Nương tựa ầu ơ...

03/03/2014 - 10:48

PNO - PN - Tôi vào Việt Đức chăm một người họ hàng bị tai nạn giao thông. Khoa Chấn thương chỉnh hình có lẽ là nơi tập trung những cảnh đau đớn đáng sợ nhất mà người ta có thể gặp ở bệnh viện.

edf40wrjww2tblPage:Content

Có một người đàn ông trẻ bị chấn thương sọ não, mê man, bác sĩ nói có phẫu thuật cũng không chắc giải quyết được, gọi là còn nước còn tát thôi. Người mẹ - một cụ bà lam lũ, ngồi lặng như hóa đá, bàn tay chai sần lần vuốt đứa con, từ đỉnh đầu quấn băng trắng xóa, xuống khuôn mặt phù nề tím ngắt... Bàn tay người mẹ cứ đau đớn kiểm tra con mình, từng centimet da thịt, âu yếm dịu dàng như thế. Rồi bà cất tiếng hát ru, bài nọ thủ thỉ nối bài kia, không dừng, như thể lời ru là kết nối duy nhất với đứa con của mình.

Hình ảnh bà lão ngồi hát ru người đàn ông vạm vỡ mê man bất tỉnh, từ sáng sớm đến đêm thâu - có gì đó rất tội nghiệp và hơi kỳ dị trong mắt những người nuôi bệnh. Nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra, người con trai không quằn quại mê sảng nữa mà ngủ yên lành. Rồi ngày thứ ba, trong nước mắt chan hòa của người mẹ, anh tỉnh lại, cất tiếng nói. Chứng kiến người con cứ giữ chặt bàn tay thô ráp của mẹ ấp lên ngực mình, cô y tá trưởng buồng hôm đó nói: “Anh này được tổ tiên giữ mạng, chứ chấn thương đến mức ấy - sống thực vật đã là may!”.

Tôi lại nghĩ, chính những lời hát ru từ tim người mẹ, mới chính là thuốc cứu tử cho người con.

***

Nuong tua au o...

Theo bạn về quê làm thượng thọ cho bà nội. Bà 91 tuổi, trí nhớ xộc xệch, nhầm lẫn con cháu đứa này sang đứa kia, ăn rồi bảo chưa, hàng xóm tới chơi thường bị bà chắp tay vái “lạy cụ ạ”. Giữa tiệc mừng thọ rôm rả, bà lạc ra, ngơ ngác như chẳng liên quan. Bà ngồi ở góc hè, mắt ầng ậc nước, hỏi thì bà bảo: “Nhớ bu tôi! Tôi cứ ngồi trong cái cối đá chờ bu đi ruộng về. Bu chỉ kịp qua giếng rửa tay, rồi ôm tôi hát ru tôi mới hết hờn. Bu vẫn hay ru tôi bài này này… ”. Đến đây, bà lão dọn giọng hát một mạch: “Con cò đậu cọc cầu ao, ăn sung sung chát, ăn đào đào chua…”.

Lúc ấy, tôi cứ băn khoăn, vì sao một cụ già đã quên cả tên mình, không phân biệt nổi người bạn đời còn sống bên cạnh hay đã khuất bóng, lại có thể nhớ nguyên vẹn điệu hát ru mình đã nghe khi còn là một đứa bé?

***

Hội Lim năm nay, tôi đi cùng mấy người bạn về Lũng Giang nghe hát canh. Trên xe có một cậu trai, mới gặp lần đầu nhưng nghe tên thì đã quen. Bởi, cậu là “đệ tử út” của thần xẩm Hà Thị Cầu, là nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian trẻ tuổi nhất hiện nay. Nói chuyện vặt trên đường, cậu ấy buột mồm khoe đang thực hiện một dự án gọi nôm na là “Hát ru Việt Nam”, đích đến là sẽ có một triệu bà mẹ trẻ biết hát ru (cũng có nghĩa là ít nhất một triệu trẻ em được nghe hát ru). Công việc thì nhiều, nào đi sưu tầm, nào phục dựng, mời người hát các điệu ru, rồi làm truyền thông để các bà mẹ thấy hát ru là thứ “dinh dưỡng tâm hồn” họ cần trao tặng con mình, rồi truyền dạy cho các mẹ… Chính cậu cũng chưa hình dung được hết lượng công việc đồ sộ và những vất vả mình phải đương đầu. Đi điền dã cậu mới thấy, hát ru tưởng còn nhiều hóa ra đã lay lắt lắm rồi.

Hầu như đã vắng bóng ở thành thị, chỉ ở những vùng nông thôn xa xôi bọn trẻ con mới được nghe hát ru. Và, cũng chỉ thế hệ bà còn thuộc các điệu ru, những bà mẹ trẻ bây giờ (nhất là thế hệ 8X trở lại) thì gần như hát ru đã bị… “tuyệt chủng”! Cậu thao thức với hát ru vì đó là con đường để một đứa trẻ ngấm ca dao, dân ca của dân tộc mình - còn hát ru nghĩa là ca dao mẹ còn có đời sống tiếp diễn.

***

Thật kỳ lạ, hát ru của mỗi dân tộc luôn có khúc thức âm nhạc cực kỳ tối giản (chỉ ba-bốn nốt); nhanh chậm - luyến láy - buồn vui là tùy tâm trạng người hát. Thế mà cái điệu hát đơn sơ ấy lại là giao cảm tinh thần, kết nối văn hóa đầu tiên, là con đường dịu dàng nhất - để Tiếng Mẹ ngấm vào một đứa trẻ. Hát ru không để biểu diễn, chỉ dành cho con và cho chính mình. Tình tự và riêng tư như thế, hát ru thực sự là hơi thở chắt từ nhịp tim người mẹ.

Trẻ em bây giờ đủ đầy vật chất, nhưng lại bị “tước quyền” được nghe mẹ ru. Có khi cũng được ru đấy, nhưng do bà trông trẻ nhớ điệu hát quê mình, từ mẹ mình, thuận miệng hát ra. Chẳng có định lượng nào về những thiệt thòi của đứa bé không được nghe hát ru. Nhưng, người lớn chắc chắn là thiệt thòi. Bạn chỉ được tận hưởng niềm hạnh phúc ru con khi chúng còn rất rất nhỏ. Chỉ cần con đến năm-sáu tuổi thôi, bạn có tha thiết hát ru, chưa chắc con bạn đã muốn nghe.

Tôi chợt liên tưởng đến phong trào các bà mẹ cho con nghe nhạc cổ điển, với niềm hy vọng con được ngấm âm nhạc từ trong bụng mẹ sẽ trở thành người thông minh nhạy cảm. Tôi cứ tin, một em bé được nghe những lời ru dịu dàng đượm tình mẫu tử - thì không thể kém nhạy cảm và ít chỉ số thương yêu hơn những em bé nghe Beethoven hay Mozart. Bạn đang có món quà tuyệt vời để trao tặng con mình, đừng đánh mất. Biết đâu, một lúc khốn khó nào đó, con bạn sẽ nương tựa vào mấy chữ ầu ơ mà đứng dậy. 

QUỲNH HƯƠNG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI