Gà què ăn quẩn cối xay

19/07/2015 - 09:06

PNO - PN - Phải công nhận việc in và bán sách giáo khoa cho năm học mới ở nước ta nhanh như điện. Năm học cũ vừa kết thúc, bước vào hè thì sách mới đã tràn ngập, đi kèm vô thiên lủng sách tham khảo, gợi ý giải bài tập được đóng gói...

Sáng kêu không chịu dậy, quần còn chưa biết tự mặc, ăn còn phải đút cho kịp giờ đi học nhưng lại cõng một ba lô sách vở như bộ đội hành quân. Bao nhiêu năm nuôi mơ ước từ lời trên diễn đàn quốc hội, ông bộ trưởng giáo dục hứa sẽ đổi mới căn bản, thực chất giáo dục, để sáng mai ngủ dậy, ba lô của con nhẹ tênh.

Ga que an quan coi xay

Và năm học này, lại một hiện thực khác: sách không bớt, lại thêm một màn hấp dẫn là con và các bạn sẽ có... chủ tịch hội đồng tự quản lớp! Hỏi qua bạn là giáo viên, bạn ước: bớt giùm ba cái sổ linh tinh đi, để tui tập trung chuyên môn, nhưng giờ rà lại, chỉ bớt một cuốn thôi! Muốn biết, hãy xem dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo thông tư 30 và mô hình trường học mới mà Bộ Giáo dục-đào tạo vừa công bố.

Có những quy định mà đọc xong thấy... ngán. Ví dụ lớp học sẽ có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản; những quy định về sổ sách nhìn vào tưởng sẽ giảm tải cho giáo viên lắm đây nhưng cộng lại cũng chỉ giảm không hơn...một cuốn.

Vậy thì đổi mới cái gì? Hãy nhìn vào trường học. Học sinh ngập đầu trong vô số môn học, tiểu học mà sách vở chất cao cả thước. Chương trình thì nặng nề, không ít kiến thức đánh đố, xa vời, không phù hợp với hiểu biết và tâm lý của trẻ. Học ngày hai buổi nhồi nhét, tối về lại học thêm, chạy như chạy loạn.

Đã lâu lắm rồi và đã quá nhiều lần rồi, từ trung ương đến cơ sở đều lên giọng kiên quyết là chấn chỉnh học thêm, dạy thêm, nhưng các vị cứ... như đùa. Nói như giáo viên, là chương trình chính khóa nhiều quá, không thể không dạy thêm. Cấm dạy chữ cho học sinh mẫu giáo, nhưng có giáo viên nào bị đuổi đâu, nên vẫn dạy ào ào, phụ huynh cũng đua nhau cho con học, bởi vào lớp 1 là phải đọc viết liền, con người ta biết mà con mình ngu ngơ thì không ổn.

Học sinh đang trong lứa tuổi ngủ, ăn, thời gian chơi lẽ ra phải chiếm 1/3 trong thời gian đến lớp, nhưng lại bị nhồi nhét chữ như đi xe khách đường dài ngày Tết, cuối giờ đón con về là thấy con phờ phạc. Do vậy, thay vì phát triển chiều cao, nhanh nhạy trí não, thì lại hình thành một thế hệ kính cận dày cộp, lưng gù.

Thầy cũng khổ không kém trò. Ngoài giờ lên lớp là chạy xà quần với đủ thứ sổ sách, họp hành. Khi được hỏi sao dạy lớt phớt vậy, một giáo viên nói ngay: "Chương trình chừng đó, không thể nói sâu hơn, cũng chẳng có thời gian đầu tư, nghiên cứu, học thêm". Thầy cô ngoài chuyện dạy còn phải lo gia đình, đời sống, mà dạy, soạn bài, ghi sổ đã chiếm hết 2/3 thời gian trong ngày rồi.

Bao nhiêu than trách, oán thán của xã hội về bất cập trong giáo dục đã vang lên với đủ biên độ trong mấy thập kỷ qua, qua bao đời bộ trưởng, nhưng nói như dư luận, mỗi lần Bộ đổi mới là sẽ được chứng kiến một màn hài kịch ngoài sức tưởng tượng. Lần này, xin hỏi các vị đã soạn ra điều lệ trên, các vị nghĩ gì từ phản ứng của xã hội rằng “cái cần sửa thì không sửa”?

Các vị cho rằng điều lệ ra đời từ thực tiễn đổi mới, nhưng xin thưa, áp dụng điều lệ mới với sáng kiến của các vị có làm sách trong cặp của các em nhẹ bớt đi không? Trẻ có hết ngủ gục vì quá mệt không? Giáo viên có được thay đổi từ một máy nói mệt mỏi chuyển sang một người tập hợp và khơi mở cho các em tự chủ tìm tòi kiến thức?...

Giáo dục nước ta bao nhiêu năm qua chỉ là kiểu gà què ăn quẩn cối xay, nói đi nói lại rồi cũng quay về chốn cũ. Mà một lần đổi mới như thế, đâu phải không tốn kém. Tốn tiền ngân sách, công sức bao người. Lỗi trong hệ thống giáo dục là trầm trọng, nặng nề, kéo dài triền miên, nhưng chưa hề thấy có ai bị kỷ luật vì đã nảy sinh... sáng kiến chết người và chưa bao giờ, chưa thấy vị tư lệnh ngành nào dám lên tiếng là sẽ “thay máu” tư duy quản lý lỗi thời.

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI