69 triệu người được cứu sống nhờ chương trình tiêm vắc-xin ngừa các bệnh phổ biến

31/01/2021 - 06:47

PNO - Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 69 triệu người trên khắp thế giới sẽ được cứu sống nhờ các chương trình tiêm vắc-xin ngừa những loại bệnh phổ biến như: bệnh sởi, virus HPV và viêm gan B.

Một nghiên cứu vừa mới công bố cho biết, trong suốt giai đoạn từ năm 2000 đến 2030, việc tiêm vắc-xin cho 10 loại bệnh chủ yếu, bao gồm: bệnh sởi, virus HPV và viêm gan B, sẽ giúp 69 triệu người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thoát khỏi bàn tay của “thần chết bệnh tật".

Các chương trình tiêm vắc-xin đã giúp cứu sống hàng triệu trẻ em ở các nước nghèo trên khắp thế giới - Ảnh:
Các chương trình tiêm vắc-xin đã giúp cứu sống hàng triệu trẻ em ở các nước nghèo trên khắp thế giới - Ảnh: Bullit Marquez/AP

Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng nhận được tác động lớn nhất của các chiến dịch tiêm vắc-xin trên diện rộng. Các nhà khoa học tính toán rằng, tỷ lệ tử vong từ 10 loại bệnh phổ biến đối với nhóm tuổi này sẽ cao hơn 45% nếu không được tiêm chủng.

Theo số liệu thống kê được công bố gần đây trên tạp chí Y khoa The Lancet thì các chương trình tiêm vắc-xin được thực hiện từ năm 2000 đến 2019 đã giúp cứu sống hơn 37 triệu người trên khắp thế giới, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi.

UNICEF và các tổ chức quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy chương trình tiêm vắc-xin đại trà ở những quốc gia nghèo, kém phát triển trên khắp thế giới - Ảnh: Pirozzi/UNICEF/UN041255
UNICEF và các tổ chức quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy chương trình tiêm vắc-xin đại trà ở những quốc gia nghèo, kém phát triển trên khắp thế giới - Ảnh: Pirozzi/Unicef

 Tiến sĩ Caroline Trotter công tác tại Đại học Cambridge, và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Cần đầu tư nhiều hơn vào các chương trình tiêm vắc-xin ở các quốc gia nghèo bởi điều này sẽ giúp làm tăng số lượng trẻ em được tiêm vắc-xin”.

“Các đánh giá đều cho thấy tính hiệu quả của những chương trình tiêm vắc-xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, những thành quả này sẽ có thể bị mất đi nếu các chương trình tiêm vắc-xin không được duy trì theo hướng lâu dài”, tiến sĩ Caroline lưu ý.

Các nhà khoa học khuyến cáo cần duy trì các chương trình tiêm vắc-xin ở những nước nghèo để có thể cứu sống nhiều trẻ em hơn - Ảnh: Brown/UNICEF
Các nhà khoa học khuyến cáo cần duy trì các chương trình tiêm vắc-xin ở những nước nghèo để có thể cứu sống nhiều trẻ em hơn - Ảnh: Brown/Unicef

 Đây là một nghiên cứu quy mô lớn có sự tham gia của 16 nhóm độc lập gồm các nhà khoa học và chuyên gia y tế nhằm đánh giá tính hiệu quả của các chương trình tiêm vắc-xin ở 98 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, tập trung vào 10 nhóm bệnh phổ biến, bao gồm: viêm gan B, vi khuẩn Hib, siêu vi papilon ở người, viêm não Nhật Bản, sởi, viêm màng não mô cầu, phế cầu khuẩn, tiêu chảy cấp Rotavirus, virus Rubella và virus sốt vàng.

Nguyễn Thuận (theo Independent)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI