Những người đàn bà kiến tạo 'thiên đường'

05/10/2018 - 05:00

PNO - Nụ cười được mặc định sẵn mỗi khi bức màn nhung được kéo ra, làm bừng sáng “thiên đường” của trẻ con bao thế hệ. Họ chính là người tạo ra thiên đường đó.

Ở cái tuổi mà cơ thể bắt đầu xập xệ, nhìn người đàn bà đó, từ căng mình cho những bài tập khó đến dồn tụ sự khéo léo, sức mạnh, độ bền, chính xác đến từng mi-li-mét ở những tiết mục đòi hỏi sự “vi diệu”, bỗng như thấy mình đang rơi trong hoang mang. 

Nhung nguoi dan ba kien tao 'thien duong'
Những người đàn bà xiếc trong một buổi tập luyện

Nhìn họ giấu nếp nhăn bên dưới lớp hóa trang mặt hề, khoác lên váy búp bê tím vàng xanh đỏ mà chạnh lòng. Nhưng, phải nhìn nụ cười bừng sáng trên gương mặt họ dưới ánh đèn sân khấu, người ta mới thấy những mông lung buồn rớt của mình là vô lý.

Hạnh phúc bên trong sàn diễn tạm bợ

Từ hơn một năm nay, vào những tối cuối tuần tại Nhà Thiếu nhi Thành phố (NTNTP), đoàn xiếc Mặt Trời Đỏ thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam vẫn phải duy trì những suất diễn hằng tuần của mình trên chính sân khấu không dành cho họ. Lý do tu sửa rạp xiếc khá thuyết phục nên họ vẫn vui vẻ, cốt là có chỗ để diễn.

Đèn đóm vẫn lung linh; tấm pa-nô chú hề mũi đỏ vẫn dựng sừng sững trước phòng vé; băng-rôn giới thiệu tên chương trình và đơn vị tổ chức vẫn giăng khắp lối đi; dẫu hơi khiêm tốn, lạc lõng và... không liên quan trước một công trình hoành tráng như NTNTP.

Rõ ràng địa điểm này không phải là nơi dụng võ phù hợp cho nghệ sĩ xiếc. Sân khấu NTNTP không phải là sân khấu chuyên dụng được thiết kế dành riêng cho những tiết mục đòi hỏi kỹ thuật và đạo cụ hỗ trợ đặc thù. Đất diễn của họ phải là một sân khấu hình tròn, được vây quanh giữa bốn bề khán giả, để từng cử động nhỏ đều có thể được dõi theo ở bất kỳ góc độ nào. Vì vậy, nỗi ám ảnh tạm bợ với họ không thôi chua chát trên sàn diễn của công trình trị giá gần 200 tỷ đồng.

Gần đến giờ diễn, lượng vé bán ra hãy còn khiêm tốn. Ba nghệ sĩ xiếc được huy động đứng ngay lối ra vào để thu hút sự tò mò của người qua đường bởi những màn đi cà kheo ngộ nghĩnh. Trong số họ có một phụ nữ trung niên. Dấu vết thời gian được che chắn khá kỹ bên dưới lớp trang điểm dày, đối nghịch với chiếc váy vàng bồng bềnh chị đang mặc xòe ra như một cái ô. Chị đứng sát quầy vé, ném những cái vòng lên không trung và bắt đầu tung hứng. Vé vẫn được bán lai rai. 

Nhung nguoi dan ba kien tao 'thien duong'
 

Đến giờ khai mạc, dù bên dưới hàng ghế khán giả hãy còn nhiều chỗ trống, nhà hát vẫn bắt đầu chương trình bằng những màn xiếc quen thuộc: tung hứng, đi xe đạp thăng bằng, nhào lộn, đu dây trên không, uốn dẻo quay lụa... Người phụ nữ trung niên ban nãy cũng có mặt trong số những nghệ sĩ ra chào khán giả trên sân khấu. Tiết mục uốn dẻo quay lụa tập thể chị biểu diễn cùng 5 cô gái khác tưởng chừng không có cao trào.

Nhưng khi thực hiện màn làm trụ cho một diễn viên khác chồng người ở tư thế nằm ngửa giơ chân lên cao, tôi nhận ra môi chị mím chặt, người chị gồng lên vừa giữ thăng bằng, vừa chống đỡ sức nặng của cơ thể bạn diễn trên một bàn chân nhỏ bé. Mọi ái ngại dồn về tuổi tác và xương cốt không còn dẻo dai của một phụ nữ ngoại tứ tuần. Tôi thấy tim mình đang thắt lại. Chỉ đến khi chị kết thúc tiết mục bằng cái nhoẻn miệng trên đôi môi vừa mím chặt ban nãy, tôi mới thấy nụ cười ấy sao mà đẹp lạ lùng.

Tai ương và bạc bẽo

Sự tò mò về một đoàn xiếc mà hơn phân nửa phụ nữ đều ở tuổi tứ tuần đưa tôi đến gặp họ, những phụ nữ cả đời theo nghiệp xiếc, dù rằng theo một thống kê, đây là nghề có nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp vào loại cao nhất, với tần suất tai nạn lên tới 40%/năm, gấp gần 20 lần so với các ngành nghề khác.

Nghệ sĩ Mỹ Hạnh (Nhà hát nghệ thuật Phương Nam) cho biết, tai nạn nghề nghiệp gần như là hậu quả đương nhiên của nghệ sĩ xiếc. Với nghệ sĩ nữ, điều này lại càng khó chấp nhận và đánh đổi hơn. Chẳng hạn 100% diễn viên lắc vòng đều bị đau dạ dày. Diễn viên nhào lộn thường bị vẹo cột sống và dễ chấn thương do té ngã. Diễn viên uốn dẻo muốn theo nghề thì không nên sinh con, mà muốn sinh con thì phải… bỏ nghề.

100% nữ diễn viên xiếc sau khi sinh con đều phải khổ luyện để lấy lại độ căng cơ cần thiết cho một tiết mục mà họ từng biểu diễn trước đó. Nhưng trên thực tế, phần lớn họ đều phải bỏ tiết mục cũ để tập các tiết mục phù hợp với cơ địa hiện tại, vì chứng tiền đình, chóng mặt liên tục hành hạ khi họ phải thực hiện các động tác lơ lửng trên cao. 

Nhung nguoi dan ba kien tao 'thien duong'

- Vết sẹo dài này có từ năm chị 19 tuổi - nghệ sĩ Mỹ Hạnh vừa nói vừa xoay người về phía tôi.

- Chị bị ngã à?

- Ừa ngã. Từ độ cao 13m lúc diễn màn đu đây, nứt xương chậu...
Tôi sờ nhẹ vào chỗ thịt da rúm ró.

- Đau không chị?

- Đau chứ, 21 năm rồi mà mỗi lần trở trời hay vận động mạnh là nhức khủng khiếp. Ba mẹ chị xót con không cho diễn nữa, nhưng chị nhớ nghề quá lại quay về đoàn, xin làm MC cũng được, ra chào màn dạo đầu thôi cũng được. Rồi mon men tới cái dây, kìm lòng không đặng, lại đu lên tập tiếp...

Từng bị trật khớp xương vai sau tai nạn ngã từ trên cao trong tiết mục xiếc tập thể “xà đơn trên đùi”, nghệ sĩ Ánh Tuyết kể: “Khi tháo băng, tôi phát hiện cánh tay trái của mình không thể nhấc lên được, thế là mỗi ngày tôi lại dùng cánh tay này để kéo cánh tay kia lên. Bác sĩ bảo phải nghỉ dưỡng ít nhất một năm, nhưng chỉ vài tháng là tôi lén đi diễn lại rồi. Vì đây là tiết mục tập thể, một người nghỉ là cả đội mất đất diễn. Mình không thể vì tai nạn bản thân mà ảnh hưởng đến anh chị em được”. 

Không có thống kê cụ thể về những tai nạn mà nghệ sĩ xiếc phải đối diện trong suốt cuộc đời làm nghề. Bảo hiểm tai nạn không tương xứng với những hậu quả và khó khăn trong quá trình hồi phục mà họ phải trải qua. Về lâu dài, ngoài tai nạn nghề nghiệp, nữ nghệ sĩ xiếc còn bị ảnh hưởng về đường con cái, bàn tay chi chít vết chai, khắp người toàn sẹo lồi lõm, các khớp ngón chân co quắp, thỉnh thoảng họ phải đến bệnh viện để kéo khớp trở lại bình thường. 

Họ không dám mơ bờ vai gầy hay cánh tay thon, bởi việc tập luyện lâu dài mang về những cơ bắp cuồn cuộn, phá hỏng mọi đường nét mềm mại tạo hóa ban cho cơ thể đàn bà.

Nhung nguoi dan ba kien tao 'thien duong'
 

Tuổi thọ nghề xiếc vốn ngắn, tuổi nghề của người đàn bà xiếc lại càng ngắn hơn. Nhưng nữ nghệ sĩ lớn tuổi nhất trong đoàn Mặt Trời Đỏ cũng đã qua 54 xuân xanh, và việc rất nhiều diễn viên nữ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đều bám nghề khi không còn trẻ khiến tôi không khỏi thắc mắc. Họ yêu nghề, chắc chắn rồi. Nhưng liệu còn lý do nào khác để họ vẫn miệt mài với cái nghề bạc bẽo, nhiều đánh đổi - kể cả tính mạng, mà đãi ngộ lại không tương xứng này? 

Thiên đường không tồn tại nỗi buồn

Dùng từ “hạnh phúc” trong nghề xiếc có lẽ hơi kỳ quặc, bởi người ta đã quen gán cho loại hình nghệ thuật này những từ khóa mặc định như “khó khăn”, “rủi ro cao”, “nguy hiểm khôn lường”, “đãi ngộ thấp”... Nhưng  đằng sau đó, ít ai biết, một nguồn mạch âm thầm giữ họ mải miết với nghề bằng tình yêu không nói nên lời.

Diễn viên Thanh Hoa đoàn Mặt Trời Đỏ kể, khi lưu diễn nước ngoài, trong những chương trình tạp kỹ thì tiết mục xiếc luôn được khán giả đón nhận hào hứng và dành cho nhiều tràng vỗ tay nhất. Mỗi khi diễn viên bị tai nạn trên sân khấu, thì người lo lắng cho họ nhất lại là khán giả. Có khi chính khán giả còn biếu nghệ sĩ một phần kinh phí để chạy chữa chấn thương.

Còn NSƯT Phi Vũ thì kể: hồi đoàn xiếc của anh còn đóng tại công viên 23/9, anh từng bắt gặp một khán giả bị teo cơ ngồi xe lăn, cứ đều đặn mua vé vào nhà bạt xem xiếc hằng tuần. Thấy em tật nguyền, các anh chị nghệ sĩ có nhã ý tặng vé thường trực nhưng em kiên quyết không nhận. Em chỉ muốn mua vé bằng tiền của em. Em nói các cô chú đã truyền cho con sức mạnh, ý chí, nghị lực để con tiếp tục sống tốt và không mặc cảm. Nghe câu nói đó, mọi người nhìn nhau, thấy mọi đau đớn, thiệt thòi như tan biến.

Hậu quả “nhãn tiền” của nghề này làm lớp trẻ sợ hãi, quay lưng. Nhưng, dẫu một bạn trẻ theo nghề, mê nghề và giỏi, cũng khiến họ vui, khi phải đối mặt  với “khủng hoảng” luôn thiếu một thế hệ kế thừa trẻ, tài năng và đủ đam mê để bám nghề (điều này cũng lý giải vì sao diễn viên trong đoàn đa số đều lớn tuổi).

Nhung nguoi dan ba kien tao 'thien duong'
 

Tiến sĩ Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam - từng ca thán: “Chúng tôi đang lăn lộn kiếm học sinh”. Trước tình hình này, người nghệ sĩ phải đi “chiêu dụ” con em trong gia đình, bạn bè, thậm chí là... hàng xóm của họ đến với nghề xiếc. Và cũng là họ tự đứng ra tổ chức đào tạo tại chỗ những “học viên gà nhà” sau khi sát hạch năng khiếu bằng kinh nghiệm và con mắt nhà nghề.

Nghệ sĩ Ánh Tuyết chỉ vào cô học trò Trúc Vi như một bảo chứng cho lời nói của mình: “Cô bé này là hàng xóm của một nghệ sĩ gạo cội trong nhà hát, mê xiếc, nên bị chúng tôi “dụ” về đoàn và đào tạo tại chỗ, không qua một trường lớp nào. Dĩ nhiên chả ai trả lương cho chúng tôi vì điều này, nó không nằm trong hạng mục công việc mà chúng tôi hợp đồng với nhà hát, nhưng chúng tôi xem việc đào tạo thế hệ kế thừa là trách nhiệm của mình”. Niềm vui dẫu bé mọn, nhưng vị ngọt đến từ kết quả của công sức gieo hạt bao giờ cũng chất chứa những dạt dào thầm kín.

Họ đang ngóng, nuôi hy vọng  về một nơi “an cư lạc nghiệp”. Họ luôn mong chờ đến ngày công trình nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ được hoàn thành trên khu đất 1 hec-ta đường Lữ Gia, trong đề án được UBND TP.HCM phê duyệt và đưa vào hạng mục những công trình được đầu tư cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Họ cũng không giấu vẻ phấn khởi khi dự án sửa chữa, làm mới nhà bạt công viên Gia Định với kinh phí 15 tỷ đồng đang từng bước được hoàn thành. Họ không ngừng ước mơ về một nhà bạt có thể di dời được, cho những chuyến biểu diễn lưu động, để đến được với nhiều đối tượng khán giả hơn. Và họ hoàn toàn lạc quan khi đề xuất này đã được Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM ủng hộ xây dựng dự án xin cấp kinh phí. 

Suốt nhiều giờ hồi hộp nhìn họ luyện tập, tôi nhận ra trên cái sàn tập này chỉ có mồ hôi rơi, sự tập trung cao độ, và... vô số nụ cười - kể cả khi té ngã. Nụ cười làm tôi nhớ tới cái nhoẻn miệng của người đàn bà xiếc mà tôi từng gặp, chỉ cách cảm xúc căng thẳng trên cùng một gương mặt trong vài tích tắc. Nụ cười được mặc định sẵn mỗi khi bức màn nhung được kéo ra, làm bừng sáng “thiên đường” của trẻ con bao thế hệ. Họ chính là người tạo ra thiên đường đó. Mà thiên đường thì không tồn tại nỗi buồn! 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI