Thuận, hòa... muộn!

12/05/2016 - 14:20

PNO - Ông bà nội sinh lần lượt bảy cô con gái. Bà muốn ngừng sinh nhưng ông vẫn hy vọng kiếm được đứa con trai nối dõi.

Niềm hạnh phúc ngập tràn khi bà mang thai đôi, sinh hai bé trai kháu khỉnh. Chú Út Anh tính chân chất cục mịch, không được sáng dạ nên chỉ học đến lúc biết đọc, biết viết. Chú Út Em nhanh nhẹn thông minh, giỏi giang hơn anh trong mọi lĩnh vực. Nồi nào úp vung nấy, hai thím dâu của tôi tính cách tương tự như chồng.

Con gái lần lượt theo chồng, nhà chỉ còn hai con trai, kinh tế gia đình khá ổn, nên bà nội bảo vợ chồng chú Út Anh không cần ra riêng. Song mọi việc không như bà nghĩ. Từ khi sống chung, hai thím dâu chưa bao giờ hòa thuận. Cả hai thường xuyên gây gổ, có yên ắng thì cũng kiểu “bằng mặt không bằng lòng”. Ông bà rầu rĩ vì quanh năm suốt tháng cứ phải làm trọng tài giải quyết mâu thuẫn và bị giằng co níu kéo giữa hai “thế lực” trong nhà.

Phía nào cũng là con, làm người trung lập thật khó, nhưng đâu thể nghiêng hẳn về ai. Có lúc mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, cả hai nàng dâu đều không muốn sống cùng cha mẹ chồng nữa. Thím Út Em đòi ra riêng. Thím quyết liệt, dù mọi người nhiều lần nhắc nhở con trai út phải có trách nhiệm ở lại từ đường thờ cúng tổ tiên. Cầm chân con dâu không xong, cuối cùng ông bà đành lo cho vợ chồng chú Út Em một căn nhà riêng.

Thuan, hoa... muon!
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Từ khi ra riêng, vợ ở nhà lo nội trợ, chồng chí thú buôn bán làm ăn, gia đình chú Út Em nhanh chóng làm nên sự nghiệp. Thuận thời, chẳng mấy chốc, vợ chồng chú đã có của ăn của để, hơn hẳn các chị em. Chú Út Anh và vợ thì cần mẫn canh tác mấy công ruộng thừa kế, thêm làm mướn làm thuê, cuộc sống tạm ổn, tinh thần thoải mái, dù nghèo nhất trong số chín chị em.

Ông bà qua đời, việc thờ cúng giao lại cho vợ chồng Út Anh. Năm nào gia đình tụ họp cúng giỗ, thím Út Anh cũng than thở chuyện đáng lẽ đó là trách nhiệm của vợ chồng chú Út Em. Thím bảo tại mình khờ nên em dâu qua mặt, trút lên vai gánh nặng. Anh em ruột thịt sát vách nhà mà cứ như người dưng nước lã. Mọi người nghe chuyện chỉ biết lặng lẽ thở dài.

Một buổi chiều, người hàng xóm hớt hơ hớt hải chạy đến nhà la toáng lên: “Út Em bị xỉu ngoài đường, đang cấp cứu ở bệnh viện”. Biết em dâu đã đến trường đón cháu nên chú Út Anh vội vàng phóng xe thẳng đến bệnh viện. Hôm đó, thím Út Anh đong thêm lon rưỡi gạo khi nấu cơm chiều. Đứng sẵn nơi đầu ngõ đón em dâu, thím hốt hoảng: “Để cháu ở nhà chị lo. Cơm chín sẵn, thím vào ăn ba hột rồi nhanh vô bệnh viện coi chồng sao rồi”. Thím Út Em thất thần, răm rắp làm theo lời chị dâu.

Để duy trì sự sống mong manh của chồng, thím Út Em phải bán dần tài sản. Dù biết chứng ung thư máu của em đã đến giai đoạn khó chữa, mấy chị em vẫn chung tay đóng góp vật chất và vận động con cháu xét nghiệm nhóm máu để sẵn sàng hiến máu khi cần. Cực nhất là vợ chồng chú Út Anh, nhưng mọi hiềm khích đều tan biến, chồng thường xuyên túc trực ở bệnh viện, vợ chăm sóc đưa đón cháu đến trường. Tuy lanh lợi nhưng quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà nội trợ nên thím Út Em chưa thể tiếp nhận việc kinh doanh của chồng. Vậy là chị dâu thăm hỏi khắp nơi để tìm khách hàng cho em. Chính thím thuyết phục chồng cầm cố miếng đất hương hỏa, lấy tiền phụ em chạy chữa.

Bệnh ngày càng trở nặng, chú Út Em không cầm cự được nữa. Ngôi nhà ông bà nội xây cho cũng bị bán đi. Sau tang lễ, thím Út Em gom góp phần tiền còn lại chuộc đất trả anh chị. Thím dự định đưa con về nương náu bên ngoại. Vợ chú Út Anh can ngăn và bàn với chồng chuyện đón mẹ con em dâu về sống chung. Theo lời vợ và các chị, chú Út Anh dựng một vách tường chia đôi căn nhà lớn, trổ thêm cánh cửa ra vào để mỗi gia đình sinh hoạt được thoải mái, riêng tư.

Có lẽ hơi muộn màng, bởi phải tới lúc hoạn nạn anh em mới biết bảo bọc, thương yêu nhau, nhưng gia đình tôi ai cũng yên dạ, chắc hẳn ông bà nội nơi chín suối đã có thể mỉm cười khi thấy hai cô con dâu đã thuận hòa, lo lắng cho nhau.

Việt Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI