm trước ngó sau, việc mở bung cửa ngay đầu xe máy gây tai nạn là điều hoàn toàn có thể (và điều đó đã xảy ra với cha con tôi). Nếu tai nạn diễn ra đúng thời điểm đông xe hoặc có xe tải, taxi, nhiều khả năng gây chết người.

Sau tai nạn, tôi đã gặp chủ hộ, cho xem các vết thương và đề nghị chủ hộ làm lại cửa theo hướng mở vào trong hoặc cửa lùa. Ông này tỏ ra rất ân hận vì đã gây tai nạn, nhưng cho biết mình cũng chỉ là người thuê trọ, ông sẽ kêu chủ nhà làm lại cửa ngay trong tuần. Nhưng, nhiều tháng trôi qua, cánh cửa ấy vẫn cứ ngạo nghễ bung ra đường.

Thoi 'mac ke cong dong'

Khu vực phố thị đất chật, người đông và... đầy rẫy những cánh cổng mà khi bung ra sẽ chiếm hết nửa con hẻm

Trở lại vụ té xe, sau tai nạn, tôi để ý, tình trạng mở cửa bung ra đường, ra hẻm là khá phổ biến ở TP.HCM. Chỉ vì “thủ lợi” cho không gian sống của mình, nhiều chủ nhà sẵn sàng “bán cái” sự nguy hiểm cho cộng đồng.

Tôi cũng để ý thấy một hiện tượng kỳ lạ mà chắc chỉ có ở… Việt Nam: hầu hết các nhà ở mặt tiền đều làm đường ống thoát nước chĩa trực tiếp ra đường. Nếu chạy trên đường phố Sài Gòn trong mưa, ta dễ dàng nhìn thấy những dãy “vòi rồng” xả nước từ lầu 1, lầu 2, lầu 3… xuống đường lớn, ngay trên đầu người đi đường. Một cảnh tượng quá xấu xí! Có lẽ việc làm ống thoát nước “lộ thiên” sẽ dễ dàng, tiện lợi cho chủ nhà hơn là phải làm đường ống kín, đi xuống đất.

Vậy đấy, chỉ vì lợi cho mình mà mặc kệ người. Ngay từ cánh cửa, đường thoát nước, nghĩa là ngay từ căn nhà mình, cái thói “mac-ke-no” (mặc kệ nó) đã bộc lộ rõ nét. Vậy thì trách chi khi ra đường, người ta không ném bừa bịch rác, chai nước từ ô tô xuống đường, bất chấp nó gây ô nhiễm, gây tai nạn cho người khác. Trách chi người ta không chiếm dụng nơi công cộng như lề đường, công viên, gầm cầu, cổng trường, cổng bệnh viện… làm chỗ kinh doanh, kiếm thu nhập cho riêng mình!

“Mặc kệ cộng đồng” là một thói xấu, nhưng nó cũng nằm trong “tập hợp” các thói quen, mà thói quen thì có thể sửa được. Thói quen của số đông phải được điều chỉnh bằng kỷ cương và giáo hóa, tức là pháp luật và giáo dục.

Luật pháp không nghiêm, giáo dục thiếu chuẩn thì xã hội luôn có những điều “kỳ cục”… nói mãi không hết!

HỒ HIẾU HẠNH (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Bài vở tham gia trên trang Bạn đọc, vui lòng gửi về email bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI