"Xin còn gọi tên nhau"

01/11/2014 - 13:18

PNO - PN - Lớp người nay ở tuổi bốn mấy năm mươi không mấy ai không biết bài hát này. Một phần vì giai điệu, phần nữa vì trong đời ai cũng có một cái tên nào đó để gọi thầm khi đớn đau, khi hạnh phúc; để nhớ thương da diết và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cái tên riêng, với từng con người, luôn là âm thanh êm ái, dễ nghe. Đến nỗi tác giả Đắc nhân tâm từng lưu ý: một trong những phép giao thiệp cơ bản là hãy thuộc tên người nói chuyện với mình, hãy gọi tên người ta, bởi trên đời này không có âm thanh nào du dương êm ái với lỗ tai người nghe bằng tên của chính họ!

Nhưng, cái tên của người Việt mình không phải là chuyện đơn giản. Người viết bài này từng có thời gian làm công tác tuyển sinh đại học, bao phen đau đầu về những cái tên của thí sinh. Có những cái tên mà nỗi đau đời là cảm hứng chủ đạo, hình như cha/mẹ đã mang những thất bại trên đường đời dồn hết vào con: Nguyễn Hận Tàn Thu, Trịnh Bất Như Ý.

Có những cái tên thật thà đến mức tội nghiệp: Trần Thị Mót, Nguyễn Thị Rớt, Lê Thị Thêm. Có những cái tên dài miên man tùy bút. Nghe đâu gần đây còn có những cái tên của người Việt hẳn hoi nhưng mang âm sắc phim Hàn! Người lãng mạn “xin còn gọi tên nhau”, chắc khi gặp những cái tên này, cũng chỉ dám “gọi thầm tên em” mà thôi, bởi có ai lỡ mà nghe được, chắc tò mò hỏi tới bến…

Cũng có phần vì thế mà trong tháng Mười này, khi thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật Hộ tịch, đã có ý kiến cho rằng phải “quy định nguyên tắc đặt tên cho con”, hoặc “nếu Luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là Luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong Bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới”. Chuyện vậy là đã thành chuyện lớn, đến mức phải luật hóa rồi.

Nhưng, cái nguyên do đề nghị phải luật hóa chuyện này thì không thuyết phục - vị đại biểu ấy cho rằng “không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt”. Chẳng lẽ chỉ vì cán bộ hộ tịch địa phương khó khăn mà phải làm luật, phải quy định để bắt dân làm theo ư?

Phải coi chuyện “làm khó cán bộ” là chuyện nhỏ, cán bộ phải cố gắng để vượt qua cái khó ấy chớ. Mà nghĩ cho cùng, việc “khó” mới cần cán bộ, nếu việc nào cũng dễ thì đâu cần cán bộ! Cứ bắt người phải uốn mình theo cho vừa cái khung quản lý hạn hẹp của mình, cho dễ việc của mình, là chỉ nghĩ cho người làm quản lý, không nghĩ cho dân.

Nếu cứ vậy, thì sẽ dẫn tới chỗ đơn sắc hóa một tập hợp vốn rất đa dạng, dẫn tới chỗ xóa bỏ cái nhận diện cá nhân của mỗi một con người - vốn bắt đầu từ cái tên. Tư duy ấy xa lạ với đời sống hiện đại, khi mọi phương tiện đều đang cố gắng “cá nhân hóa”, “nhận diện cá nhân”. Đến cái lon nước ngọt nào đó mà người ta còn cố gắng đặt cho nó một cái tên của một con người: Hiền, Trang, Tín… cơ mà!

Quyền được có một cái tên, bất kể nó đẹp hay chưa đẹp, là quyền của một con người. Khi lớn lên, trong suốt cuộc đời, người ta còn mang theo bao nhiêu cái tên khác mà đời đặt cho. Người ta cũng có quyền xin được thay tên đổi họ nếu có lý do chính đáng. Vậy nên, xin hãy để cái tên như một gia sản của con người, do cha mẹ, do người trong gia đình đặt cho khi chào đời. Đừng hạn chế, đừng quy định. Bởi lẽ cái sự hạn chế hay quy định này nó xa lạ với người dân lắm, nó chỉ là việc giải quyết cái phần ngọn của vấn đề mà thôi.

Phần gốc rễ của vấn đề là giữ nếp nhà, là giữ gìn, bồi dưỡng những truyền thống văn hóa Việt, sao cho đừng ai “nhiễm” văn hóa ngoại lai đến mức đặt tên con theo tên các sao Hàn! Đã từng có một thời như thế, khi niềm hy vọng, mong mỏi của cả dân tộc đi vào đời hàng vạn đứa trẻ với những cái tên như Hoài Nam, Hoài Bắc, Chiến Thắng, Hòa Bình, Thống Nhất… Thời ấy chưa xa. Thời ấy cũng không có luật định. Thời ấy thậm chí nghèo khó, ít chữ hơn bây giờ, nhưng cái nghèo cái khó không ngăn cản người ta chạm đến những từ ngữ - những cái tên long lanh hạnh phúc, niềm tin và hy vọng.

Thay vì “luật hóa” việc đặt tên, hãy coi đây như một phần nhiệm vụ của cán bộ hộ tịch địa phương. Cán bộ đừng ngồi yên trong trụ sở xã chờ ai sinh con xong tới đăng ký mới mở sổ ra hỏi tên hỏi họ. Một đứa trẻ mất tới chín tháng mười ngày mới chào đời - thời gian không ngắn!

Cán bộ hãy cùng đi với quần chúng, hãy biết cha biết mẹ của đứa nhỏ sắp sinh, hãy chuyện trò, vận động để người dân thấy được, hiểu được, đặt được tên con sao cho vừa là kỷ niệm, là tình cảm của mình dành cho đứa nhỏ, mà cũng vừa thuận lợi cho cuộc đời của đứa nhỏ, bắt đầu từ cái đơn giản nhất là thuận lợi cho những biểu mẫu từ đây cho đến mai sau… Vậy, có lẽ tên người Việt sẽ hợp lý hơn, mà không cần đến những chính sách, những bộ luật gì to tát…

HẰNG PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu