Người phụ nữ 20 năm gieo chữ trên xe lăn

04/04/2013 - 16:47

PNO - PNO - Di chuyển khó nhọc trên chiếc xe lăn, người phụ nữ sắp bước vào tuổi ngũ tuần vẫn hằng ngày miệt mài truyền đạt kiến thức cho các em học sinh của xóm lao động nghèo với những đồng thù lao ít ỏi.

Hơn hai mươi năm nay, lớp học tại nhà của cô Huỳnh Thị Xinh nằm ở xóm liền kề Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của học sinh. Cô Xinh chưa bao giờ được công nhận là nhà giáo và cũng chưa một lần được đứng ở bục giảng trường học. Tuy nhiên, với mọi người ở xóm lao động nghèo Xuân Thiều cô Xinh luôn được gọi đầy kính trọng là cô giáo.

Nguoi phu nu 20 nam gieo chu tren xe lan

Cô giáo Xinh luôn tận tâm với những học trò nghèo

Cô giáo của xóm nghèo

Dang dở ước mơ vào Đại học bởi đôi chân tật nguyền, cô Xinh đành theo những người bạn học thêm nghiệp vụ sư phạm. “Ngày đó, bạn bè tôi theo học sư phạm rất nhiều. Sau giờ học, tôi đã được bạn bè chỉ dẫn lại phương pháp học ở lớp”, cô Xinh tâm sự.

Không được đến trường nhưng ngày nào cô cũng chăm chỉ đèn sách như những sinh viên thực thụ. Được gia đình ủng hộ, cô Xinh bắt đầu “nghề giáo” bằng những bài học với các thành viên trong gia đình. Thấy cô ham học lại kiên trì, hàng xóm bắt đầu nhờ cô dạy kèm cho con họ ở nhà.  Bắt đầu từ đấy, cô Xinh trở thành cô giáo của xóm lao động nghèo.

Vì chưa một lần được đứng trên bục giảng nhà trường thực thụ nên cô Xinh luôn cố gắng tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng cần thiết của một nhà giáo. Cô dạy cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Với chiếc xe lăn, cô đến nhà từng người bạn để học hỏi, cập nhật những kiến thức mới nhất. “Xóm này chủ yếu là dân lao động phổ thông nên thời gian họ dành cho con cái rất ít. Chính vì thế ngoài truyền đạt kiến thức, tôi còn theo sát, bảo ban các em trong cuộc sống như con cháu mình”, cô Xinh cho biết.

Nhiều học sinh gắn bó với cô Xinh thời gian khá dài, từ khi bước chân vào lớp 1 đến lúc rời trường THCS. Với các em, cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn như một người thân, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, buồn vui.

Lớp học của tình thương

Biết học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô Xinh chỉ lấy một ít tiền học phí để trang trải qua ngày cùng số tiền gửi tiết kiệm của bố mẹ cho cô. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, cô không lấy tiền trong suốt thời gian học. Một trong những học sinh được cô quan tâm, thương cảm nhất là Phạm Trần Phi Long, đã gắn bó với cô từ gần 7 năm nay. Long mồ côi cha, mẹ là lao động chính nuôi con bằng nghề tạp vụ. Trong một lần đi làm, mẹ Long bị tai nạn phải nằm nhà suốt thời gian dài, không làm được việc nặng. Từ đó, cô giáo Xinh vừa dạy em học, vừa động viên, là chỗ dựa cho cậu học sinh bất hạnh.

Nguoi phu nu 20 nam gieo chu tren xe lan

Cứ thế, cô giáo Xinh luôn bên cạnh, an ủi và giúp khỏa lấp phần nào nỗi bất hạnh của những học trò nghèo đáng thương. Với những em có ý định bỏ học, cô đem lời khuyên răn, tâm sự. Để động viên các em, cô dành 1 phần tiền học phí mua những món quà nhỏ, khi cây bút, quyển vở, lúc quần áo để làm phần thưởng cho các em. Học trò nào có sự tiến bộ trong học tập, được nhà trường khen ngợi thì cũng được cô Xinh trao thêm phần thưởng. 

Xóm nghèo rồi cũng có nhiều em vào đại học, cao đẳng, không còn bỏ học giữa chừng. “Niềm vui của tôi là khi nhận được tin báo “Em đậu Đại học rồi cô ạ”, cô Xinh rơm rớm nước mắt. Hạnh phúc với cô chỉ là những lúc như thế. Mỗi buổi chiều, cô đẩy chiếc xe lăn ra cổng đón học trò vào lớp với nụ cười hiền hòa. Trong căn nhà nhỏ, vang lên tiếng nói cười trẻ thơ. “Hạnh phúc lớn nhất đời tôi là được học trò, được phụ huynh thương mến. Đi đâu, làm gì cũng được mọi người chào hỏi ân cần”, cô tâm sự.

Có lẽ chính bởi niềm hạnh phúc giản đơn đó mà cô Xinh quên đi những khó nhọc trong cuộc sống, quên đi đôi chân thỉnh thoảng lại đau mỗi khi trái gió trở trời, để đêm đêm miệt mài bên những trang giáo án.
 

ĐÌNH THỨC
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI