Chồng 'vai u thịt bắp'

03/06/2019 - 06:00

PNO - Có ai tò mò hỏi: “Sao cô giáo mà lấy chồng nhà quê? Đi hội họp, giao lưu dắt ông chồng nhà quê đi theo, có ngại không?”. Chị cười tự tin. “Có gì mà ngại. Nhà quê có cái giá của nhà quê chứ!”.

Hồi mới đám cưới, bạn nữ đồng nghiệp “té ngửa” khi biết chồng chị là một nông dân thứ thiệt: dáng người “vai u thịt bắp”, miệng lúc nào cũng cười hiền lành, tiếp xúc với các bạn của vợ thì anh “ngậm tăm”, hỏi câu nào nói câu nấy

Chong 'vai u thit bap'
Hình minh họa

Mọi công việc nhà, anh làm đâu vào đó, cẩn thận, còn đi chỗ này chỗ kia, ngoại giao quan hệ công việc thì anh lắc đầu. “Em là cô giáo. Làm vụ đó đi”. 

Vậy nên từ khai sinh cho con tới các loại giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, sổ đỏ, vay tiền ngân hàng, đều là chị đứng ra chủ trò.

Yêu cầu chồng mặc một bộ đồ đẹp đi thăm họ hàng, bạn bè thật khó, anh chỉ quen tuềnh toàng, giản dị, miễn coi tươm tất là được. 

Lúc đó lòng tự ái nổi lên, thêm tính cục, là coi chừng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Vụ này hồi có đứa con đầu lòng, chị đã chủ quan nên “dính” một lần. Tuy sau đó anh hối hận xin lỗi, nhưng chị cũng tự mình rút kinh nghiệm.Nhưng chớ có nặng nhẹ với anh về tính cách “hai lúa”, không chịu học tập người khác, nhiều ông chồng nhà quê, ra khỏi nhà cũng ăn diện ngút trời kìa.

Chị tâm sự thật lòng, rằng khi chuẩn bị lấy chồng “nhà quê”, mình nhìn vào gia đình chồng nền nếp gia phong, kinh tế vững vàng.

Anh lại hiền lành, siêng năng, không rượu chè, cà phê, thuốc lá, đến cả điện thoại thông minh vợ sắm cho cũng không dùng, vì không có nhu cầu Zalo, Facebook gì hết. Vợ chồng nhà giáo - nhà quê tuy công việc khác nhau, nhưng rất hòa hợp.

Mỗi ngày, sau khi chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà là chị đi dạy, anh chở con gái út đi học, cậu con trai lớn tự đạp xe tới trường.

Sau đó anh chăm đàn bò 4 con, rồi tất bật với mấy mẫu điều, đậu. Buổi trưa, khi mấy mẹ con chị về nhà thì đã sẵn cơm dẻo canh ngọt. Cũng có những buổi, chị vô cùng mệt mỏi, vừa họp lớp mình chủ nhiệm, răn đe mấy đứa trò lớp Tám khi học nhóm đã bày đặt tổ chức uống bia, hút thuốc.

Thực ra công việc nhà quê không xa lạ gì, vì ngày nào chị cũng làm. Ngày nghỉ hay buổi chiều tối, chị vẫn thường lăn lộn cùng chồng đi nhổ mì, hái điều, cắt cỏ bò, như một nông dân thực sự. Nhưng để bố trí hợp lý giữa việc giảng dạy, soạn giáo án với phụ chồng việc nhà là cả một vấn đề nan giải.

Vậy mà mới về tới nhà đã gặp ông chồng mặt chảy một đống, vì không nhờ được người nhổ đậu. Chị lại mặc đồ lao động, mang ủng, bao tay cùng chồng ra đồng.

Tâm sự với bạn bè, chị thường nói, “cái gì cũng có giá của nó”, chồng nhà quê có giá của nhà quê. Đó là tình cảm yêu thương chân thành, sự bền vững kinh tế gia đình khi mỗi năm thu hoạch từ sản xuất, chăn nuôi lên tới hàng trăm triệu đồng. Lương giáo viên, chị không phải dùng đến, gửi tiết kiệm phòng có việc đột xuất. Ông chồng “nhà quê” thiệt thà, chân chất, không biết “say nắng, say mưa” là gì, lúc nào cũng lo lắng cho vợ con và mẹ già. 

Chong 'vai u thit bap'
Hình minh họa

Hè năm nay, nhà trường tổ chức cho các gia đình giáo viên đi du lịch mấy tỉnh miền Trung, ba mẹ con rất háo hức, còn anh chồng thì từ chối trước. “Anh đi nữa thì nhà cửa, heo bò để cho ai? Bà nội già rồi đâu lo được mấy việc đó”.

Chị chỉ biết cười, tự động viên mình. “Cuộc đời được cái này thì mất cái kia. Quan trọng là cái được nhiều hơn cái mất. Vậy cũng là hạnh phúc rồi!”. 

Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI