“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Con chim nhỏ khát khao bầu trời rộng

06/08/2014 - 00:40

PNO - PN - Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, “thần đồng văn học” Đỗ Nhật Nam vừa có chuyến Nam du giao lưu, giới thiệu cuốn sách mới của cậu: Bố mẹ đã “cưa đổ” tớ! (do Công ty sách Thái Hà và NXB Lao Động ấn hành) vào sáng 3/8....

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyến bay Hà Nội - TP.HCM đưa Đỗ Nhật Nam và mẹ - chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến TP.HCM chỉ trước buổi giao lưu vài giờ đồng hồ. Bố “thần đồng” - PGS-TS Đỗ Xuân Thảo bất ngờ nhập viện tối hôm trước, đã không có dịp xuất hiện bên cạnh con trai như lời hẹn.

Không có bố bên cạnh, nhưng hình ảnh bố đã luôn được nhắc lại trong những câu chuyện, bài học về lòng kiên nhẫn, tình yêu thiên nhiên, biết chấp nhận thất bại... PGS-TS Đỗ Xuân Thảo luôn có những cách dạy con cực kỳ ấn tượng, vừa hài hước vừa nghiêm khắc; sáng tạo mà giản dị, tạo ra những “luật lệ” áp dụng bằng tình yêu thương… Tất cả đã được kể trong phần một cuốn Bố mẹ đã “cưa đổ” tớ! “Con đã viết cuốn sách trong một khoảng thời gian rất dài, thu thập những bài nhật ký của bố mẹ viết cho con. Và đó cũng là những gì đã trải dài trong suốt tuổi thơ con” - Đỗ Nhật Nam chia sẻ.

Trong cuốn sách thứ ba này, cậu bé không ngại đề cập đến tâm sinh lý tuổi mới lớn. “Tuổi dậy thì đang đến với tớ. Như con chim khao khát bầu trời cao rộng, tớ mong muốn được sải cánh trên bầu trời bát ngát, mênh mông mỗi ngày” - Nhật Nam đã chia sẻ như vậy với những độc giả cùng trang lứa. Có vẻ cậu bé già hơn tuổi nhiều, với vẻ chững chạc, trưởng thành và tự tin; cách trò chuyện bản lĩnh và am hiểu nhiều vấn đề như một người lớn. “Đỗ Nhật Nam của bảy năm trước và bây giờ đã khác nhau nhiều lắm rồi, nhưng lần nào cậu bé cũng khiến tôi phải bất ngờ, nể phục. Tôi nhớ năm 2006, tôi đã cùng trò chuyện bằng tiếng Anh thử tài cháu, vậy mà cháu đề nghị có cuốn sách nào cho cháu dịch. Thú thật lúc ấy tôi chẳng tin một đứa trẻ sáu tuổi lại có thể dịch được gì. Cho đến khi cầm được bản dịch cuốn Nạp điện trong tay, tôi mới giật mình. Quả là Nam quá xuất sắc. Bây giờ khả năng nói tiếng Anh của cậu bé đã phát triển vượt bậc đến mức những người lớn như tôi chắc cũng phải nghiêng mình gọi cậu là… thầy” - TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà bày tỏ.

“Than dong” Do Nhat Nam: Con chim nho khat khao bau troi rong

Nhật Nam chững chạc trong buổi giao lưu

Đỗ Nhật Nam chưa lúc nào khiến những người quen biết, yêu mến cậu thôi bất ngờ với những thành tích, nỗ lực của cậu trong suốt bảy năm qua - kể từ ngày được xác lập kỷ lục Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam (cho hai tập sách Nạp điện và Mặt trời mọc, mặt trời lặn). Năm 11 tuổi, cậu tiếp tục giành kỷ lục Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất với cuốn sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?; liên tục đoạt hàng loạt giải thưởng các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, sáng tạo thanh thiếu niên… Đỗ Nhật Nam còn khiến nhiều người bất ngờ khi biểu diễn violon trong lần ra mắt cuốn Những con chữ biết hát (2013). Đến lần gặp gỡ giao lưu sách mới lần này, Nam đã khiến cả hội trường vỡ òa khi tự tay cậu đánh đàn bầu bài Lòng mẹ dành tặng những người mẹ trong mùa Vu Lan.

“Thần đồng” quá thông minh và tài năng đến mức mẹ cậu nhận được rất nhiều câu hỏi về cách nuôi dạy con trẻ như thế nào. “Nuôi dạy con cái cũng giống như ta trồng một cái cây, nếu chăm sóc tốt thì sẽ có hoa trái tốt. Quá trình nuôi dạy Đỗ Nhật Nam với tôi quả thật cực kỳ vất vả. Tôi sinh bé ở Nhật Bản, khi ấy không có họ hàng, người thân mà bản thân cũng còn trẻ, không có kinh nghiệm gì. Mọi thứ đều phải dựa vào sách, các lớp dạy bà mẹ mang thai và chăm sóc con. Có thể nói tôi đã vật vã hàng năm trời để tìm ra được cách dạy con phù hợp” - chị Phan Hồ Điệp chia sẻ. Phát hiện con có thiên hướng về ngôn ngữ, chị đã áp dụng cách dạy con bằng những trò chơi, lồng ghép vào đó những bài học, kiến thức. Lúc nào chị cũng nói chuyện với con như bạn tâm tình. Kể cả vấn đề giới tính, chị cũng không ngại bộc bạch, chỉ dạy con không né tránh điều gì.

Nhiều người đọc Bố mẹ đã “cưa đổ” tớ! cứ nghĩ chắc rằng văn chương cậu bé đã được bố mẹ “chuốt” kỹ lưỡng. Nhưng không, cuốn sách này cậu đã viết và âm thầm gửi bản thảo đến Thái Hà Books vì “không muốn bố mẹ đọc trước, thế nào cũng bị chỉnh sửa”. Mà, cậu thì lại muốn “bí mật, giữ nét riêng và quyết định độc lập” cho những điều mình sẽ làm. Rồi ở tuổi 13, cậu quyết định sang Mỹ du học. Năm sáu tuổi, Nhật Nam từng có câu nói gây sửng sốt: sau này muốn trở thành… bộ trưởng. Giờ trở thành dịch giả, viết sách, cậu lại bảo muốn trở thành nhiếp ảnh gia. Những mong ước trẻ con cứ thay đổi chóng vánh, duy có ước vọng trở thành một nhà tâm lý học, trở thành giáo sư giảng dạy tại các trường đại học là mục tiêu đường dài, quyết liệt của Nam. “Quyết định cho con đi du học là điều khó khăn nhất trong đời của tôi. Chúng tôi đã thức trắng hàng đêm cân đo đong đếm được mất, nhưng chính Nam đã thuyết phục khiến cả bố lẫn mẹ đều phải xiêu lòng. Con nói một câu thôi mà làm tôi rơi nước mắt. “Mẹ ơi, tất cả những gì ở tuổi thơ con có, con làm đến thời điểm này có thể nói là đã đầy đủ. Bây giờ đã đến lúc con phải đến một nơi khác, bắt đầu từ con số 0 và làm lại từ đầu” - chị Phan Hồ Điệp xúc động. Chị bảo, chiếc ao nhỏ không giữ được con cá lớn, chiếc lồng tre không giữ được con đại bàng. “Tôi để con bay đến bầu trời mà con mơ ước. Gia đình vẫn luôn khuyến khích Nam làm được những điều mà con muốn làm”.

 TIỂU QUYÊN

“Than dong” Do Nhat Nam: Con chim nho khat khao bau troi rong

Nhật Nam chơi đàn bầu bài Lòng mẹ tặng khán giả

* Đi học xa rồi ai sẽ nấu cơm, chăm sóc cho Nam?

- Con có thể tự chăm sóc bản thân. Nấu ăn không giỏi lắm nhưng con cũng đã học nấu được vài món. Đi học sẽ ăn ở trường, nếu có thời gian cuối tuần con sẽ tranh thủ trổ tài nấu món Việt Nam đãi bạn bè, chẳng hạn nem, phở cuốn…

* Còn chức danh tổng biên tập cho tạp chí tuổi teen thì sao?

- Tạm thời con chưa nói được nhiều hơn về công việc này. Khi nào có sản phẩm đầu tiên được ra mắt, con sẽ thông báo ngay để mọi người cùng chia vui. Chuyện con đi du học không liên quan gì đến công việc ở tạp chí cả, công việc này con chỉ chủ yếu thực hiện, liên lạc qua mạng.

* Xa bố mẹ, Nam nhớ nhất bài học nào đã được dạy?

- Đó là bài học cách làm bạn. Làm bạn cả với bố mẹ hay với thầy cô trong trường. Những đứa trẻ đều thích được làm bạn, được chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với người lớn. Khi đi học, con cũng thích được thầy cô đối xử như bạn bè - dù sẽ có những quy tắc được đặt ra nhưng đó sẽ chỉ là “luật sườn” thôi, còn mọi giao tiếp, dạy dỗ với trẻ cần vừa cương vừa nhu thì mới có hiệu quả giáo dục tốt.

* Cuộc sống có bị “xáo trộn” từ khi trở thành thần đồng? Nam phân bổ thời gian như thế nào cho học tập và vui chơi?

- Con thấy mình có một tuổi thơ vô cùng đẹp, thấm đẫm trong tình yêu thương của bố mẹ. Con cũng phân bổ thời gian học tập, làm việc, vui chơi rất đồng đều, và học cách cố gắng hoàn thành tốt công việc sớm nhất. Con vẫn có thời gian khoảng một tiếng rưỡi vào mỗi buổi chiều để chơi thể thao, rèn luyện thân thể bằng bóng rổ hoặc bóng đá. Con thấy mình phân bổ được mọi thứ ổn cho cuộc sống của mình.

* Cảm ơn Đỗ Nhật Nam.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI