“Mẹ ơi, con không thích ăn cơm”

22/11/2014 - 12:01

PNO - PNCN - Nếu những lời này được thốt ra từ vẻ mặt hết sức đau khổ của con mình thì các mẹ tính sao? Hẳn nhiều mẹ sẽ đưa ra gợi ý để bé chọn, chẳng hạn như: bún, phở, nui, bánh mì… Cũng sẽ có một số mẹ ra sức dỗ dành...

edf40wrjww2tblPage:Content

Điều tôi muốn hỏi là, nếu con của mẹ chẳng ăn được gì khác ngoài món cháo, dù sắp năm tuổi, thì các mẹ tính sao? Chắc hẳn các mẹ sẽ nói: “Sao không tập cho bé ăn cơm từ nhỏ?”. Dĩ nhiên là tôi có tập, nhưng vì sao thất bại thì tôi không biết.

Con trai bước sang tháng thứ tám, tôi đã kịp thời áp dụng phương pháp ăn dặm. Thời gian đầu khi làm quen với cháo loãng và đồ ăn rây mịn thì mẹ con tôi thật sự ổn. Bé thích thú nếm và ăn hết cả chén. Chỉ đến khi bước sang giai đoạn cháo đặc và đồ ăn thô thì cả con lẫn mẹ đều mệt mỏi. Thằng bé nhè ra mọi thứ. Suốt một tuần như thế, tôi chịu thua và quay lại nấu cháo loãng, nhừ cho con.

Con tròn mười bốn tháng, tôi chưa kịp vui mừng khi thấy con bắt đầu chịu nhai cơm nát thì đã phải đau lòng đưa con nhập viện vì lý do nhiễm trùng máu. Gần một tháng bé nằm viện, tôi chỉ có thể cho con ăn cháo dinh dưỡng.

“Me oi, con khong thich an com”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tưởng rằng sau khi ra viện, con tôi sẽ dễ dàng làm quen lại với cơm, nhưng nào ngờ ngoài cháo ra, bé nhất mực không ăn gì khác. Đau khổ hơn là với cháo tôi nấu, chỉ mới nghe mùi thằng bé đã... nôn ọe. Nếu cứ gắng ép bé ăn vào một hai muỗng thì cả sữa uống từ trước cũng bị ói sạch.

Một mặt tôi phải tiếp tục cho bé ăn cháo dinh dưỡng mua ở ngoài, mặt khác tôi lên các diễn đàn hỏi thăm cách nấu cháo. Có rất nhiều ý kiến và đường link của các mẹ chia sẻ về cách ăn dặm. Tôi đọc hoa cả mắt, vì có quá nhiều “trường phái” và ai cũng cho rằng mình đúng nhất. Tôi cẩn thận ghi chép lại những công thức được các mẹ “cảm ơn” hay “like” nhiều nhất, vì biết đâu một trong những cách đó lại hợp khẩu vị con mình.

Cứ cách hai tuần, tôi lại áp dụng một công thức mới cho bé và kiên nhẫn nấu thêm ba ngày. Nhưng lần nào cũng như lần nấy, thằng bé gào lên, lấy tay bịt miệng, bịt mũi, lắc đầu nguầy nguậy. Bố mẹ tôi thấy thế thì xót cháu, bảo cứ ra tiệm mua, con người ta cũng ăn cháo dinh dưỡng mà lớn phổng có sao đâu. Phần vì nghe lời người lớn, phần thương con nên tôi dẹp luôn chuyện nấu cháo. Hy vọng rằng khi thằng bé đến tuổi học mầm non, cô giáo sẽ giúp tôi tập cho bé ăn cơm.

Vậy khi bé đi học thì sao? Cô giáo lo lắng kể, những món khác thì bé ăn hết phần, riêng cơm chan canh thì nhất quyết chỉ húp nước, dù cô dỗ dành thế nào. Vì thế mà tuy đã gần năm tuổi nhưng con tôi bé như cây kẹo với số ký tròn mười ba.

Nhìn con còi cọc so với chúng bạn, tôi rất buồn và hoang mang. Làm sao để con chịu ăn cơm? Dĩ nhiên phải tập cho bé làm quen lại từ đầu với cháo đặc. Nhưng làm thế nào để tập khi con tôi nhất quyết không ăn đồ mẹ nấu? Tôi quá mệt mỏi và bế tắc!

 BÚT NAM

BÉ BIẾNG ĂN CÓ THỂ DO THIẾU VI CHẤT

Trẻ đang phát triển thường có vấn đề về bệnh tật, rối loạn tâm sinh lý và rối loạn ăn uống, nếu để kéo dài thường hình thành các thói quen khó sửa. Tốt nhất chị nên đưa cháu đi khám dinh dưỡng. Do ăn uống không đủ, có thể cháu sẽ thiếu một số vi chất gây tình trạng biếng ăn. Cháu cần được xét nghiệm để xem có bệnh tật hay thiếu máu, thiếu kẽm… hay không, đồng thời khảo sát khẩu phần xem cháu ăn có đủ và cân đối các chất theo yêu cầu chưa, khám xem cháu có bệnh tật hay rối loạn tâm sinh lý kết hợp… Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán, điều trị kết hợp với việc hướng dẫn chế biến thức ăn đủ chất và hợp khẩu vị.

Chị nên tập chuyển dần chế độ ăn cho cháu từ cháo đặc thành ăn cơm mềm. Thực phẩm cho một bữa cơm cần phong phú, đa dạng, đủ các nhóm chất: cơm; thịt, cá, trứng, tôm, đậu hủ, đậu, mè, hải sản (sò, ốc, cua, hàu, cá, tép); dầu, mỡ; rau quả các loại, nước mắm… Chế biến thành nhiều món thay đổi: canh, kho, xào, hầm giúp bé không bị ngán. Chị nên để cho bé đói rồi tập cho bé ăn cơm trước, lúc đầu cho ăn ít và tăng dần, mỗi lần bé ăn được, nên khen ngợi và động viên nhưng tránh ép ăn, sau đó mới cho uống sữa.

Chúc chị và các ông bố, bà mẹ thành công khi giúp con vượt qua chứng biếng ăn!

TS-BS NGUYỄN THANH DANH (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI