Đi theo đường của mẹ

07/05/2016 - 07:35

PNO - Có những người mẹ không ngừng sục sôi hai chữ “cống hiến” đã dốc lòng trao truyền cho con những điều thiêng liêng nhất đời mình.

Di theo duong cua me
Nhà sinh học Pierre Joliot-Curie được mẹ và bà ngoại truyền cảm hứng tình yêu khoa học - Ảnh: BG.AGH.EDU.PL

Con cái vốn là “của để dành”, nguồn cảm hứng bất tận của người làm cha, làm mẹ. Có những người mẹ không ngừng sục sôi hai chữ “cống hiến” đã dốc lòng trao truyền cho con những điều thiêng liêng nhất đời mình.

Lịch sử các kỳ Olympic từng chứng kiến 56 lần các cặp vận động viên là bố và con trai cùng thi đấu; 12 lần bố và con gái; nhưng chỉ có hai lần mẹ thi đấu cùng con gái. Tại Thế vận hội sắp diễn ra ở Rio de Janeiro (Brazil) hè năm nay, người hâm mộ sẽ lần đầu tiên chứng kiến cặp vận động viên là mẹ và con trai. Họ là Nino Salukvadze (47 tuổi) và Tsotne Machavarian (18 tuổi), đến từ Georgia, cùng có mặt trong đội bắn súng.

Cái tên Nino Salukvadze không xa lạ với làng thể thao thế giới. Thế vận hội sắp tới là lần thứ tám bà tham gia. Bà từng ba lần đoạt huy chương, nổi bật nhất là huy chương vàng bắn súng cự ly 25m tại Olympic 1988 ở Seoul (Hàn Quốc). Nino tâm sự: “Bố là người phát hiện ra niềm đam mê của tôi và giờ đây, tôi trao niềm đam mê ấy cho con trai. Từ nhỏ, Tsotne đã chăm chú quan sát mẹ tập luyện và thường xuyên hỏi thăm tôi tập gì. Có lẽ con nhìn thấy tình yêu của tôi với môn bắn súng quá lớn”.

Với một nữ vận động viên, niềm vui nhân lên hàng trăm lần khi con trai là đồng đội, cùng mẹ vượt qua những cuộc đấu căng thẳng cả về cân não lẫn thể chất sắp tới. Nino chia sẻ, bà không có bí quyết nào, cũng không hề gò ép con ngoài việc cho con cảm nhận một cách tự nhiên nhất niềm đam mê, tâm sức của mẹ.

Có lẽ, điều mà hầu hết người mẹ mong đợi ở con không phải thành tích sáng chói mà tận sâu trong trái tim họ là ước mong nhìn thấy con hạnh phúc với đường đời con chọn lựa. Khi nữ bác sĩ (BS) Etheldreda Nakimuli-Mpungu (42 tuổi, người Uganda) khoe với mẹ tấm bằng đại học ngành y, mẹ cô chỉ nói: “Tốt đấy. Nhưng con không chỉ học để trở thành một BS đâu con gái ạ. Có những BS thoáng xuất hiện và không làm con sống tốt hơn. Mẹ muốn con thành một BS giúp mọi người sống tích cực hơn”.

Ra trường, kinh qua khoa ngoại, khoa nhi rồi sau cùng được điều chuyển đến một bệnh viện tâm thần, Etheldreda luôn khắc ghi lời mẹ, rằng mình không chỉ là BS chữa bệnh mà còn phải biết vực dậy tinh thần cho bệnh nhân. Khi làm việc ở đây, cô phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần rất nặng chính là bệnh nhân nhiễm HIV trước đó. Etheldreda đã đào sâu nghiên cứu, thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ bệnh nhân HIV rối loạn tâm thần.

15 năm qua, Etheldreda đã góp rất nhiều báo cáo, công trình nghiên cứu hỗ trợ bệnh nhân HIV vượt qua cú sốc tâm lý để điều trị bệnh. Năm ngoái, chị là một trong những BS nhận giải thưởng Quỹ Elsevier dành cho các nhà khoa học nữ có công trình đóng góp vì sự phát triển của thế giới. Chia sẻ trong lễ nhận giải thưởng, Etheldreda xúc động: “Mẹ đã cho tôi tài sản lớn nhất đời, đó là tấm lòng với công việc. Càng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, tôi càng hiểu thấu lời mẹ, dù theo đuổi công việc gì thì cái đích cuối cùng vẫn nên là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Chọn sứ mệnh cống hiến cho khoa học, nhà sinh học người Pháp Pierre Joliot-Curie (84 tuổi) sống trọn vẹn với tình yêu nghề nghiệp vốn được kế thừa từ mẹ, nhà khoa học Irene Joliot-Curie và bà ngoại, nhà hóa học nổi tiếng Marie Curie. Ông theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu năm 24 tuổi, trở thành cố vấn về khoa học cho Thủ tướng Pháp từ năm 1985-1986, là một trong những nhân vật có tiếng nói quyết định trong ngành khoa học của Pháp.

Có mẹ và bà ngoại là những nhà khoa học lừng danh, chủ nhân của giải Nobel danh giá, ông Pierre Joliot-Curie trải qua tuổi thơ “học mà chơi”. Mẹ luôn tạo điều kiện cho con trai thỏa sức khám phá, đó mới là tố chất cần có của một nhà khoa học - không ngừng thí nghiệm, không ngừng đặt giả thuyết.

Điều lớn nhất mà ông nhận từ mẹ không phải là sự hướng dẫn cụ thể mà là niềm đam mê chinh phục kiến thức và tận hưởng sự thú vị từ những trải nghiệm đó. Nhờ đó mà ông có thể mải miết “chơi” trong phòng thí nghiệm bất kể tuổi tác. Đến giờ, ông vẫn thầm cảm ơn mẹ đã gieo trong mì nh một tình yêu thuần khiết với khoa học. 

Thiên Như (Theo AP, NPR, observer.ug)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI