Chỉ còn nỗi nhớ của người ở lại…

27/07/2015 - 15:20

PNO - PN - Họ ở lại sau cuộc chia ly không lời từ biệt, với nỗi buồn không tan vào đêm, không biến mất khi ngày mới bắt đầu. Họ là những phụ nữ có chồng hy sinh giữa thời bình, ôm nỗi nhớ âm ỉ, tiếp tục cuộc hành trình bên những...

HÓA THÀNH SÓNG NƯỚC

Chi con noi nho cua nguoi o lai…

Chị Dung cùng con gái đang lần giở những kỷ vật của trung úy Phan Văn Hạnh

Ôm cặp bước vào nhà, cô bé Phan Thị Thùy Dương hồn nhiên nhảy chân sáo đến bàn thờ cha, nhón chân thắp hương. Cô bé nhìn di ảnh trên bàn thờ, miệng lầm rầm nói điều chi đó vẻ bí mật, miệng tủm tỉm cười. Chân dung người đàn ông trong bức ảnh, như cũng rạng rỡ hơn.

Cha của bé Dương là liệt sĩ Phan Văn Hạnh - hy sinh tháng 1/2014, lúc đang làm nhiệm vụ trên đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa. Khi ngã xuống, anh Hạnh mới 32 tuổi, con gái Thùy Dương của anh chỉ vừa lên 5.

Một năm rưỡi trôi qua kể từ ngày anh đi không một lời từ biệt, những hồi ức về tháng ngày quen biết, yêu thương rồi nên duyên chồng vợ với anh vẫn in đậm trong tâm trí người vợ trẻ, chị Nguyễn Thị Dung - cô bảo mẫu của Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM.

Nghẹn ngào giở chiếc va li kỷ vật của chồng, do đồng đội gửi về sau khi liệt sĩ Hạnh hy sinh, chị Dung kể: “Anh Hạnh thương vợ con lắm. Ở đảo xa vậy chứ luôn kiếm quà gửi về cho con gái. Chị xem nè, những hộp vỏ ốc, vỏ sò đẹp tuyệt này anh xếp sẵn ở đáy va li... là để đợi ngày về tặng con”. Hành trang người lính của liệt sĩ - trung úy Phan Văn Hạnh không có gì ngoài mấy quyển sổ ghi chép, chiếc điện thoại, những tấm bằng khen…

Anh Hạnh, chị Dung vốn là đồng hương ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ, chị là bạn học của em gái anh Hạnh. Năm 2000, Hạnh vào quân ngũ, Dung đang trên đồng gặt lúa, cùng đám bạn ở làng gọi với theo trêu ghẹo người lính trẻ. Năm 2003, cuộc sống gia đình khó khăn, Dung quyết định không thi vào đại học, bỏ luôn ước mơ làm cô giáo, xin làm chị nuôi cho một đơn vị bộ đội ở Vùng 2, Hải quân (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Tại đây, “chị nuôi” ngỡ ngàng khi gặp lại anh Hạnh, chàng trai đồng hương mà ngày đi bộ đội vẫn còn “mặt búng ra sữa”, nhưng giờ, trong bộ quân phục, trông chững chạc, đầy tự tin. Chị nhận lời yêu rồi làm vợ anh với tâm niệm: Dù chồng có phải nhận nhiệm vụ chiến đấu tận chân trời góc bể nào, chị cũng luôn đợi anh về.

Năm 2008, họ cưới nhau. Một năm sau, con gái Thùy Dương ra đời. Chưa kịp cảm nhận về cha, tháng 12/2012, khi cô bé Thùy Dương ba tuổi, anh Hạnh ra Trường Sa công tác. Hai cái Tết liền anh không về vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, cho đến ngày mãi mãi nằm lại ở nơi đầu ngọn sóng. Người vợ trẻ ôm đứa con thơ đăm đăm nhìn chiếc va li để lại của chồng, nước mắt lặng lẽ rơi, cuộc hành trình của hai mẹ con vẫn còn dài...

TAN VÀO KHÔNG TRUNG

Chi con noi nho cua nguoi o lai…

Anh Quân luôn cười trong những tấm hình chụp cùng vợ và hai con gái

Còn nhớ, buổi chiều tối ngày 28/1/2015, con hẻm 62, tổ 16, KP.3, P.Đông Hưng Thuận, Q.12 đông nghịt người tìm đến chia buồn cùng vợ con của phi công Lê Hồng Quân, một trong bốn chiến sĩ của trung đoàn 97, sư đoàn 370 Không quân hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự MB 912 cùng ngày.

Dù thi thể anh Quân cùng đồng đội đang ở BV 175 và chương trình tang lễ tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nhưng với tình cảm và niềm thương tiếc anh, những người hay tin dữ vẫn tìm đến nhà. Bà con trong hẻm 62 đã tự lập một nhóm giữ xe, tự pha trà nước, cùng chung tay lo hậu sự… Căn nhà số 62/7, tổ 16 này, vợ chồng anh Quân thuê với giá 12 triệu mỗi năm. Trước ngày hy sinh khoảng một tuần, anh còn đùa với vợ, chị Đinh Thị Thu Hiền: “Tiền lương, thưởng Tết này anh dành trả tiền nhà trọn năm cho vợ vui nhé!”.

Ngày anh Quân mất, chị Hiền ngất lịm. Mọi người nhìn vào cảnh nhà đều ái ngại, bởi chị Hiền đang là bảo mẫu của một trường tiểu học tại Q.12, lương chỉ vỏn vẹn hai triệu đồng mỗi tháng. Ai cũng nghĩ sau tang lễ chồng, Hiền sẽ dắt con về quê mẹ (ở khối Nam Phượng, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) nương nhờ. Nhưng không! Chị Hiền đã đứng lên ngay sau đám tang chồng chưa tròn tháng. Cái Tết đó buồn, nhưng chị có cảm giác mình như chín chắn, trưởng thành hơn.

Chị kể: “Có anh, tôi luôn được che chở, bảo bọc. Công việc bảo mẫu của vợ ba cọc, ba đồng nên chồng tôi chăm lo, tính hết mọi chi phí sinh hoạt gia đình, lo tròn cho hai bên nội, ngoại. Anh nằm xuống, tôi chới với. Nhưng rồi tôi chợt nhớ lời anh khi quyết định đưa vợ con vào Nam, một là để chồng đâu vợ đó, sau nữa là để các con có điều kiện học hành. Lẽ nào giờ anh mất, tôi lại làm sai di nguyện đó”.

Lãnh đạo trung đoàn 97, sư đoàn 370 đến chia buồn, hỏi thăm gia cảnh, nghe chị Hiền bày tỏ nỗi niềm, đã quyết định mời chị về làm chị nuôi ở đơn vị. Nhờ vậy, mấy tháng qua, chị Hiền và các con đã ổn định dần cuộc sống. Ngày ngày, chị Hiền vẫn đi về căn nhà trọ, nơi mà vợ chồng cùng hai con từng có những tháng ngày ấm êm, hạnh phúc.

Mọi chuyện với chị Hiền, cứ như chỉ mới hôm qua. Người vợ trẻ nhìn quanh nhà đâu đâu cũng gợi nhớ đến chồng. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, rồi chăm các con, đêm ngả lưng, nhớ chồng, chị Hiền lại khóc như đứa trẻ. Chị kể: “Đó là chuỗi ngày đau đớn nhất đời tôi; mà đau xé tim gan nhất là cảnh đứa con gái mới 17 tháng đang ngồi chơi, bỗng bỏ mớ đồ chơi, đứng lên chập chững vừa đi quanh nhà vừa gọi “ba ơi, ba ơi”. Bé lớn nghe em kêu ba cũng khóc òa”.

Chị nói vậy nhưng mỗi sớm mai, khi nỗi đau đã ở lại trong đêm, ba mẹ con vẫn tiếp tục tất tả với cuộc sống. Họ mong, thời gian sẽ xoa dịu những đau thương.

 NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI