Trọng Tấn: Gọi tình yêu mãi ban dầu

23/11/2015 - 10:54

PNO - Người ta gọi Trọng Tấn là giọng ca vàng của nhạc đỏ, nhưng nếu chỉ dừng lại ở khu vực nhạc đỏ thì thật phí một tài nguyên tên là Trọng Tấn.

Trọng Tấn thường nhỏ nhẹ trước những câu hỏi như chừng nào anh định làm mới?, "Làm mới thì dễ lắm, nhưng để làm gì? Làm khác đi một tí để duyên dáng thì đồng ý, nhưng để nhảy xuống vực thì không!". Thanh Phương, đạo diễn âm nhạc của live concert Bài ca không quên nhận xét: "Nghệ sĩ tính của Trọng Tấn nhiều lắm. Chỉ cần có thời tiết tốt, môi trường tốt là anh sẽ thăng hoa".

Trong thăng trầm của nhạc Việt khoảng 30 năm trở lại đây, Trọng Tấn đóng một vai trò quan trọng: với việc xuất hiện của giọng ca Trọng Tấn, nhạc đỏ được hồi sinh. Là người khiêm nhường, chưa bao giờ anh nhận về công lao ấy, anh chỉ bảo mình may mắn rơi vào đúng thời điểm xuất hiện một lứa ca sĩ trẻ tài năng cùng tạng chất (Đăng Dương, Anh Thơ, Việt Hoàn, Lan Anh…).

Tất nhiên nếu chỉ một Trọng Tấn bơ vơ đứng đó, khó mà thành trào lưu. Nhưng nhất định cần một cú hích cuối cùng để chính ca trở lại, thì Trọng Tấn đã gánh sứ mệnh ấy.

Sau hơn 20 năm đi hát, phát hành 11 album riêng với hàng triệu bản, xuất hiện từ những nơi sang trọng nghiêm ngắn nhất cho tới xuề xòa bình dân, Trọng Tấn là ca sĩ có “phổ” khán giả rất rộng. Nhưng phải tới năm 2014, anh mới rụt rè làm liveshow đầu tiên (Trọng Tấn In The Spotlight), và đúng một năm sau anh và vợ mới thực hiện concert Bài ca không quên (diễn ra tối 21/11, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội).

Trong Tan: Goi tinh yeu mai ban dau

Bài ca không quên là tinh thần chứ không phải một ca khúc trong chương trình (mặc dù kết show, một trích đoạn của bài hát này đã vang lên). Trọng Tấn muốn dùng âm nhạc nhắc nhớ về điều không thể quên trong mỗi chúng ta, đó là cội rễ.

Trong hơn hai giờ, Trọng Tấn đi qua các miền âm nhạc từ dân gian - chính ca trữ tình - đến nhạc nhẹ, cảm hứng về quê hương đất nước vẫn là mạch nối chính. Tình quê trong nhiều người có thể là những ký ức đã mờ nhạt, những yêu dấu đã bị phủ bụi mờ.

Nhưng nó vẫn hiện diện le lói đâu đó trong tim chúng ta. Trọng Tấn đã gõ cánh cửa bé nhỏ ấy để gọi lại những dấu yêu thân thuộc, nhắc về nơi chốn mà ai cuối cùng cũng phải quay về. Anh gọi tình đó là Bài ca không quên.

Những Đất nước lời ru, Làng tôi, Tình hoài hương, Quê hương, Lời ru, Neo đậu bến quê, Dáng đứng Bến Tre, Hà Nội-Huế-Sài Gòn… là mạch chảy dân gian đậm đặc. Bản thân những bài hát đó đều được “chiết xuất” từ lòng thương nhớ quê hương của các nhạc sĩ và tinh hoa ngũ cung của âm nhạc truyền thống Bắc - Trung - Nam.

Rất hiếm giọng hát đẳng cấp về kỹ thuật mà vẫn giữ được sự trong sáng mộc mạc như Trọng Tấn. Sự chân thành của Tấn là phẩm chất trời cho, không phải cố có được, và Tấn thì kiêu hãnh nuôi giữ tâm hồn một người nhà quê để thủ thỉ ân tình trong những câu hát của mình.

Một giọng hát đẹp thuần khiết, một tinh thần rất Việt Nam (nghe anh nhả chữ, thấy tiếng Việt của mình đẹp quá, trìu mến quá) đương nhiên sẽ rất nhuyễn mượt với màu sắc dân gian. Khán giả của Bài ca không quên khi trở về nhà, hẳn vẫn văng vẳng xúc động câu chuyện dân gian ba miền mà Trọng Tấn kể bằng âm nhạc.

Đạo diễn âm nhạc Thanh Phương mạnh dạn chọn cả những bài trữ tình không quá quen của Trọng Tấn và chẳng nhấn chính ca là trọng tâm. Chính ca với sự xuất hiện của hai người đồng chí Đăng Dương - Việt Hoàn có tác dụng như đi qua vùng kỷ niệm, vừa đủ để hài lòng fan của “tam ca nhạc đỏ”. Những bản phối mới, đương đại và mạnh dạn phá cách chính là cách “làm khác đi một tí để duyên dáng”.

Trong một lần trò chuyện, Trọng Tấn nói mình đang đi ngang, vì đã lên đến đỉnh cao của chính mình rồi thì muốn cao hơn nữa là việc bất khả. “Cố gắng giữ được tốt như hiện nay đã là thách thức rồi, mọi nỗ lực sáng tạo cũng chỉ dám hy vọng giữ cho mình còn đi ngang”.

Lời tâm sự không vướng chút buồn của sự buông xuôi, mà là cái thẳng thắn biết mình biết người. Nhưng đi ngang thì vẫn còn bao nhánh đường kỳ thú và háo hức chờ người đặt chân bước vào.

Nghe nói anh đã xong ý tưởng cho bản thân vào năm 2016, có thể rất không khôn ngoan, có thể đầy mạo hiểm, có thể rất khác Trọng Tấn nhưng cũng vì thế mà bội phần hồi hộp… Như lời Mùa xuân gọi của nhạc sĩ Trần Tiến mà anh dùng để kết lại Bài ca không quên: Mùa xuân hát trong tim người, gọi tình yêu mãi ban đầu.

Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI