Kiên trì

04/08/2014 - 17:19

PNO - PN - Kính gửi cô Hạnh Dung! Con 23 tuổi, quen bạn trai đã hơn một năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hai đứa rất yêu nhau nhưng gia đình anh không thích con vì con là người gốc thành phố, anh là dân tỉnh lẻ. Gia đình con cũng không chấp nhận anh vì lý do tương tự. Cách đây không lâu, con và anh tưởng chừng đã chia tay vì gia đình anh có thái độ xem thường con khiến con rất đau khổ. Cũng vì vậy, con tuyên bố với gia đình mình là đã chia tay anh. Sau đó, con và anh cảm thấy không thể sống thiếu nhau nên đã quay lại, lén lút yêu nhau đến giờ, không dám cho gia đình con biết. Anh ấy khuyên con về giải thích cho gia đình hiểu là anh không bị gia đình tác động nhưng con không dám vì gia đình con rất vui khi con chia tay anh, nếu biết hai đứa vẫn còn qua lại sẽ rất giận. Con nói dối anh là đã giải thích, gia đình con đã bỏ qua chuyện đó. Gần đây, anh tính chuyện hôn nhân và biết được sự thật gia đình con vẫn không chấp nhận anh. Chúng con không biết phải làm thế nào. Con rất yêu, không thể từ bỏ anh nhưng cũng không thể quay lưng với gia đình và anh cũng không muốn điều đó xảy ra. Cô giúp con một lời khuyên.

Hằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Kien tri

Cháu Hằng mến,

Chắc hai cháu cũng biết, nếu hai cháu yêu thương và tự nguyện đến với nhau thì không ai, kể cả cha mẹ, có quyền ngăn cản việc kết hôn của hai cháu. Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ: “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở” (mục 2, điều 9, chương II). Tuy nhiên, các bạn trẻ không ai muốn và cũng không nên tự ý kết hôn bất chấp hai bên gia đình. Đó chỉ là giải pháp cuối cùng, khi đã cố gắng hết sức và không còn lối thoát nào khác.

Với chuyện của hai cháu, lời nhắn gửi của Hạnh Dung chỉ gói gọn trong hai chữ: kiên trì. Phải kiên trì thuyết phục gia đình hai bên chấp nhận sự chọn lựa của hai cháu. Cái lý do hai bên đưa ra để không chấp nhận là quá mơ hồ, thiếu thuyết phục, bởi không xuất phát từ một khiếm khuyết cụ thể nào đó về năng lực, học vấn, tính cách của cả hai cháu. Cũng chính vì sự mơ hồ đó, Hạnh Dung nghĩ, hai cháu có rất nhiều hy vọng sẽ làm cho hai bên gia đình nhìn lại, thay đổi cách đánh giá. Vấn đề nằm ở chính bản thân hai cháu. Nếu thiếu kiên trì, không bền lòng với sự lựa chọn của mình, mới gặp khó khăn đã chùn bước, không dám bảo vệ tình yêu chân chính của mình, chắc chắn hai cháu sẽ mất nhau.

Lúc này, nếu đã tính đến chuyện kết hôn, cháu không nên tiếp tục che giấu gia đình chuyện hai cháu vẫn đang giữ tình yêu với nhau. Hai cháu nên chọn lúc nào đó thích hợp để công khai mọi chuyện với gia đình hai bên; tìm lời lẽ nhẹ nhàng nhưng cương quyết để “đấu tranh” với cha mẹ, chứng minh hai cháu chọn nhau là đúng, là xứng đáng. Khi thấy tình hình có vẻ căng thẳng thì tạm gác lại, đợi lúc khác. Một lần chưa được thì nhiều lần, thuyết phục mãi đến khi được mới thôi. Để làm cho người lớn chịu thay đổi cái nhìn, chịu chấp nhận một điều mà trước đó họ đã không chấp nhận không hề là việc đơn giản. Có khi một năm chưa được thì hai năm, ba năm… Hai cháu mới quen nhau chưa lâu, cháu lại còn rất trẻ, vài năm nữa cháu kết hôn cũng đâu đã muộn, không có gì phải vội vàng.

Đồng thời với việc thuyết phục bằng lý lẽ, hai cháu cũng phải nỗ lực chứng minh bằng thực tế với gia đình là người này thật sự yêu thương và cần có người kia, hai cháu có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Phải làm cho gia đình cháu thấy rõ anh ấy là người tốt, có công việc, thu nhập có thể đảm bảo cho gia đình nhỏ của hai cháu sau này; làm cho gia đình anh ấy không thể bác bỏ việc cháu hoàn toàn có thể là một người con dâu, một người vợ tốt, cũng có năng lực, có công việc ổn định, không phải là người ỷ lại, lười biếng, chỉ biết sống dựa vào chồng… Khi các cháu đã bằng cả lý lẽ và thực tế chứng minh các cháu chọn nhau là đúng, gia đình không thể phản bác được. Chúc hai cháu sớm được bên nhau trong sự đồng thuận của gia đình.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI