Nhìn học trò mà đứt cả ruột

19/03/2015 - 08:23

PNO - PN – Nhìn những trò nhỏ ngủ gục trên lưng bố mẹ hay các cô cậu ngồi ăn bánh mì, cơm hộp khi xe vẫn bon bon trên đường mà đứt cả ruột.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhin hoc tro ma dut ca ruot

Tuổi thơ đáng nhớ - Nguồn ảnh: internet.

Vào những buổi trưa ở lại trường, tôi và một chị đồng nghiệp hay chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề cho đỡ buồn.

Có lẽ, vì đều là người từ tỉnh lên thành phố lập nghiệp nên chúng tôi có những cách nhìn, cách nghĩ giống nhau.

Tôi và chị ấy hay so sánh việc học trong quá khứ với việc học trong hiện tại, việc học của học sinh dưới quê với việc học của học sinh thị thành để rồi trút hơi thở dài. Chúng tôi cảm thấy xót cho những đứa trẻ thành phố đang bị đánh cắp tuổi thơ, không hẳn tất cả nhưng hầu như là đa số.

Chúng tôi nhớ về ngày xưa, về cái thời cắp sách đến trường một cách thong dong, vui vẻ. Một buổi đến trường học, một buổi phụ cha mẹ làm vườn. Ấy vậy mà chúng tôi còn có được cái khoảnh khắc vui đùa cùng bạn bè, còn có một giấc ngủ trưa với cơn gió vi vu.

Tôi còn được ăn bữa sáng do mẹ nấu, dù chỉ là cơm nguội đem chiên với muối ớt. Tôi còn có thời gian ngắm nhìn những ngôi nhà đẹp, những tiệm bánh với một nỗi khát khao được sở hữu. Lắm lúc, vì hoàn cảnh nghèo khó, chúng tôi phải phụ cha mẹ làm ruộng cho tới chiều rồi mới được cầm quyển sách lên học. Nếu mệt thì chúng tôi lăn đùng ra ngủ, khuya trời gà gáy thức dậy học.

Bữa nào bài dễ, chúng tôi học và làm ngay trên lớp, về nhà cứ việc vui đùa, cứ việc mò cua bắt ốc. Và không cần phải nói, ngày chủ nhật, chúng tôi tha hồ vui đùa thỏa thích.

Nhin hoc tro ma dut ca ruot

Niềm vui bé thơ - Nguồn ảnh: internet.

Hiện nay, dưới quê tôi, việc học cũng có nhiều biến động theo xu hướng đô thị hóa, nhưng mỗi lần về quê, thấy mấy đứa cháu chạy đùa trước sân vào mỗi buổi chiều đi học về, tôi cảm thấy vui biết bao và cảm thấy dường như tuổi thơ đang sống dậy trong tôi.

Còn những đứa học trò thành thị của tôi thì sao? Mặc dù có thể chúng vẫn được vui chơi giải trí, vẫn được ăn ngon mặc đẹp, nhưng tôi vẫn cảm thấy tội nghiệp chúng vô cùng. Mỗi sáng sớm hay những buổi tan ca, khi đi trên đường, tôi và có lẽ các bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ngủ gục trên lưng bố mẹ hay là hình ảnh của các cô cậu ngồi ăn bánh mì, cơm hộp khi xe vẫn bon bon trên đường. Nhìn mà đứt cả ruột.

Rồi vào trường, đôi lúc tôi bắt gặp đứa học trò ngồi ăn nửa hộp cơm thì đành vứt đi trong luyến tiếc, hoặc mang lên lớp học vì ăn chưa kịp khi trống điểm giờ lên lớp.

Và rồi, khi tan giờ học, chúng được bố mẹ “hỏa tốc” chở đến các trung tâm Anh ngữ, các điểm học thêm. Thế là, chúng phải lót dạ bằng một hộp sữa, hay một loại thức ăn nhanh. Hết ca này đến ca khác, cho đến tận 10 giờ đêm mới về tới nhà.

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Một ngày học ở trường, suốt tối đi học thêm, thử hỏi chúng còn sức đâu mà học bài ở lớp và làm sao chúng có thể dậy nổi lúc 5 giờ sáng để tiếp tục đến trường?

Một tuần chỉ có một ngày chủ nhật để thư giãn, thế nhưng, lắm lúc cái ngày ấy là ngày chúng phải “chạy show” nhiều hơn. Nói thẳng ra là cả tuần, các em chẳng có ngày nghỉ…

Việc cho chúng học quá nhiều như thế có thực sự hiệu quả không? Về góc độ của phụ huynh thì có lẽ là hiệu quả, vì học nhiều, con họ sẽ biết nhiều. Thế nhưng, theo những gì tôi thấy thì không hẳn vậy.

Đối với những đứa trẻ có ý thức học tập, chúng sẽ cố gắng tiếp thu kiến thức, sắp xếp thời gian để việc học của mình tiến bộ. Đương nhiên, việc học thêm sẽ có lợi nhưng với thời gian hợp lí.

Còn đối với những học sinh học theo lối gà công nghiệp thì lại là một điều tai hại. Bởi chúng sẽ càng ám ảnh việc học. Nhiều em chỉ đến chỗ học vui đùa với bạn thay vì tiếp thu kiến thức. Nhiều em do học quá nhiều nên chẳng nhớ bao nhiêu, và khi vào lớp, hoặc đầu của các em đã bão hòa hoặc là các em dựa dẫm, ỷ lại mình đã biết nên không chú ý… Cuối cùng, kết quả học tập của các em vẫn không tốt.

Xã hội cứ trách giáo viên ép học sinh học thêm nhưng thật ra, nhiều lúc, dù giáo viên không ép, phụ huynh vẫn tìm cách cho con đi học.

Tôi nhớ năm trước, nhiều phụ huynh trong lớp biết tôi và giáo viên dạy toán của lớp không dạy thêm. Thế là họ tìm đến giáo viên trường lân cận để gửi cho chúng học cho bằng được. Thậm chí, có em không tham gia bất cứ phong trào nào của trường lớp tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật vì bố mẹ không cho nghỉ học thêm, cho dù chúng khao khát được tham gia những hoạt động ấy.

Có lẽ, sau này lớn lên, kí ức của chúng sẽ không giống như tôi. Trong đầu của chúng sẽ là những bữa ăn vội, những ngày tháng miệt mài học thêm học bớt. Quả thật, học thêm không xấu, nhưng chúng ta cần cho trẻ một thời gian biểu hợp lí để chúng có thể vừa học cho tương lai và vừa làm giàu cho kí ức tuổi thơ của mình.

NGUYỄN THANH TUẤN

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI