Điều gì ám ảnh mẹ?

26/06/2015 - 11:14

PNO - PN - Chúng ta - những người con - khi ngồi lại với nhau thường kể không hết chuyện về những nỗi lo sợ vẩn vơ của cha mẹ già. Lắm khi, những nỗi lo rất... buồn cười, lắm khi lại khiến quan hệ mẹ con căng thẳng. Trong nhiều trường hợp, nếu con cái không giữ được bình tĩnh, sẽ dễ dẫn tới lớn tiếng, gây gổ và các cụ sẽ cảm thấy tủi thân, rơi vào cô đơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không làm sao hết lo

Bà Hoa, tuổi ngoài bảy mươi, hằng tháng vẫn được con cái gửi tiền sinh hoạt, ăn uống, ơn nghĩa đầy đủ, vậy mà lúc nào bà cũng lo không có tiền xài. Đi chợ, bà không dám chi tiêu cho một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, vì sợ tốn tiền. Con cháu muốn mua cho bà tô phở thì phải nói dối giá tiền thật rẻ bà mới dám ăn, còn không bà sẽ cằn nhằn “mắc vậy mua chi”. Lần nào con mua vé máy bay để bà vào Sài Gòn thăm con cháu thì y như rằng bị bà mắng sao phung phí, tốn kém. Sợ con “bắt” đi máy bay, những lần vào thăm cháu nội, cháu ngoại, bà không cho ai biết trước mà âm thầm đón xe đò.

Trạc tuổi bà Hoa, bà Loan lại có một nỗi lo khác. Sợ người gia đình mình bị hãm hại, sợ tai nạn xảy ra với con cái mình nên hễ con đi ra khỏi nhà là bà bắt đầu lo lắng, hồi hộp cho tới khi con về. Có lần bạn học tới nhà rủ con gái bà đi cà phê lúc chín giờ tối, bà cho con đi nhưng cứ dặn đi dặn lại: “Nhớ cẩn thận coi chừng bị bạn bỏ thuốc vào nước uống nghe con. Đi chơi sao không đi sớm mà giờ này mới rủ!”.

Bạn của con gái nghe vậy thì cười, còn cô con gái sợ bạn tự ái nên ra sức thanh minh. Chính vì sợ con cái tai nạn, gặp chuyện bất trắc, thậm chí là bị ám hại nên lúc nào bà Loan cũng bấm điện thoại gọi con khi quá giờ hẹn... năm phút, bất kể ban ngày hay buổi tối. Nếu con không nghe máy, bà sẽ càng hoảng loạn, không yên.

Bác Hằng, một công chức mới nghỉ hưu cũng có một nỗi sợ “kinh điển” của nhiều phụ huynh, ngày nào hai cô con gái hơn 30 tuổi chưa lấy chồng thì ngày đó lòng bác còn ngay ngáy chưa yên. Hai con gái của bác Hằng ngoại hình đẹp, ăn học tử tế, công việc ổn định, sống tốt bụng nên có nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng vì chưa rung động trước ai nên vẫn muốn đi về một mình chứ có ế ẩm gì.

Vậy mà thỉnh thoảng bác Hằng cứ tự tìm hiểu khắp nơi rồi dẫn người về mai mối cho con. Những lần như vậy, hai cô con gái rất ái ngại vì không biết làm sao để khỏi phiền lòng những người đàn ông kia cùng người nhà của họ.

Dieu gi am anh me?

Vượt qua sợ hãi

Bà Hoa không phải người có quá khứ nghèo khó. Bà từng một thời làm ăn buôn bán giỏi giang, nuôi bảy người con ăn học đàng hoàng. Cuối những năm 1980, trong cái huyện nhỏ ở miền Trung hiếm hoi lắm mới có người học đại học thì con trai lớn của bà đậu hẳn đại học Y Dược. Các con sau của bà cũng trở thành kỹ sư, luật sư... lương bổng đủ gửi phụ giúp cuộc sống của cha mẹ sung túc, vậy mà lúc nào bà cũng lo trong nhà không có tiền.

Tiền các con đưa, bà gom góp để dành chứ không tiêu nên mỗi khi về nhà thăm ba mẹ, các con phải đi chợ mua thật nhiều đồ ăn thức uống tích trữ trong tủ lạnh. Các con cũng hiểu được tâm lý của mẹ khi ngày trước có tiền trong tay để chủ động chi tiêu, bây giờ lại sống có vẻ như phụ thuộc con cái nên bất an. Họ hay nói với mẹ: “Ngày xưa một mình mẹ còn nuôi nổi bảy đứa con ăn học, giờ bảy đứa tập trung lo cho ba mẹ lý nào không nổi. Ba mẹ cũng còn căn nhà lớn, nếu con cái bất hiếu, không lo được thì ba mẹ cứ bán lấy tiền mà xài, không cần để lại cho ai hết. Sao mẹ cứ lo lắng quá vậy”. Nghe con phân tích, bà Hoa ừ hử nhưng chỉ bớt lo được vài ba bữa, sau đó lại ra sức... tiết kiệm tiền.

Bốn người con của bà Loan cũng đều giỏi giang, khéo léo, thành đạt, tự họ có thể xử lý giỏi các vấn đề xảy ra với mình nhưng bà vẫn cứ lo lắng. Ban đầu, các con thương mẹ nên tranh thủ về sớm, về sau thì không còn thấy thoải mái vì đi về khuya mà mẹ vẫn còn thức đợi. Bao nhiêu lần họ phải bỏ dở một bộ phim, một vở kịch và cả những buổi hàn huyên cùng bạn bè.

Nhiều lần họ “vùng lên” bằng cách đi chơi về khuya, mẹ gọi điện thoại không nghe để cho mẹ thấy dẫu có đi về khuya cũng an toàn. Vậy nhưng cuối cùng, họ phải “đầu hàng” vì không cách nào trấn an mẹ. Họ đành chọn giải pháp là thường xuyên mời mẹ đi ăn, cà phê, xem phim hay du lịch cùng để bà thấy ngoài đường không có gì... đáng sợ. Dần dần, bà Loan đỡ hơn một chút, không còn gọi điện thoại cho con bất kể lúc nào, nhưng con cái đi đâu quá chín giờ tối chưa về thì bà vẫn gọi.

Trong các trường hợp trên thì trường hợp của bác Hằng có vẻ khó giải quyết nhất. Lúc nào bác Hằng cũng nói: “Người ta cháu chắt đầy nhà, con mình từng tuổi này không chịu lấy chồng, mỗi lần về quê họ hàng hỏi không biết trả lời sao”. Chị Lan, con gái bác than thở: “30 tuổi chưa chồng đâu có sao. Con chưa lấy chồng chứ đâu phải không lấy chồng mà mẹ sợ”. Nhưng lời giải thích đó không “hiệu nghiệm”, bởi càng thấy con cái hàng xóm, họ hàng từ từ lên xe hoa còn con mình vẫn ung dung, bác Hằng càng thêm lo. Chị Lan cười: “Thôi, thì cứ để mẹ lo thêm vài năm nữa, cho đến khi nào mình lấy chồng chứ biết sao giờ”.

Nhiều người cao tuổi có những nỗi lo mà con cái thấy rất vô lý, buồn cười, nhưng không dễ dàng giải tỏa những bất an đó cho ba mẹ và không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra trong ôn hòa. Chỉ khi những người làm con hiểu rằng mối lo của cha mẹ là vì thương yêu con cái thì sẽ thấy thấu hiểu cho “sự lẩn thẩn” của các đấng sinh thành; và cũng chỉ có sự kiên trì của con cái mới giúp cha mẹ “vượt qua chính mình”.

 LÂM HẠNH

GIÚP NGƯỜI GIÀ... GIẢM LO

Cuộc trò chuyện ngắn dưới đây của tiến sĩ (TS) Võ Văn Nam (khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm) sẽ giúp con cái hiểu rõ hơn nguyên nhân nỗi lo lắng của cha mẹ, từ đó có thể rút ra được kinh nghiệm trong ứng xử với các cụ.

* Thưa TS Võ Văn Nam, vì sao những người cao tuổi thường hay mang trong mình những nỗi lo lắng, chẳng hạn sợ con gái không lấy được chồng, người sợ bị con bỏ rơi, sợ cô độc, người sợ túng thiếu...?

- Đó có thể là vì trong quá khứ người lớn tuổi đã trải qua nhiều gian khó nên có những ám ảnh vô thức thôi thúc họ lo lắng, trong tiềm thức họ chất chứa quá nhiều mối lo. Hầu hết những người hay lo sợ, dù những lo toan không hợp lý chút nào, là những người không được cập nhật thông tin tốt để thay đổi theo thời đại. Tôi cũng có người thân rất thích ăn hủ tíu nhưng luôn hỏi giá bao nhiêu, nếu nghe nói giá của mười năm trước thì mới dám ăn, còn nghe giá tiền thật thì bảo ngán, không ăn.

* Vậy người trẻ phải làm gì với nỗi lo của ông bà, cha mẹ mình, thưa TS?

- Tùy vào từng nỗi lo lắng của người cao tuổi, chúng ta sẽ có cách ứng xử khác nhau. Với người sợ bị bỏ rơi, nếu con cháu không hỏi thăm thì họ sẽ tự ái, tủi thân, nên người thân phải sớm hôm thăm hỏi, ở xa thì điện thoại. Với người hay sợ thiếu tiền thì trước mặt họ, con cái không nên than vãn làm ăn khó khăn, đang kẹt tiền vì như vậy sẽ làm họ lo lắng, phòng xa.

Đặc biệt, con cháu phải thông cảm, gần gũi quan tâm chứ không nên gắt gỏng với người cao tuổi, vì như vậy sẽ làm họ lùi về thế cô độc. “Lão giả an chi” chính là điều lớn nhất trong chữ hiếu mà con cháu làm được cho ông bà.

* Vậy có cách nào để người già vượt qua được những nỗi lo sợ?

- Con cháu cần cố gắng tạo ra những ám ảnh vô thức mới để ám ảnh vô thức cũ lùi xa. Chẳng hạn, với người sợ thiếu tiền thì làm cho ông bà sổ tiết kiệm để dưỡng già, với người sợ mình thừa thãi thì tạo điều kiện cho ông bà hoạt động, làm những công việc nhẹ trong nhà, truyền kinh nghiệm hay kể chuyện cho con cháu. Với những người sợ con gái ế chồng thì thường xuyên chỉ ra những tấm gương người độc thân vẫn sống vui vẻ, làm việc tốt.

Với người hay sợ bất trắc thì dẫn họ đi du lịch, đi chùa... Hãy hướng dẫn ông bà tận hưởng những sự thoải mái, tiện nghi và hạnh phúc do thời đại mới mang lại. Cứ như vậy, họ sẽ từ từ vượt qua được. Tuy nhiên, để làm được điều này, con cháu phải kiên trì, nhẫn nại, đặt mình vào tình thế và không gian ngày xưa của ông bà để hiểu họ hơn. Đây là vấn đề tâm lý nên phải dùng tâm lý để giải quyết.

* Có phải những ám ảnh vô thức mà TS nhắc tới hay gặp ở cụ bà hơn cụ ông?

- Đúng vậy. Cụ bà thường nhiều cảm xúc và sự lo lắng hơn nên tạo thành “vết trầm tích” lâu ngày trong lòng. Đàn ông dùng lý trí nhiều hơn và ít để ý chi tiết những việc trong nhà, còn đàn bà phải quán xuyến nhà cửa, chăm chút từng chút, từ miếng ăn giấc ngủ của con, khi con đau bệnh nên có nhiều nỗi lo lặt vặt hơn. Vì vậy mà về già, cụ bà thường nói nhiều hơn cụ ông. Con trẻ đừng bao giờ so sánh sao ba ít nói mà mẹ cứ nói đi nói lại chuyện đó hoài, vì như vậy sẽ khiến mẹ tổn thương.

* Xin cảm ơn TS Võ Văn Nam!

L.Hạnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI