Khi mỗi cá nhân phải mang trên mình nhiều cái nhãn

18/11/2014 - 17:34

PNO - PN - Ấn tượng trong vài giây tiếp xúc ban đầu cực kỳ quan trọng. Nhưng có lẽ bởi sự dán nhãn vội vàng ấy mà con người ta thường mang quá nhiều định kiến về nhau.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi moi ca nhan phai mang tren minh nhieu cai nhan

Cảnh trong phim Kẻ cắp xe đạp.

Bộ phim Kẻ cắp xe đạp của đạo diễn người Ý Vittorio De Sica ra mắt năm 1948 và từ đó tới nay luôn có mặt trong danh sách những phim xuất sắc nhất mọi thời đại.

Câu chuyện trong bộ phim đen trắng thời đó giản dị thôi, kể về Antonio Ricci, một người đàn ông thất nghiệp với gánh nặng gia đình hai đứa con nheo nhóc. Anh mãi mới tìm được công việc chuyển bưu phẩm bằng xe đạp với đồng lương ít ỏi, nhưng khốn thay, ngay trong ngày đầu tiên, một kẻ nào đó đã lấy cắp chiếc xe đạp của anh.

Chiếc xe đạp ấy như mảnh phao bấu víu cuối cùng, anh vừa đem đến niềm hân hoan hy vọng cho một ngày có bữa cơm nóng, thì lại bị số phận giằng mất một cách phũ phàng. Trong cơn cùng quẫn, anh lao bừa vào lấy trộm một chiếc xe đạp của người khác, rồi bị đám đông xúm vào đánh đập. Từ nạn nhân, anh trở thành tội phạm.

Bộ phim được coi là điển hình của dòng phim hiện thực phê phán, nó kết thúc ở điểm tận cùng bế tắc của người đàn ông dưới đáy xã hội. Tuy nhiên, nó khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về những mối liên hệ vô hình giữa những con người không quen biết, và về tính hai mặt của mỗi con người, mỗi sự việc.

Kẻ lấy cắp chiếc xe đạp của anh, hắn đáng trách hay đáng thương? Hắn cũng gánh trên vai một gia đình chờ ăn từng bữa như Antonio? Hoặc nếu phi vụ ăn cắp của Antonio thành công, anh không mất việc, con anh có bánh ăn, vợ anh có tiền nấu nồi xúp thật to thết đãi cả nhà, thì người bị anh lấy cắp xe lại bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng?

Trong cuộc sống này, không phải chuyện gì cũng có thể phân định rành mạch, nhất là giữa tốt và xấu. Bản thân mỗi con người chúng ta, lúc này có thể hành động ích kỷ, vị kỷ, nhưng vào lúc khác bỗng trở nên anh hùng, hy sinh cả lợi ích bản thân. Angela Phương Trinh lâu nay vốn bị coi là “gái hư” của showbiz, nên việc cô đến nhà tổ chức sinh nhật cho người mẫu Duy Nhân và tặng 100 triệu đồng để hỗ trợ anh điều trị bệnh ung thư máu lại khiến công chúng nghi ngờ.

Người ta chỉ trích cô làm trò, lợi dụng việc từ thiện để đánh bóng cá nhân, nhưng bản thân họ hầu như chẳng ai làm được việc gì thiết thực cho Duy Nhân. Và nhìn từ phía Duy Nhân, dù trước đó Phương Trinh là ai, làm gì, thì với anh và gia đình, cô là hiện thân của thiện tâm. Ai dám nói mình chưa từng mắc sai lầm, nhất là thời tuổi trẻ. Nhưng người ta dễ dàng tha thứ cho lỗi lầm của mình, mà lại khắt khe với người khác. “Gái hư” thì mãi mãi vẫn là “gái hư”, đừng mong “quay đầu là bờ”. Một ca sĩ nay đã thành vợ, thành mẹ, nhưng dư luận vẫn đay nghiến mãi va vấp của cô năm 16 tuổi.

Một sự việc cũng vậy, soi chiếu dưới mỗi góc nhìn lại có một giá trị khác nhau. Xin kể câu chuyện khác. Gia đình tôi mở một trung tâm giáo dục dành cho trẻ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ. Lâu lâu, trung tâm lại nhận được xe chở rau củ và bánh mì do các anh công an P.Thành Công mang tới tặng. Những món đồ này là kết quả của những buổi dẹp chợ, mà tôi đồ rằng nếu có mặt ở chợ 30 phút trước đó, tôi cũng sẽ đầy phẫn nộ lên án những viên chức dường như có trái tim lạnh lùng vô cảm.

Cũng giống như tính tương đối trong khoa học. Một người ngồi trên chuyến tàu đang di chuyển, đối với những người đi trên đường thì anh ta di chuyển, nhưng đối với người đang ngồi trên tàu anh ta lại được coi là đứng yên. Những người đi dẹp trật tự ngoài chợ ấy, họ tốt hay xấu? Liệu niềm vui của chúng tôi có đổi bằng nỗi buồn của người khác?

Người ta nghiên cứu rằng ấn tượng trong vài giây tiếp xúc ban đầu cực kỳ quan trọng, sẽ chi phối mạnh mẽ tới đánh giá của mỗi người với đối phương. Nhưng có lẽ bởi sự dán nhãn vội vàng mà bộ não vô tình tạo ra ấy, mà con người ta thường mang quá nhiều định kiến về nhau. Tôi cứ mong rằng, mỗi cá nhân trong xã hội này không phải mang trên mình quá nhiều cái nhãn. Hãy cứ để mỗi người chịu trách nhiệm cho hành động của mình ở mỗi thời điểm. Anh ta có quyền mắc sai lầm, như đứa trẻ viết sai, nó thậm chí không cần dùng tẩy, mà chỉ cần nắn nót viết tiếp một dòng khác đẹp đẽ ngay sau đó, để trang đời sau đó đẹp lên...

THỦY VŨ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI