Hành trình 'mặn hơn muối'

27/02/2019 - 12:32

PNO - Hai cuộc chạy đua đều nhọc nhằn, thử thách đến cạn cùng sức lực hai người mẹ. Muối mặn chắc cũng không mặn bằng những giọt nước mắt, mồ hôi và cả máu của Phượng và Tuệ trong hành trình vì con.

Nếu năm 2018, điện ảnh Việt mang đến cho khán giả những câu chuyện xúc động về tình phụ tử như Ở đây có nắng, Mặt trời con ở đâu, Hồn papa da con gái thì những ngày đầu năm 2019, các nhà làm phim lặng lẽ lấy nước mắt người xem với hai bộ phim ngợi ca tình mẹ: Hai Phượng (khởi chiếu ngày 22/2) và Hạnh phúc của mẹ (khởi chiếu ngày 8/3).

Hanh trinh 'man hon muoi'
Hai Phượng đã đem lại cho khán giả cảm xúc khó quên về những phân cảnh thể hiện tình mẫu tử

“Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim người mẹ” (Bersot). Cuộc chạy đua với thời gian vì đứa con thân yêu của Phượng (Hai Phượng) và Tuệ (Hạnh phúc của mẹ) là minh chứng rõ ràng cho câu nói đó. Có cốt truyện khác nhau, nhưng cả hai phim đều truyền tải vấn đề thời sự khá mới trong xã hội: nạn mua bán trẻ em ra nước ngoài lấy nội tạng (Hai Phượng), nỗi niềm của những người có con bị tự kỷ (Hạnh phúc của mẹ), để từ đó làm bật lên sức sống của một người mẹ đơn thân khi bảo vệ con.

Cuộc đời không cho Hai Phượng và Tuệ những tháng ngày thong thả với miếng cơm manh áo mà phải chật vật kiếm sống bằng những công việc tay chân. Phượng đi đòi nợ thuê còn Tuệ hằng ngày chở hàng mướn, rảnh tay thì đi làm muối. Phượng vụng về trong việc chăm sóc con bao nhiêu (đến cả nấu nồi cơm cũng khét) thì Tuệ giỏi giang, vén khéo bấy nhiêu. Phượng sở hữu những ngón đòn uy lực bao nhiêu thì Tuệ mệt mỏi, yếu ớt vì căn bệnh ung thư bấy nhiêu. Tuệ sống được lòng hàng xóm thì Hai Phượng bị những người xung quanh, thậm chí anh em trong nhà cười chê, khinh bỉ vì lối sống buông thả, bỏ nhà đi bụi, chửa hoang và cả việc đòi nợ mướn bất nhân.

Hanh trinh 'man hon muoi'
Dù con cái có số phận bình thường hay kém may mắn thì những bà mẹ như Hai Phượng, như Tuệ đều dành hết tình cảm, sẵn sàng hy sinh vì con

Thế nhưng, dù vụng về hay đảm đang, khỏe mạnh hay đau ốm, dù sống tử tế hay không và dù cách thể hiện tình yêu thương con của Phượng khác Tuệ (Phượng ít biểu lộ tình cảm với bé Mai trong khi Tuệ luôn ân cần nựng nịu Tim) thì bản năng làm mẹ của phụ nữ đều như nhau. Phượng điên cuồng lao vào hang ổ tội phạm để giành lại mạng sống của con. Tuệ đau đáu tìm cách giúp Tim thực hiện đam mê nhảy múa, chỉ để con được vui sống mỗi ngày, sẵn sàng đánh nhau với người khác khi họ chê cười Tim là thằng khùng. Chăm sóc, yêu thương, bảo vệ con, cho dù đó là một đứa trẻ thông minh, hiểu chuyện như bé Mai hay rụt rè, tự kỷ như Tim là nhiệm vụ, là sứ mạng thiêng liêng mà bất kỳ người mẹ nào như Hai Phượng, như mẹ Tuệ đều phải gánh vác.

Hanh trinh 'man hon muoi'
Hành trình vì con của nhân vật Hai Phượng là hành trình của máu và những giọt mồ hôi mặn hơn muối

Nếu như Phượng phải chạy đua với thời gian để cứu con thoát khỏi tay bọn bắt cóc, buôn người thì Tuệ cũng phải chạy đua với thời gian sống còn lại ít ỏi của mình để hoàn thành đam mê nhảy múa của con. Hai cuộc chạy đua đều nhọc nhằn, thử thách đến cạn cùng sức lực hai người mẹ. Muối mặn chắc cũng không mặn bằng những giọt nước mắt, mồ hôi và cả máu của Phượng và Tuệ trong hành trình vì con. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI