Kể chuyện xưa nghe chơi

16/09/2019 - 15:58

PNO - Dù mỗi chương trình nói về một chủ đề khác nhau, nhưng đều xâu chuỗi và tỏa rạng trong những câu chuyện văn hóa đậm chất Việt.


Trong không gian Nhà của thời thơ ấu, các bạn trẻ ngồi bên nhau, say sưa nói về chuyện xưa tích cũ. Không lên gân, cũng chẳng giáo điều, thông điệp không có gì khác ngoài bốn chữ “ôn cố tri tân” - am tường cái cũ để tự hào về cội nguồn dân tộc, từ đó mở lòng đón nhận cái mới để hòa nhập phát triển.

Văn hóa cất lên trên nền gạch bông 

Được phát động từ ngày 11/8, chuỗi chương trình “Kể chuyện xưa nghe chơi” do Đại Nam hội quán phối hợp cùng Nhà của thời thơ ấu tổ chức, vừa kết thúc đúng mùa Trung thu 2019 vừa qua. Dù mỗi chương trình nói về một chủ đề khác nhau, nhưng đều xâu chuỗi và tỏa rạng trong những câu chuyện văn hóa đậm chất Việt.

Ở đó, đờn tranh cũng biết “kể chuyện”; chiếc áo dài cũng biết “cất lên” cảm trạng văn hóa trong mình. Ở đó, người lớn, trẻ em cùng nhau đón ông trăng ngay giữa lòng đô thị Sài Gòn - TP.HCM. Và ở đó, nói năng tử tế cũng là một nét cổ phong thấm hồn dân tộc. 

Ke chuyen xua nghe choi
Trẻ em ngồi túm tụm lại nghe chuyện xưa

Nếu ở chương trình “Đờn ca hồi đó”, ta có thể cảm thụ những khoảnh khắc oai hùng, bi tráng của nước Việt xưa, cũng như cuộc đời thăng trầm người tài tử khéo léo ẩn giấu, nhưng lại khát khao tỏ bày trong từng ngón đờn réo rắt; thì ở “Nói tới chiếc áo dài”, người ta được cùng nhau ngắm nghía những chiếc áo dài của thế kỷ XIX- XX, được nghe những câu chuyện lịch sử, văn hóa của trang phục này.

Hay như ở chương trình “Kể chuyện ông trăng”, cũng tại ngôi nhà hoài niệm ấu thơ đó, có một nhóm những “đứa trẻ” đã lớn, ngồi túm tụm trên chiếu cói để được trở về với nguồn gốc tết Trung thu, chuyện chú Cuội, chị Hằng, khắc khoải nhớ thương đêm Trung thu đậm đà bản sắc Việt của những ngày xưa xa lắc.

Trong không gian ấm áp với nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống được kể lại một cách dí dỏm, duyên dáng, những người lạ đã được gắn kết với nhau một cách tự nhiên. Để rồi từ đó, mỗi người sẽ có một trải nghiệm văn hóa của riêng mình. Đó cũng là mục đích của Đại Nam hội quán và Nhà của thời thơ ấu khi phát động chuỗi chương trình này. Qua đó, gợi mở các bạn trẻ đặt chân vào hành trình "ôn cố tri tân" đầy gian nan nhưng khác biệt; và mong cái ngày ta xây lên cộng đồng người trẻ tự tin "tôi là người Việt Nam", sẽ đến.

Ôn cố tri tân

Tinh thần của chuỗi chương trình này là mượn câu chuyện xưa để trao kiến thức và truyền cảm hứng tìm hiểu văn hóa thông qua các "chuyện xưa". Nhà của thời thơ ấu và Đại Nam hội quán mong muốn tạo ra sự gần gũi, chân thành, khác biệt, để mọi người cùng nhau được trò chuyện chứ không phải nhận kiến thức một chiều. Đến với không gian này, ai cũng đều có "một câu chuyện" mà mình đã được nghe, để cùng nhau chia sẻ.

Nhưng tại sao lại là “Kể chuyện xưa nghe chơi” mà không phải “Kể chuyện xưa nghe thật”?, chị Đồng Lê Quỳnh Hương người sáng lập Nhà của thời thơ ấu, cho biết: “Chọn chữ "nghe chơi" là hình thức nói giảm về chủ đề mà Nhà với Đại Nam hội quán muốn chia sẻ. Vừa chơi vừa học. Vừa chơi vừa nghe quốc hồn quốc túy của dân tộc rũ áo vàng son trở về. Nghe chơi để xóa bỏ sự nghiêm túc có vẻ đạo mạo, cứng nhắc, lên gân, khó tiếp nhận. Nghe chơi, để cùng nhau gợi mở, để bên nhau thoải mái, để các bạn đến với chủ đề này đa chiều hơn”.

Hiện nay, phong trào cổ phong đang phát triển. Bên cạnh những mặt tốt đẹp, có không ít hội nhóm bạn trẻ có vẻ “hung hăng”, cực đoan hoặc nhân danh cổ phong mà ồn ào, khoe mẽ. Tất nhiên, tình yêu  nào cũng đáng quý, nhưng yêu mà đi đúng hướng, thông điệp văn hóa sẽ có cơ hội được lan tỏa một cách mạnh mẽ, sâu bền hơn. 

Bên cạnh đó, những câu chuyện người trẻ kể xuất phát từ chính nhu cầu nhận thức văn hóa của họ. Song, trong một vài trường hợp, việc nhồi nhét quá nhiều yếu tố truyền thống khiến câu chuyện văn hóa dễ dàng trở nên ảo tưởng về tinh thần dân tộc, lòng tự hào. Chưa kể, những góc nhìn tuy chọn lọc, nhưng không có những đối sánh sẽ trở nên cực đoan, đi ngược giá trị vốn có của văn hóa. Ngoài ra, mạn đàm văn hóa sẽ không thể tránh khỏi những dẫn dắt, thao túng cảm xúc. Văn hóa sinh ra từ chính đời sống; do đó, sự phát triển tự do của văn hóa nên sóng đôi với sự tự do của kiếm tìm, tránh áp đặt khuôn khổ và phụ thuộc ý chí của một ai đó. Những bước chững ấy trên cao tốc văn hóa, ít nhiều sẽ để lại những di chứng cho dân tộc.

Nương theo tinh thần “ôn cố tri tân”, “Kể chuyện xưa nghe chơi” đã phần nào phá bỏ bức tường mịt mù mà lịch sử vẽ ra. Đồng thời, có thể nhìn văn hóa dân tộc trong thế vận động, tiếp nối. Chẳng hạn như câu chuyện vị trí chiếc áo dài, sự xuất hiện quá nhiều của các món đồ thời trang trên gian hàng trang phục có thừa nhận viễn cảnh bị thay thế của văn hóa - mà cụ thể ở đây chính là trang phục? 

Vẫn biết, tiếp biến văn hóa làm cho cơ cấu văn hóa trưởng thành, đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên, văn hóa ngoại lai đang xâm nhập, len lỏi vào mọi ngõ ngách, thậm chí văn hóa bản địa đang có nguy cơ bị “nuốt chửng” lại khiến không ít người giật mình. Nhưng chúng ta cũng không thể nhân danh sự ổn định, nhân danh chủ nghĩa thuần khiết - ở đây là chủ nghĩa dân tộc - để cấm cản dòng chảy quy luật của văn hóa bên ngoài đang tràn vào như vũ bão. Bảo vệ truyền thống là nỗ lực đảm bảo tính liền mạch của văn hóa.

Phải hiểu mình có gì và hiểu người ta thế nào. Nói như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, ở đây đòi hỏi đi sâu nghiên cứu để tìm ra cái gen di truyền của di sản văn hóa, tiến hành cuộc tổng hợp với các vật liệu mới để “tái cấu trúc” một thực thể văn hóa mới. 

Tấn Đồng - Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI