Vào quán vắng, uống cà phê

19/07/2013 - 16:12

PNO - PN - “Nỗi niềm riêng của chị, cũng là tâm sự của chính chúng ta. Bởi thế, đọc chị, ai cũng có cảm giác như mình được chia sẻ. Đó là điều thú vị nhất khi đến với Anh Thư. Và tôi tin, rất tin “ly cà phê” trong “quán vắng”...

 Vao quan vang, uong ca phe

Sau tập truyện ngắn Thư không gửi cho ba, đây là tập sách thứ hai của Anh Thư. Ở thể loại tùy bút này, tác giả bộc lộ được nhiều cảm xúc khi nhớ về ngày tháng tuổi thơ đã xa. Đọc tạp bút này, còn thấy hình ảnh một làng quê Bắc bộ hiện lên rõ nét bởi tác giả đã sống những năm tháng tuổi thơ cùng Nỗi nhớ sông Châu: “Hương đêm phả vào nhà, mang theo hơi nước ẩm và lạnh. Tôi úp mặt vào tường, thoáng thấy vị mằn mặn của cát sông Châu - một thứ cát màu nâu, có lẫn rất nhiều hòn đất nhỏ màu nâu đỏ, dẻo quánh. Tôi ngủ thiếp đi, mơ thấy mình được uống nước sông Châu. Dòng nước ngọt lành thấm vào cơ thể tôi, mát rượi. Dòng nước ấy vỗ về, ôm ấp tuổi thơ tôi”.

Ngoài những kỷ niệm, Anh Thư còn trải cảm xúc theo nhịp sống hiện tại. Những ngóc ngách, hè phố Hà Nội “bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân” với những quan sát tỉ mỉ từ chuyện Văn hóa tờ rơi, Lấy chồng công chức đến Sinh nhật của người bận rộn. Ở đó, ta còn gặp những “phát ngôn” của người phụ nữ làm mẹ Kiện các nhà văn của chị em phụ nữ vì họ… miêu tả phụ nữ quá đẹp! Thế thì tốt, sao lại kiện? Hãy nghe họ tự bộc bạch: “Sinh nở mấy lần rồi, bao đêm thức trắng cho con bú mớm, trông con ốm con đau mà các bác cứ tả chúng em rõ là nõn nà nuột nã. Sống trong nhung lụa đã đành, nhưng trong vất vả bon chen mà các bác vẫn cứ để cho chúng em đẹp lóng lánh, bốn mươi năm mươi rồi cứ như còn con gái... Nhưng, các bác chắc cũng chẳng ngờ được rằng, có ngày chồng chúng em lại lấy đó là tiêu chuẩn để so sánh, để đánh giá về cái dung nhan thực của vợ mình”. Lời phê nhẹ nhàng mà cũng “đau” đấy chứ!

Có lẽ vì thế, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cho rằng cách pha cà phê của Anh Thư “cũng rất riêng” và “không chiều theo khẩu vị của khách”.

 LÊ VĂN NGHỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI