Ngoại khổ nhiều rồi, con cố gắng đừng sống như ngoại

15/10/2019 - 18:30

PNO - Tôi nhớ như in đôi mắt đỏ hoe, những nếp nhăn rúm ró trên gương mặt ngoại. Xe chạy rồi, ngoại vẫn còn nói với theo: “Nhất định phải thành nhân trước khi thành danh nha con!’’.

Năm nay là năm đầu tiên tôi đi học xa nhà. “Con nhỏ chưa bao giờ đặt chân ra tỉnh, giờ sắp phải lên tận Sài Gòn’’ - ngoại nhìn tôi ái ngại. Ở quê, mọi thứ với tôi quá đỗi bình thường và thinh lặng. Tôi thèm cái ồn ào, náo nhiệt nơi phố thị. Trong đầu tôi là những hình dung về một cuộc sống phồn hoa đô hội mà tôi chỉ được biết đến qua báo chí, phim ảnh. 

Trong nỗi nhớ của một người con xa quê, thường là hình ảnh người mẹ hiền dang rộng vòng tay chào đón. Với tôi, hình ảnh ấy là ngoại, là nụ cười móm mém hiền từ bên mảnh vườn nhỏ. Trong khu vườn ấy, từng cành cây ngọn cỏ đều thấm đẫm tình yêu của ngoại. 

Ngoai kho nhieu roi, con co gang dung song nhu ngoai
Ngoại tôi bên liếp rau vườn nhà.

Lúc ông ngoại hy sinh, mẹ tôi chỉ mới ba tuổi, còn cậu út thì mới sinh được sáu tháng. Không lâu sau, cậu cũng mất trong lúc gia đình chạy loạn vì bệnh không có điều kiện chữa trị. Mất chồng chưa được bao lâu, giờ thêm nỗi đau mất con, ngoại dường như gục ngã.

Nhưng khi nhìn mẹ tôi, ngoại thương con nhỏ côi cút, biết sống sao trong tình cảnh đất nước loạn lạc, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Ngoại cố gắng giữ lại chút hy vọng sống cho mình. Đau đớn là thế, khó khăn là thế, nhưng không lúc nào ngoại đầu hàng số phận, cố gắng làm lụng, thờ chồng, nuôi con mấy mươi năm ròng rã.

Hòa bình lập lại, tài sản duy nhất của hai mẹ con chỉ là cái chuồng bò nhỏ, hai cái xoong và một cái giường để ngủ. Trời không phụ người có lòng, cuối cùng sau mấy mươi năm, ngoại cũng tạo dựng một căn nhà nhỏ khang trang, một chỗ thờ phượng đàng hoàng cho người chồng hy sinh anh dũng của mình.

Ngày còn nhỏ, tôi rất nghịch ngợm, phá phách, nhưng ngoại không bao giờ đòn roi mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Lúc đó, tôi không hiểu hết những gì ngoại nói, chỉ thấy mỗi lần tôi làm vỡ đồ đạc là ngoại buồn lắm. Lớn lên, hiểu chuyện rồi tôi mới biết, với ngoại, đó không chỉ đơn giản là một món đồ, mà còn là bao nhiêu mồ hôi công sức, những kỷ niệm, tình cảm chắt chiu ngoại dồn vào đó.

Ngày tôi còn bé, mỗi ngày ngoại đều đặn dắt tôi đến trường. Là chị cả trong một gia đình đông anh em, ngoại chỉ được học ít chữ, thời gian còn lại, ngoại phải chăm em hoặc theo cha mẹ ra đồng. Thấu hiểu chuyện cái nghèo sẽ đeo bám khi không có cái chữ, nên ngoại càng chú tâm vào việc học của cháu con.

Còn nhớ một lần tôi nhất định không chịu đi học, ngoại vẫn kiên quyết bế xốc tôi đến trường, mặc tôi khóc lóc, vùng vẫy. Vào lớp, ngoái lại nhìn ngoại, thấy đôi bàn tay gầy gò của ngoại run rẩy, gương mặt già nua tái đi vì mệt, tôi hối hận và xấu hổ vô cùng.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, tôi về lại quê mình với một cảm giác nôn nao thôi thúc kỳ lạ. Tôi biết mình nhớ ngoại. Gặp bà, tôi như vỡ òa và không rời ngoại kể từ giây phút đó. Tôi cứ lúi húi chạy theo ngoại như hồi còn lẫm chẫm. Chỉ vào dây mướp, ngoại cười tít mắt: “Dây đó trồng cho bây’’.

Ngoai kho nhieu roi, con co gang dung song nhu ngoai
Ảnh minh họa

Mẹ bảo từ hồi tôi lên Sài Gòn, ngoại cứ nhìn giàn mướp trĩu quả mà lắc đầu chặc lưỡi. Ngoại tiếc khi phải ăn những thứ dành riêng cho cháu mình. Bữa cơm bên ngoại bao nhiêu là món ngon, ngoại cứ gắp cho tôi đầy ụ một chén. Đến giờ, làm sao tôi có thể quên được hương vị ấy, cái vị yêu thương thấm tận tim tôi. 

Trước lúc lên xe về lại thành phố, ngoại dúi vào tay tôi một xấp gì đó được gói trong giấy báo rất cẩn thận: “Cầm mà làm vốn đi con’’. Thì ra đó là lý do ngoại nhịn ăn nhịn mặc lâu nay, thậm chí không dám sắm sửa bất cứ thứ gì trong nhà. Rồi ngoại tiếp: “Ngoại không ước ao con có thể làm ông này bà nọ như người ta, chỉ mong con có được cái nghề để nương nhờ tấm thân sau này. Ngoại đã khổ nhiều rồi, con hãy cố gắng đừng sống cuộc đời như ngoại’’.

Tôi nhớ như in đôi mắt đỏ hoe, những nếp nhăn rúm ró trên gương mặt ngoại. Sợ tôi thấy, ngoại nhanh tay rút chiếc khăn nhỏ trong túi áo ra lau vội. Xe chạy rồi, ngoại vẫn còn nói với theo: “Nhất định phải thành nhân trước khi thành danh nha con!’’. 

Tôi nợ ngoại ngàn lời cảm ơn và cả lời xin lỗi. Cảm ơn ngoại đã cho con động lực, đã yêu thương con vô bờ bến, và là chỗ dựa ấm áp nhất đời con.

Nguyễn Huỳnh Hương 

(SV Trường đại học Tôn Đức Thắng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI