Hạnh phúc là chia sẻ những nguồn vui

16/05/2016 - 14:14

PNO - “Chỉ khi đồng hành với báo Phụ Nữ mới thấy được việc tuyên truyền pháp luật có một màu sắc mới, việc trợ giúp pháp lý có hiệu quả tức thì.."

Thoắt đó mà đã 10 năm kể từ ngày chị Tổng biên tập Phan Thị Ngọc Mai (tức nhà báo Mai Hiền) trao cho chúng tôi tờ công lệnh với lời nhắn nhủ: “Các em đi trước về miền Tây, ghi nhận cuộc sống của người dân, sự cần cù vươn lên từ gian khó, những câu chuyện vượt nghịch cảnh nuôi con ăn học đến nơi đến chốn… Chuẩn bị chương trình hát và đưa báo về đồng bằng”.

Vác ba lô, chúng tôi đi về miền sông nước ấy. Rồi đã thấy cuộc sống cơ cực, chân lấm tay bùn, lênh đênh sông nước của đôi vợ chồng nông dân Đinh Hoàng Tuấn - Nguyễn Thị Sang ở Bình Thủy - TP.Cần Thơ, một chữ bẻ đôi không biết mà nuôi ba đứa con trai vào đại học. Rồi lại thấy người mẹ đơn thân Nguyễn Thị Bích Thủy ở bến Ninh Kiều suốt 20 năm thờ chồng, tảo tần làm thuê nuôi hai con gái tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế và Sư phạm.

Và rồi phải mãi nhớ đêm đầu tiên đưa báo về đồng bằng, về với công nhân, sinh viên đại học Cần Thơ ấy. Chúng tôi đã đứng lặng mà nhìn, mà nghe các bạn trẻ reo hò, mừng vui đến rơi nước mắt khi các bạn lần đầu được thấy tận mặt Nhật Tinh Anh, và cùng cất giọng hòa theo bài hát Vầng trăng khóc… Từ hàng ghế khán giả ở đêm nhạc Tây Đô, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn hình ảnh những chị em lần đầu tiên được xem văn nghệ, được cầm trên tay tờ báo của giới.

Hanh phuc la chia se nhung nguon vui
Báo Phụ Nữ bàn giao nhà tình thương cho cựu nữ Thanh niên xung phong Võ Thị Lụa tại ấp Chợ xã Phú Hòa Đông H.Củ Chi - Ảnh: P.Huy

Sau lần đầu tiên những người làm báo Phụ Nữ tổ chức chương trình “Hát và đưa báo Phụ Nữ đến với công nhân, thanh niên, sinh viên và nhân dân lao động” ấy, chỉ vài tháng sau, báo Phụ Nữ lại mang tiếng hát Cẩm Ly, Đan Trường, Mỹ Lệ, Quốc Đại, Nhật Quốc - Tấn Quốc… về ĐH Bình Dương, ra Nhà Văn hóa Thanh Niên Đà Nẵng…

Đêm nhạc nào cũng được công nhân, sinh viên và người dân địa phương nồng nhiệt đón nhận, cổ vũ một cách hân hoan, phấn khích. Và hình ảnh đọng lại trong chúng tôi vẫn là sự cống hiến, phục vụ tận tình, cháy hết mình của các ca sĩ, nghệ sĩ; để cống hiến cho sinh viên, công nhân và người lao động nghèo những tiết mục thật hay, thật đặc sắc của mình…

Nhận ra nhu cầu được tư vấn những vấn đề xoay quanh cuộc sống cũng lớn lao, bức thiết... không thua kém nhu cầu thụ hưởng văn hóa, văn nghệ, báo Phụ Nữ quyết định nâng dần, mở rộng hơn các tiết mục, đề tài cho mỗi chuyến đi. Thậm chí, đã có những chương trình “6 trong 1”: văn nghệ, tặng báo, trao học bổng, khám bệnh, tư vấn tâm lý và giải đáp pháp luật. Những “dịch vụ” miễn phí ấy không tự nhiên phát sinh, mà hoàn toàn do nhu cầu của bạn đọc và vì bạn đọc.

Có lần chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai tư vấn chuyện gia đình cho chị Nguyễn Thị Hiên xong, chị cứ đứng chần chừ, rồi rụt rè tìm phóng viên, xin giúp bảo vệ người chị gái bị chồng bạo lực. Khi vào cuộc xác minh, chúng tôi mới biết chị N.T.T. - chị ruột của Hiên đã chịu đòn roi của chồng nhiều năm liên tiếp. Ngày 1/3/2007, tại khu nhà trọ ở ấp 1, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, người chồng vũ phu này một lần nữa ra tay đánh chị T. đến dập lá lách, tỷ lệ thương tật lên đến 32%. Vậy mà chị T. cứ cắn răng cam chịu, còn ngăn, năn nỉ em gái, không cho đi tố giác, thậm chí, nghe lời chồng dụ ngọt, chị đã viết đơn bãi nại cho anh ta.

Chúng tôi mời luật sư vào cuộc, Hội Phụ nữ khuyên can, chị T. mới nhận ra được sai lầm của chính mình khi dung dưỡng cho bạo lực. Từ câu chuyện của chị T., cùng hàng trăm câu chuyện khác ghi được sau các chương trình Hát và đưa báo đến công nhân, chúng tôi đã nhận thấy cần tổ chức thường xuyên những chương trình như thế, để có thể trợ giúp cho nữ sinh viên, công nhân, người lao động thiết thực hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI