Đồng thuận về kết hôn đồng giới, băn khoăn về mang thai hộ

12/03/2014 - 08:26

PNO - PNO – Kết hôn đồng giới và mang thai hộ là hai vấn đề được “xới” lại nhiều nhất khi bàn về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ngày 10/3, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã tổ chức Hội nghị tham vấn công chúng về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Những điểm mới của dự thảo luật được đưa ra để lấy ý kiến của các đại biểu đến từ nhiều thành phần khác nhau (đại biểu Quốc hội, công chức, người dân, cán bộ ngành luật…), đã cho thấy, dù dự luật đã cơ bản được xây dựng xong, nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn. Đặc biệt, hai vấn đề được “xới” lại nhiều nhất vẫn là: kết hôn đồng giới và mang thai hộ…

Dong thuan ve ket hon dong gioi, ban khoan ve mang thai ho

Một đại biểu nữ phát biểu tại hội nghị, cho rằng nên thừa nhận hôn nhân đồng giới.

Nên thừa nhân hôn nhân đồng giới

Hội nghị được tiến hành nhằm thông tin cho công chúng về những quan điểm, định hướng lớn khi sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Bên cạnh đó, những người đứng đầu trong ngành lập pháp muốn được trực tiếp lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng, nhất là những nhóm người yếu thế, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội về những vấn đề được sửa đổi, bổ sung.

Nắm được tinh thần này, những người đồng tính và những người đang tham gia thúc đẩy quyền bình đẳng của người đồng tính đã đến dự hội nghị đông hơn dự kiến.

Ông Lê Quang Bình (Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE, đơn vị nhiều năm nghiên cứu về người đồng tính) đã đưa ra những số liệu khá thuyết phục để những nhà làm luật “xem lại” vấn đề kết hôn đồng giới.

Trong năm 2013, Viện Xã hội học, Viện Chiến lược và chính sách y tế đã cùng iSEE tiến hành lấy ý kiến từ 5.297 người dân ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắc Lắc, TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng. Kết quả, có 33,7% người dân ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, có 41,2% người dân ủng hộ việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng của người cùng giới tính, 56% người dân ủng hộ cặp đôi đồng giới nhận con nuôi.

Đáng lưu ý, người có trình độ học vấn càng cao càng có xu hướng chấp thuận hôn nhân đồng giới. Điều này chứng tỏ, nếu người dân được hiểu rõ vấn đề kết hôn đồng giới, họ sẽ dễ đồng tình hơn.

Những người tham dự hội nghị không khỏi giật mình khi nghe con số: Hiện có đến 40,2% số người đồng tính cho biết mình đang có ý định kết hôn dị tính ( kết hôn với người khác giới tính của mình). Nếu vẫn để điều đó xảy ra, nhiều khả năng sẽ có đến 600.000 người “cưới nhầm” người đồng tính. “Trong hôn nhân, hai người đến với nhau mà không có tình yêu đã là bi kịch, đến với nhau chỉ vì mục đích làm “bình phong” còn bi kịch hơn”- ông Bình nhấn mạnh, và tha thiết mong các nhà lập pháp xem xét vấn đề kết hôn đồng giới thêm một lần nữa trước khi các đại biểu Quốc hội đưa dự thảo luật ra Quốc hội thảo luận để thông qua.

Ở dự thảo luật lần này, pháp luật bỏ điều “cấm” nhưng lại thêm điều “không thừa nhận” kết hôn đồng giới. Theo cách hiểu thông thường, “cấm” nghĩa là “không được làm”, còn “không thừa nhận” nghĩa là “không làm được”. Người đồng tính đang hiểu về vấn đề này theo cách “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền” kết hôn đồng giới. Như vậy, quyền kết hôn đồng giới trở thành một quyền “treo” để chờ “quy hoạch” trong tương lai.

Đến dự hội nghị, Yến, 32 tuổi, một người đồng tính nữ trăn trở: “Tôi đang sống chung với một người cùng giới, đang cùng nhau nuôi một đứa con. Chúng tôi đã bỏ nhiều thời gian, tâm sức theo đuổi để đòi quyền cho mình. Dự thảo luật lần này khiến tôi hụt hẫng. Nếu cứ như vậy, tôi cảm giác những người đồng tính chưa được luật pháp bảo vệ. Hy vọng xã hội sớm thay đổi cái nhìn chung về người đồng tính”.

PGS. TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - chia sẻ: “Chúng tôi hiểu và cảm thông sâu sắc đến nguyện vọng của người đồng tính. Vấn đề kết hôn đồng giới cũng chỉ mới được thừa nhận ở một số ít các nước trên thế giới. Riêng Asian, cũng chưa có nước nào thừa nhận việc này. Các nhà lập pháp đang chờ sự đồng thuận của toàn xã hội. Chúng ta đã có được một bước tiến, đó là “không cấm”. Xu hướng đang diễn ra là sẽ sớm có bước tiến bộ hơn nữa”.

Tuy dự thảo luật lần này chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, nên “kết hợp dân sự” đối với những đôi đồng tính, để những phát sinh, tranh chấp trong cuộc sống chung của họ được pháp luật bảo vệ.

Dong thuan ve ket hon dong gioi, ban khoan ve mang thai ho

Ông Nguyễn Hữu Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế bày tỏ nhiều băn khoăn khi đưa nội dung "mang thai hộ" vào luật.

Mang thai hộ dễ biến tướng thành “phi vụ làm ăn”

Riêng vấn đề mang thai hộ (MTH), dự thảo luật lần này đã soạn thảo khá chi tiết. Điều 95 của dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) quy định: “Việc MTH vì mục đích nhân đạo là tự nguyện và phải được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ MTH khi có đủ các điều kiện: xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định chi tiết về việc lập hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, quyền và nghĩa vụ của hai bên…

Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số hạn chế như: chưa quy định rõ cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện MTH (cơ quan y tế, tư pháp hay có hội đồng riêng).

Việc cho phép MTH tại Việt Nam sẽ có ưu điểm là giá rẻ. Thế nhưng dự thảo luật không quy định rõ việc tiến hành MTH chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam hay người nước ngoài đến Việt Nam tiến hành cũng được. Nếu luật không cấm, sẽ có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam theo kiểu “du lịch sinh sản”, phát sinh nhiều hệ lụy.

Về việc cho phép người thân thích MTH là chưa được chặt chẽ, bởi nếu tiền hành, có người sẽ lách luật theo kiểu “thuê người khác mang thai, sau đó tạo mối quan hệ thân thích (như nhận làm em kết nghĩa chẳng hạn) để hợp thức hóa. Vì vậy, chỉ nên cho phép những người có họ trong phạm vi 3 đời MTH, để tránh việc MTH bị biến thành “phi vụ làm ăn”.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế thừa nhận: “MTH là nhu cầu có thật, nhưng vẫn đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược: không cho phép MTH và cho phép MTH. Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á về hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo, hiện trên toàn quốc có đến 18 bệnh viện thực hiện được việc này, có thể tạm gọi là đủ cơ sở y tế để hỗ trợ MTH. Tuy nhiên, không phải luật cho phép là tiến hành suôn sẻ ngay được. Bản thân tôi cũng cảm thấy băn khoăn nhiều điều. Ví dụ, thực tế phát sinh tình huống: một người mẹ MTH, vì quá thương đứa trẻ mà mình đã mang nặng đẻ đau, ôm con bỏ trốn chẳng hạn, phải bị xử lý theo điều luật nào? Một đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp MTH, nhưng có nét mặt không giống cha mẹ ruột, phát sinh mâu thuẫn, giải quyết ra sao? Chính vì vậy, các nhà lập pháp cần kĩ lưỡng hơn nữa trước khi ban hành luật”.

Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI