Sao bố mẹ cứ luôn 'gầm gừ ' với con?

07/11/2014 - 06:55

PNO - PN - Những buổi tối gần đây, cứ đến tầm bảy giờ, tôi lại nghe tiếng la khóc của thằng bé hàng xóm, cách nhà tôi vài căn. Kèm theo tiếng nức nở ấy là tiếng gầm gừ đầy giận dữ của người lớn. Tuy chẳng xa lạ gì chuyện này...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi chuyện này vừa mới xảy ra, do không rõ sự tình nên tôi chạy qua nhà hàng xóm tính nói đỡ cho thằng bé. Lúc bước gần đến nơi, tôi nghe tiếng la của mẹ nó vang vọng: “Mày ăn gì mà ngu thế hả? Hai cộng một bằng ba, mà một cộng hai cũng bằng ba, đơn giản vậy mà không biết. Giờ đã hiểu chưa? Làm lại tao coi coi!”. Biết thằng bé đang học nên tôi quay về vì thấy không tiện chen vào. Vậy mà về chưa được bao lâu lại nghe tiếng gào khóc, tiếng quát tháo, khiến tôi nhấp nhỏm không yên, lại phải chạy qua can.

Mẹ thằng bé vừa thấy tôi đẩy cửa rào đã la lên kể tội con mình: “Chị xem nó dốt chưa này. Có bài toán cộng đơn giản mà làm cả buổi chưa xong, trong khi bài này hôm qua đã làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần”.

Tôi kéo tay người mẹ ra ngoài cổng đứng cho hạ… hỏa. Đợi cô ấy bình tĩnh lại, tôi nhỏ nhẹ khuyên giải: “Dạy con nít không gấp gáp được đâu. Mình càng lớn tiếng tụi nhỏ càng sợ hãi. Mà khi đã sợ rồi thì chẳng suy nghĩ được gì. Như Bin nhà chị đây này, nhiều khi có một bài toán mà dạy hoài không hiểu, nói cách nào cũng không hiểu. Nhưng sang hôm sau, chỉ cần giảng qua một lần bé lại hiểu ngay và còn tính ra kết quả rất nhanh”.

Cô hàng xóm không đồng ý: “Chị nói thế vì con chị thông minh sẵn. Còn con em nó chậm hiểu, dạy kiểu như chị thì chỉ có nước sau này nó đi bán vé số”. Nói xong cô ấy quay lưng đi vào nhà, bỏ tôi đứng lại hụt hẫng nhìn theo.

Sao bo me cu luon 'gam gu ' voi con?

Chuyện học hành của hai mẹ con nhà hàng xóm làm tôi liên tưởng lại chính mình ngày xưa, luôn bị no đòn mỗi khi học toán cùng bố. Giờ làm bài tập ở nhà với tôi thật đáng sợ. Nỗi kinh hoàng đeo đuổi tôi cả trong những giấc mơ. Những trận đòn kèm theo những lời xỉ vả “đồ ngu”, “đồ dốt” đã làm tôi sợ hãi, căm ghét môn toán. Để tránh né bố, tôi thường lấy những môn học bài ra học. Dù đã thuộc làu làu tôi vẫn ngồi đọc ra rả cho đến khuya để bố khỏi bắt lấy bài tập toán ra làm. Hậu quả là tôi bị mất căn bản môn toán nặng nề.

Nghiêm trọng nhất là năm lớp 12 tôi suýt bị thi lại. Rất may vì là năm cuối cấp nên cô giáo thương tình “vớt” cho tôi vừa đủ điểm để thi tốt nghiệp. Nếu không, chắc tôi đã bỏ ngang việc học nửa chừng vì chán nản.

Còn nhớ năm học cấp II, tôi luôn ước ao mình có một người bố tâm lý như bố của cô bạn thân. Những lần đem tập qua nhà bạn ấy học chung, tôi thấy bố bạn ấy giảng bài cho con gái rất nhẹ nhàng và kiên nhẫn. Thậm chí nhiều lúc bài kiểm tra toán của bạn bị điểm kém, bác ấy biết được cũng chỉ cười, trách yêu con gái không chú tâm. Chẳng bù với tôi, bài kiểm tra toán nào khi phát ra tôi cũng nơm nớp lo sợ rồi tìm cách giấu biến. Bởi chỉ cần để bố bắt gặp những điểm số dưới năm thì tôi chuẩn bị tinh thần mà đón nhận cơn thịnh nộ. Đừng hy vọng hão huyền rằng bố chỉ cười và bảo lần sau cố gắng hơn.

Chính vì trải qua kinh nghiệm đau thương đó mà khi làm mẹ, tôi hiểu cách dạy bằng bạo lực không đem đến kết quả như ý. Dù là dạy con cách sống hay dạy con học hành thì thái độ mềm mỏng, lời lẽ nhẹ nhàng vẫn làm trẻ tiếp thu nhanh hơn và nhớ lâu. Để làm được việc này, người lớn phải kiên nhẫn và đừng áp đặt suy nghĩ bản thân lên đứa trẻ. Nói thì rất dễ nhưng ngay chính tôi cũng không tránh khỏi những lúc nổi nóng với con mình trong lúc dạy học. Tuy vậy, tôi tránh không dùng những lời lẽ nặng nề đay nghiến con, vì điều đó chẳng giúp con nhận ra vấn đề mà chỉ làm cho tình cảm mẹ con thêm rạn nứt.

 BÚT NAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI