Lãng phí lớn vì tùy tiện truyền Albumin

12/10/2013 - 15:34

PNO - PN - Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM đã chi đến 591 triệu đồng sử dụng dịch albumin không cần thiết. Không có phác đồ cụ thể cho việc truyền albumin đã dẫn đến sự lãng phí lớn trong việc dùng dung dịch này.

Lang phi lon vi tuy tien truyen Albumin

Không phải trường hợp nào hạ albumin máu cũng truyền albumin

Hơn 60% ca chỉ định không phù hợp

BS Tạ Thị Tuyết Mai, Khoa Dinh dưỡng, BV Nhân dân Gia Định cho biết: “Albumin là loại protein tan trong nước, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát áp lực keo trong thành mạch, vận chuyển các chất không tan như: bilirubin, axit béo, vitamin A, sắt và một số loại thuốc. Albumin được chỉ định dùng trong các trường hợp sốc do giảm thể tích, tăng bilirubin máu, báng bụng, hạ albumin máu tạm thời, phù não, hội chứng thận hư...”.

Một báo cáo tại Hội nghị khoa học BV Q.Thủ Đức đầu tháng 10/2013 về đánh giá tình hình sử dụng albumin cho thấy: năm 2012, BV Q.Thủ Đức đã chi 762 triệu đồng cho dịch albumin để điều trị cho người bệnh, nhưng có đến 591 triệu đồng đã sử dụng không cần thiết; trong đó có 467 triệu đồng là do sai chỉ định (chiếm hơn 61% các ca truyền albumin) và 124 triệu đồng do chỉ định sai liều lượng, khiến lượng albumin truyền vào cao hơn nhu cầu của người bệnh (chiếm gần 16,3% các trường hợp truyền albumin).

 Một khảo sát gần đây tại BV Q.Thủ Đức ghi nhận, có 7/18 khoa lâm sàng có chỉ định sử dụng albumin; trong đó Khoa Nội tổng quát và Khoa Hồi sức tích cực chống độc có chỉ định sử dụng albumin nhiều nhất. Đặc biệt, nhiều trường hợp, bệnh nhân mới có biểu hiện giảm albumin đã được truyền, trong khi nồng độ albumin máu vẫn cao hơn 20g/l (ngưỡng an toàn).

Một số bệnh nhân không được làm xét nghiệm chỉ số albumin trước khi được truyền, hay chỉ số albumin ở mức bình thường 35-50g/l, nhưng bác sĩ vẫn cho truyền. Những chỉ định truyền albumin không phù hợp tại BV Q.Thủ Đức xảy ra chủ yếu do hạ albumin máu (chiếm hơn 41% trường hợp), xơ gan (chiếm gần 10%), xơ gan kèm hạ albumin chiếm gần 8%. Ở nhiều trường hợp, bệnh nhân đã bị truyền dư albumin so với nhu cầu cơ thể.

Cách đây chưa lâu, khảo sát ở BV Nhân dân Gia Định cho thấy, BV này đã sử dụng 1,91 tỷ đồng mua dịch albumin, chiếm 4% tổng số tiền thuốc nội trú của BV. Thế nhưng, chỉ có 280 triệu đồng chi phù hợp, còn 1,63 tỷ đồng không cần thiết. 50% lượng albumin được sử dụng ở Khoa Hồi sức ngoại và Hồi sức nội.

Thế nhưng, chỉ có 10% trường hợp chỉ định phù hợp, hơn 30% chỉ định tương đối phù hợp. Trong số các trường hợp chỉ định tương đối phù hợp thì có hơn 85% liều albumin được truyền cho người bệnh không phù hợp vì bác sĩ điều trị không truyền theo phác đồ hướng dẫn. Hầu hết y lệnh truyền albumin được chỉ định ngay khi có kết quả albumin máu thấp hơn 35g/l. Điều này không phù hợp. Thậm chí, gần 2% trường hợp không nêu được lý do vì không có xét nghiệm albumin máu, hoặc albumin máu đã vượt hơn 35g/l và bệnh nhân cũng không mắc các bệnh lý cần phải truyền albumin như hội chứng thận hư, xơ gan...

Lang phi lon vi tuy tien truyen Albumin

Albumin có giá thành rất cao với khả năng của người bệnh

Phụ thuộc vào ý thức, kinh nghiệm của bác sĩ

PGS-BS Trần Văn Bình, nguyên Trưởng khoa Huyết - sinh học, BV Truyền máu - huyết học TP.HCM nói: “Việc điều trị phụ thuộc vào ý thức, kinh nghiệm của bác sĩ. Tùy từng trường hợp bệnh lý mà truyền albumin, nếu mới thấy albumin máu giảm mà truyền là chưa phù hợp. Hoặc thấy bệnh nhân suy dinh dưỡng đã vội truyền albumin mà không xét nghiệm lại càng vội vàng. Quan trọng nhất là tìm nguyên nhân chính đã gây ra bệnh suy dinh dưỡng, thể trạng kém...”.

Cũng theo BS Bình, albumin có tác dụng giữ nước trong mạch máu chứ không phải là chất bổ. Nếu chỉ mất nước thì chỉ cần truyền dịch, khoáng chất thông thường, chi phí mỗi lần truyền chỉ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Có những trường hợp chỉ cần sử dụng dịch truyền khác mà không cần albumin.

BS Trương Văn Vĩnh, Phòng Chỉ đạo tuyến, BV Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, chia sẻ: “Tại nhiều BV, việc truyền albumin hiện nay chủ yếu do thói quen, chỉ cần xét nghiệm thấy albumin máu giảm nhẹ vào khoảng 20-25g/l (dưới ngưỡng 30g/l) đã vội truyền. Việc sử dụng albumin trong những trường hợp này chỉ nhằm hỗ trợ, chưa phải khẩn cấp như dùng trong mổ cắt gan, mật. Trong khi, người bệnh có thể thay thế bằng những biện pháp khác như truyền dịch thông thường: mannitol, dextran 40, glucose 30%...

Albumin có nhiều hiệu quả trong điều trị nhưng chi phí cao, mỗi chai 20ml trên một triệu đồng; do đó cần chỉ định sử dụng albumin chính xác để hạn chế chi không cần thiết. Ngoài ra, trước khi truyền albumin phải tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lợi ích và rủi ro khi sử dụng. Albumin vẫn có thể gây ra sốc phản vệ. Nguy cơ của việc truyền dư albumin khiến máu tăng độ quánh, có thể khiến mất cân bằng bên trong và ngoài mạch máu, suy tim, tuần hoàn khó khăn. Nguy cơ là vậy, thế nhưng, trong tất cả hồ sơ bệnh án hồi cứu, không có hồ sơ nào ghi nhận nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trước khi sử dụng albumin.

Tại Ý, việc sử dụng albumin thông qua hội đồng kiểm duyệt đã giúp BV của Ý đã giảm mức độ sử dụng albumin, tiết kiệm được 17.000 - 200.000 euro/năm; trong khi kết quả điều trị cho bệnh nhân không thay đổi (thời gian nằm viện và tỷ lệ tử vong). Đại diện Bảo hiểm y tế TP.HCM cho biết, hiện albumin đã được BHYT thanh toán. Việc bác sĩ chỉ định sai albumin cho người bệnh không phải mang tính cố ý lạm dụng mà do trình độ chuyên môn.

PGS-BS Trần Văn Bình khuyến cáo: trong các tài liệu chuyên ngành thường chỉ có chỉ định albumin chung chung như: choáng do giảm thể tích máu mà những phương pháp khác không đủ hiệu quả; chống mất nước và điện giải; đề phòng cô đặc máu do phỏng, giảm protein huyết. Việc sử dụng albumin được chỉ định rộng rãi, nhưng chưa có phác đồ hướng dẫn cụ thể cho từng bệnh.

BS Tạ Thị Tuyết Mai cho biết: “Albumin chống chỉ định ở các trường hợp bệnh tim nặng, thiếu máu mạn tính, dị ứng albumin. Albumin có nhiều lợi thế nhưng chi phí cao”.

 Hoàng Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI