Tôi đã từng lầm lỗi…

12/07/2016 - 12:50

PNO - Nếu thật lòng còn yêu thương vợ con thì có lỗi tới đâu cũng hãy cố gắng làm tròn trách nhiệm. Từ khi về sống với nhau, ngoài những khi đi công tác xa, tôi chưa bao giờ bỏ một bữa cơm nào của vợ.

Thời ấy tôi còn khá trẻ, công việc của một phóng viên ảnh khiến tôi phải tiếp xúc với nhiều phụ nữ. Ở nhà vợ tôi làm ảnh nên tôi thường mang phim về đưa cho cô ấy tráng. Vợ tôi rất quen với công việc của chồng, khi làm ảnh, cô ấy cũng thường “bình phẩm” với tôi cô này xinh, cô kia đẹp và không ghen tuông gì, vì hiểu rằng đó chỉ là công việc. Tính bà xã tôi rất hiền lành, thật thà, lại là người giữ uy tín trong công việc. Khi tôi làm phóng viên, bà xã luôn nhắc nhở: “Làm gì thì làm, đừng lạm dụng nghề nghiệp của mình, dù là một bữa ăn cũng không”.

Năm 1988 là năm diễn ra ca mổ Việt Đức ở bệnh viện Từ Dũ, tôi thường ra vào bệnh viện suốt cả tháng ròng để theo dõi, đưa tin, có khi ngủ lại trong bệnh viện, và tôi quen với một nữ bác sĩ ở đó. Với tôi, mối quan hệ lúc đầu chỉ là công việc, sau đó thì thành bạn bè. Tôi giúp cô bác sĩ việc này việc kia, đưa cô ấy đi làm giấy tờ, giúp mở phòng mạch, rồi thân thiết lúc nào không rõ.

Toi da tung lam loi…
Hiểu biết, thông cảm, tha thứ cho nhau giờ vợ chồng tôi có một tuổi già viên mãn

Ngày biết tôi có con với người phụ nữ khác, bà xã buồn, giận lắm. Nhưng cô ấy khéo giấu trong lòng, không làm lớn chuyện. Chỉ khi có khách tới làm ảnh “mách”: hôm nay tôi thấy ông ấy đi ăn sáng/ăn trưa với cô đó, ở đâu đó, khi tôi về nhà bả mới cằn nhằn. Nhưng bà xã tôi chưa bao giờ làm quá, không theo dõi, rình rập, không tới gặp cô kia để làm rõ chuyện, ghen tuông hay chửi bới gì. Có giận cũng chỉ một - hai ngày thôi chứ không kéo dài cả tuần cả tháng. Thậm chí có lần sinh nhật tôi, cô ấy còn đến chơi cùng với bạn bè, bà xã tôi cũng im lặng và ứng xử hết sức đàng hoàng nên tôi rất nể vợ.

Nhiều người từng thắc mắc hỏi: vì sao chuyện anh có người khác, rồi có con với người ta mà cuối cùng bà xã vẫn có thể chấp nhận, bỏ qua, không làm lớn chuyện như nhiều gia đình khác? Tôi nghĩ chắc bởi vì vợ chồng tôi yêu nhau từ thời học trò. Bị gia đình cấm cản mới dắt nhau đi rồi trở thành vợ chồng. Chẳng cưới xin lễ nghĩa gì, nhưng chúng tôi đã sống với nhau từ năm 1964, đến đó là hơn 20 năm, có sáu mặt con. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, đồng cam cộng khổ, thân lập thân. Với cả một quá trình gắn bó đó, chúng tôi vô cùng hiểu nhau. Bà xã hiểu tôi chắc còn hơn tôi hiểu chính bản thân mình. Với cái nghĩa nặng sâu đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ vợ, mà chắc bà xã tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện chúng tôi có thể bỏ nhau.

Thêm vào đó, khi tôi đi làm về cũng thường kể cho bà xã nghe những chuyện lùm xùm bên ngoài. Có anh bị đánh ghen, bị tố cáo, trách móc tới tận nơi công tác. Có những phụ nữ tới tận nơi làm việc của bồ hay của chồng làm um xùm, mất mặt chồng con, người yêu mình. Mà điều đó là đại kỵ. Có lẽ hiểu vậy nên bà xã tôi dù có giận mấy vẫn giữ uy tín cho chồng bên ngoài xã hội. Người ta thường bảo đàn bà thất thế, nghĩa là phải để chồng nuôi, sống lệ thuộc thì mới chịu nhịn trong những tình huống đó. Nhưng thời ấy thật ra tôi đi làm chưa có thu nhập bao nhiêu, hiệu ảnh của bà xã mới là nguồn nuôi sống gia đình. Nên tôi càng hiểu rằng, vợ tôi đã vì tôi, vì gia đình, vì các con nhiều lắm mới làm được như vậy.

Thật lòng khi đó tôi thấy khó xử lắm. Bạn bè trách giận khiến tôi ân hận vô cùng. Ánh mắt trách móc của các con làm tôi thấy mình là người có tội. Nhưng điều làm tôi buồn nhất là bà xã im lặng chịu đựng. Ngay cả khi giận lắm, bà xã tôi chỉ nói một câu: “Sao ông giúp người ta rồi lợi dụng họ?”. Tôi nghĩ bà xã đau lắm. Nên bà có cằn nhằn gì tôi cũng im lặng. Mình có nói gì cũng chỉ là quanh co, nguy biện. Trong câu chuyện đau buồn ngày ấy, tôi có một điều may mắn: cả hai người phụ nữ đều hy sinh cho tôi.

Bà xã tôi thì cố giữ uy tín cho chồng, không phải chỉ với cơ quan, đồng nghiệp, bạn bè mà cả với các con. Còn cô ấy thì không đòi hỏi tôi điều gì, thậm chí cả danh phận cũng không. Cô ấy tự làm việc, tự lo cho gia đình, con cái, chỉ cần tôi làm giấy khai sinh cho con mà thôi. Mẹ cô ấy còn nói với tôi một điều, rằng có lẽ cô ấy yêu khoa học, chỉ muốn có con chứ không muốn ràng buộc gì. Mọi chuyện cứ âm thầm diễn ra như thế, và nỗi đau lớn nhất, chắc chỉ gói gọn trong một câu vợ tôi từng nói ra ngày ấy: “Nỗi buồn này chỉ hết khi một trong ba người mất đi”.

Không biết có phải câu nói ấy như một điềm báo trước mà người phụ nữ kia bệnh nặng rồi mất sớm, khi đứa con còn rất nhỏ. Khi cô ấy mất, vợ tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ đưa tiền cho tôi làm đám tang, như đó là một phần trách nhiệm cả gia đình cùng phải lo. Các con tôi cũng đưa tiền cho bố, rồi xúm lại cùng lo, đứa quay phim, đứa chụp hình… Con của tôi với cô ấy sau đó về sống với bên ngoại nhưng tôi vẫn chăm sóc chu đáo. Những cách cư xử đẹp đẽ, khiến bên gia đình cô ấy hài lòng đều phát xuất từ bà xã của tôi. Từ đó đến nay, năm nào vợ tôi cũng cùng tôi lên thăm mộ cô ấy đôi ba lần, vào dị p tết, Thanh Minh.

Đã 11 năm trôi qua sau ngày cô ấy đi xa, mọi chuyện khép lại một cách nhẹ nhàng. Cuộc sống của vợ chồng tôi những năm này rất bình yên, hạnh phúc. Tôi đến tuổi nghỉ hưu từ nhiều năm trước, bà xã cũng giao hiệu ảnh lại cho con cháu, vợ chồng cùng nhau tận hưởng những ngày tháng thong thả. Đã có lúc bà xã bệnh nặng, khiến tôi và cả gia đình vô cùng hoảng sợ. Bởi tôi hiểu được giá trị, vị trí của vợ trong cuộc sống của mình. Nhưng chắc vợ tôi “ở hiền gặp lành” nên mọi việc đều qua.

Vợ chồng tôi vẫn còn sức để rong ruổi đường dài, trên những chuyến xe du lịch, đi qua các vùng miền của đất nước. Chính trong những chuyến đi ấy, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhau nhiều hơn, và quá khứ đôi khi cũng là một câu chuyện được nhắc lại. Bà ấy thường chỉ nhẹ nhàng trách tôi: “Ông hay giúp người, tôi hiểu, nhưng giúp người ta thì đừng lợi dụng họ. Ông làm cô ấy mất cả sự nghiệp”.

Nhiều người hỏi tôi “bí quyết” để giữ được gia đình qua cơn sóng gió lớn như vậy. Tôi nghĩ chẳng qua là mình may hơn nhiều người vì có hai người phụ nữ như vậy trong cuộc đời. Tôi nghĩ làm người, ai cũng có lúc mắc lỗi, lỗi của đàn ông thường khi là chuyện “lạc lòng”. Trong chuyện như vậy thì chắc chắn là mình có lỗi rồi, chịu cằn nhằn, trách móc một chút cũng là… đáng. Cứ để cho “người ta” xả hết những buồn khổ, tức giận trong lòng. Đừng thanh minh, đổ thừa hay tự bảo vệ mình, chỉ làm cho câu chuyện bùng nổ lớn hơn, hậu quả khó lường. Nếu thật lòng còn yêu thương vợ con thì có lỗi tới đâu cũng hãy cố gắng làm tròn trách nhiệm. Từ khi về sống với nhau, cho đến tận bây giờ, ngoài những khi đi công tác xa, tôi chưa bao giờ bỏ một bữa cơm nào của vợ.

Mới cách đây mấy hôm, bà xã đưa tôi hai triệu để mang sang nhà ngoại mấy đứa nhỏ, chuẩn bị làm đám giỗ lần thứ 11 cho cô ấy…

Song Văn (Theo lời kể của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Công Thành)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI