Tuổi già tươi trẻ của má Châu

12/09/2015 - 09:32

PNO - Hơn bốn mươi năm, má Châu sống trọn cuộc đời của người mẹ hy sinh cho con. Đến tuổi xế chiều, má mới đi tìm lẽ sống cho mình.

“Em vẫn chờ khi nào anh về, dù cho bao năm bao tháng có lê thê, xuân đến hè sang rồi thu lạnh lùng, vẫn bên lòng một nỗi nhớ nhung” (lời ca khúc Chung thủy - nhạc sĩ Văn Phụng).

Má cất lời ca tha thiết, mắt rưng rưng nhớ về người bạn đời quá cố. Bốn năm qua, lời ca tiếng nhạc đã hồi sinh tâm hồn má, cũng từ đấy má trở thành một người già hiện đại nhất trong mắt bạn bè, con cháu (ảnh).

Tuoi gia tuoi tre cua ma Chau

"Bà già đi đêm"

Giọng má nghẹn ngào: “Hơn bốn mươi năm qua, má vẫn nơi đây sắc son chờ đợi ngày ông ấy về đón má đoàn viên…”. Như tên bài hát, hai từ chung thủy má nguyện gìn giữ cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Tên đầy đủ của má là Trần Thị Hồng Châu (ngụ P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM), mọi người quen gọi là má Châu. Nếu chỉ nghe tiếng hát của má, không ai nghĩ rằng năm nay má đã 78 tuổi. Cái tuổi mà hầu hết người già đã lưng còng, lụm cụm từng bước đi, má vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát.

Năm má 34 tuổi, chồng ra đi đột ngột bỏ lại cho má năm đứa con thơ dại, đứa bé nhất khi ấy mới hơn ba tháng tuổi. Từ đó má một mình bươn chải nuôi con. Năm người con của má nay đều thành đạt, hai người con gái  đang sống ở nước ngoài và ba anh chị hiện đang ở gần má.

Để nuôi dạy các con thành đạt nên người như hôm nay, má đã trải qua biết bao đắng cay, khổ sở. Vậy mà đoạn đường gian nan đó má không muốn khơi lại.

Những mất mát, đau khổ một thời má gói gọn trong câu nói nhẹ tênh nhưng khiến người nghe nặng lòng “đời má kể từ ngày chồng mất thì không còn biết ái biết hỷ là gì”.

Hơn bốn mươi năm, má Châu sống trọn cuộc đời của người mẹ hy sinh cho con. Đến tuổi xế chiều, khi con cái đã vững vàng cả sự nghiệp lẫn kinh tế, má mới đi tìm lẽ sống cho mình.

Đó là lần má tình cờ nghe được những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Má cười tươi: “Con xem có bà già nào gần tám mươi tuổi mà còn đi chơi khuya như má không? Một tuần, bốn đến năm đêm má trở về nhà lúc gần 11 giờ khuya, có khi ra ngoài đủ cả bảy đêm”.

Má bồi hồi nhớ lại, “duyên nợ” từ một tối Chủ nhật cả gia đình má đi chơi ở khu du lịch Bình Quới 1. Bất chợt má nghe thấy tiếng nhạc du dương, trìu mến phát ra từ nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Má thuật lại khoảnh khắc ấy bằng tiếng hát trầm lắng “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi mệt nhoài. Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi. Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cây cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày…” (Cát bụi - Trịnh Công Sơn).

Lời ca sâu lắng đánh thức trong má niềm đam mê xưa cũ. Ký ức tuổi thơ ùa về. Ngày nhỏ Hồng Châu mê hát tân nhạc, nhưng ông già cấm tiệt, chỉ cho con gái nghe cải lương, hát bộ, “biết nghe tân nhạc là ổng đánh nên má toàn phải nghe lén”.

Tuoi gia tuoi tre cua ma Chau
Má Châu khiêu vũ cùng nghệ sĩ Thanh Bạch trong chương trình Đêm doanh nhân hát 2014

Khi lấy chồng thì cơm áo gạo tiền cuốn hút không còn thời gian nghĩ đến thơ với nhạc. Nhiều lúc, má muốn nghêu ngao một câu hát cũng không có khoảng thời gian nào phù hợp. Cái sở thích bình dị cứ vậy mà ngủ vùi theo năm tháng, để bây giờ tóc trắng như vôi mới nhận ra mình còn mê.

Từ hôm đó, ngày nào má cũng nhờ con cháu bật máy tính tìm kiếm những ca khúc nhạc Trịnh để tập hát và trở thành hội viên Hội quán Hội Ngộ Trịnh Công Sơn. Đến nay má đã sinh hoạt tại hội quán được bốn năm, chưa có Chủ nhật nào vắng mặt má dù mưa gió.

Nhờ sinh hoạt tại nơi này, má có thêm nhiều bạn bè, gọi là bạn nhưng tuổi đời họ chỉ bằng con cháu của má. Mến mộ giọng ca của má, nhiều người đưa đón má đến hát ở rất nhiều câu lạc bộ hát với nhau.

Đến nay, lịch của má dày đặt như ca sĩ chạy sô, chỉ khác là họ hát để nhận cát-sê còn má hát để tuổi già không còn cáu kỉnh.

Má hồn nhiên kể, có lần chị em trong khu phố đi tập thể dục, thắc mắc nhà má ai đi chơi khuya mà đêm nào cũng nghe tiếng xe máy, tiếng mở khóa cọt kẹt, má đáp “là tui chứ ai” khiến mấy bà chưng hửng.

Hôm sau, má dẫn theo nhóm bạn già đến nơi má sinh hoạt, hồ hởi khoe: “Con biết không, mấy bả thích lắm, ở nhà toàn hát karaoke, đến khi được cầm mic đứng trên sân khấu, bà nào cũng mê tít còn dặn má đi đâu nhớ rủ theo”. Danh hiệu “bà già đi đêm” gắn liền với má từ đó.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI