Bộ GD-ĐT không nên 'ôm' việc viết sách giáo khoa

07/11/2014 - 07:11

PNO - PN - Ngày 6/11 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo đánh giá của các nhà khoa học, dường như Bộ GD-ĐT đang quá nhấn mạnh đến SGK, trong khi lúc này điều đặc biệt cần làm rõ, cần định hình rõ là chuẩn của chương trình các lớp, xác định chuẩn tối thiểu cần đạt là cái gì thì lại không thấy. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, nghiên cứu chuẩn đầu ra phẩm chất và năng lực của các cấp học kèm theo đề án đổi mới vẫn thấy rất chung chung, không định lượng.

GS Thuyết ví dụ, chuẩn đầu ra về phẩm chất “nhân ái, khoan dung” ở tiểu học được quy định là “tôn trọng các dân tộc Việt Nam”, chuẩn ở THCS là “tôn trọng các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”, ở cấp THPT là “có ý thức học hỏi các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa trên thế giới”. Theo chuyên gia này, những yêu cầu này đều không có tính định lượng, rất khó cho biên soạn SGK, người chỉ đạo và người dạy. Vì thế trong lần đổi mới tới, Bộ GD-ĐT cần đầu tư biên soạn những chương trình hoặc chuẩn chương trình chi tiết làm cơ sở cho người biên soạn SGK, người chỉ đạo và người dạy, có như vậy mới đảm bảo được sự thống nhất giữa các bộ SGK và các cơ sở giáo dục dạy những bộ SGK khác nhau.

Liên quan đến phương án Bộ GD-ĐT sẽ chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK khác, không ít chuyên gia đều không đồng tình việc Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn SGK.

“Bộ là cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật… chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản (NXB) và các trường. Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận nhiều việc mà nay kiêm cả biên soạn SGK thì còn thời gian đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước?” - GS Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi.

Trước lo lắng, nếu không có tổ chức, cá nhân nào tham gia biên soạn SGK thì sao, GS Thuyết cho rằng, Bộ GD-ĐT nên giao việc biên soạn, xuất bản SGK cho NXB Giáo dục. Như vậy vừa phù hợp chức năng, vừa tạo điều kiện để đơn vị này thực hiện công việc bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, NXB khác.

DUNG NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI