Hạt bụi vàng óng ánh

23/09/2014 - 22:53

PNO - PN - Anh bạn nhà văn nhắn tin cho tôi: “Em vào web nọ tìm đọc Cuộc gặp gỡ cuối cùng của K.Pautovsky nhé!”. Tôi tìm thấy "Cuộc gặp gỡ cuối cùng" với lời người dịch chính là anh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh viết: “Đây là tác phẩm dịch qua bản tiếng Nga từ Chuyện đời - tự truyện của K. Pautovsky, nhà văn Nga - Xô viết. Tôi dịch tặng những người bạn cầm bút của tôi - những ai để cha mẹ, người thân ở lại quê nhà, phiêu dạt lên Sài Gòn lập nghiệp đời, nghiệp văn”.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng là lần gặp cuối của tác giả Bông hồng vàng - một trong những áng văn đầy chất thơ đã trở nên quen thuộc đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam; với mẹ và đứa em gái ở Kiev, quê nhà. Lúc ấy Pautovsky còn rất trẻ, chưa thành danh. Sau hai năm xa cách nhưng khi trở lại, dù giữa mùa xuân nhiều nắng nhiều hoa, Pautovsky thấy ngôi nhà trống trải u buồn, mẹ già yếu đi nhiều, còn cô em gái thì đôi mắt đã không còn nhìn được gương mặt anh trai.

Hat bui vang ong anh

Vậy mà, khi đọc được những truyện ngắn của con trai đăng trên báo mà Pautovsky mang về, bà mẹ không cầm được nước mắt: “Nếu con biết rằng mẹ vừa đọc những truyện ngắn của con như thế nào. Cám ơn con, Costic! Thay mặt cả nhà mẹ cám ơn con... Nếu cha con còn sống... - mẹ tôi vừa nuốt nước mắt vừa nói - Nếu cha con còn sống... Ông ấy sẽ sung sướng biết chừng nào!”- Pautovsky viết.

Thế rồi, những ngày tháng mải mê với chữ nghĩa, những quyển sách nối nhau ra đời, tiếng tăm đã đưa Pautovsky đặt chân đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều triệu người, nhưng ông đã không giữ được lời hứa với mẹ là mang đứa em gái mù lòa theo cùng và không một lần quay lại quê nhà, không thêm một lần gặp mẹ cùng đứa em gái tật nguyền cho đến khi cả hai lần lượt nằm dưới nấm mồ.

Niềm hối tiếc, nỗi day dứt của nhà văn K. Pautovsky như vẫn cồn lên nơi ngực, dù tôi đã đọc Buổi gặp gỡ cuối cùng cách đây nhiều ngày.

Những lời bộc bạch nhói lòng của Pautovsky hẳn đã không chỉ là của riêng ông. Bà mẹ và em gái của Pautovsky dường như cũng là bà mẹ và em gái của những đứa con, những người anh, người chị, người em... nơi này, nơi khác trên khắp hành tinh này và trên cái thành phố chen chúc hàng triệu con người này. Họ cũng chính là tôi, là chị, là anh, là bạn; những người vì nhiều lý do, đã rời quê nhà, bỏ lại máu mủ ruột rà, rứt bỏ quãng đời đẹp đẽ nhất, để ra đi với khát khao tìm kiếm một chân trời, một lối đi, một điểm đến, một bến bờ, trước hết là cho riêng mình.

Trong cuộc hành trình dằng dặc cô đơn và mệt mỏi, đôi lúc ngoảnh lại, muốn quay về, muốn tìm một chiếc vé leo lên một chuyến xe tốc hành... nhưng tất cả đã lùi xa, đã không còn kịp nữa. Tôi vẫn chưa phút nào quên được những tháng ngày cha mình nằm liệt một chỗ trên giường bệnh. Lúc đó, mẹ tôi, chị em tôi, chỉ ước mong là ông còn có thể ngồi được trên xe lăn, vợ con đưa ông ra tới khoảng sân có giàn hoa tường vi mà ông từng chăm sóc mỗi ngày, để ông có thể nhìn thấy cái màu hoa tim tím dịu dàng ánh lên trong nắng sớm. Giờ mỗi ngày, nhìn gương mặt cha trên trang bìa quyển sách, nhìn đôi mắt hiền từ của ông, lòng tôi vẫn quặn đau.

Nhà văn K. Pautovsky, từ Tbilisi, chỗ ông sống và làm việc về đến Kiev, quê nhà, để được gặp mẹ gặp em phải mất nhiều ngày đường. Còn tôi từ Sài Gòn về Cà Mau chỉ mất hơn tám giờ ngồi xe, vậy mà mỗi năm chỉ về thăm cha mẹ vào ngày lễ, ngày tết. Lần nào về cũng vội vội vàng vàng, nhiều khi còn xách cả laptop theo và còn tẩn mẩn tần mần với bàn phím.

“Chữ hiếu” vừa gần vừa xa. Nhiều lúc, những đứa con do mải miết chạy theo những đam mê (nhiều khi phù phiếm) đã vô tình đẩy “chữ hiếu” vượt khỏi tầm tay để rồi chới với suốt cả quãng đời còn lại.

Đám bụi vàng mà cuộc đời đã giúp Pautovsky đúc nên Bông hồng vàng vẫn chập chờn ẩn hiện đâu đây, đôi lúc vẫn tung lên mịt mù. Những hạt bụi óng ánh li ti lại khiến tôi có cái cảm giác xon xót hai con mắt và cay cay nơi sống mũi.

 Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI