'Chỉ có người Việt hại người Việt'

24/08/2018 - 12:00

PNO - Nhân dịp về nước ra mắt cuốn sách Thang Trần Phềnh - một trong những họa sĩ nổi bật của mỹ thuật Đông Dương thời đầu, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã trò chuyện về dòng tranh đang cực “hot” trên thị trường này.

Phóng viên: Tại sao giữa rất nhiều gương mặt của mỹ thuật Đông Dương, ông lại chọn viết về Thang Trần Phềnh?

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Ông Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… có may mắn sống bên Pháp, có điều kiện để vẽ, để triển lãm, được nhiều người biết đến. Còn những người ở lại sau năm 1954, không có nhiều điều kiện để vẽ hoặc triển lãm. Thêm nữa, vì điều kiện lịch sử, chiến tranh, khí hậu ẩm ướt, tác phẩm hư hỏng rồi mai một dần, thậm chí mất.

Cùng với Nam Sơn, Lê Huy Miến, họa sĩ Thang Trần Phềnh là cái tên đặc biệt của bình minh mỹ thuật Việt Nam, song ít được nhắc đến. Ngay cả gia đình ông, trong nhà bây giờ không còn bức tranh nào. Họ chỉ nhớ mang máng ngày xưa có treo một số tranh trong nhà, nhưng sao bây giờ không còn nữa thì không ai biết.

Tôi có tìm thấy bức tranh Xem bói tại bảo tàng Singapore, nhưng câu chuyện về tác phẩm đó ra sao, những người làm ở đó cũng không biết.

'Chi co nguoi Viet hai nguoi Viet'
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

* Theo ông, giá trị của hội họa Thang Trần Phềnh và cuốn sách này là gì? 

- Tôi rất tiếc vì không có điều kiện tiếp cận tất cả tranh của Thang Trần Phềnh nên không thể đưa ra đánh giá toàn diện. Nhưng với những tác phẩm tôi tiếp cận được hơn 10 năm qua, tôi cho rằng, giá trị lớn nhất của hội họa Thang Trần Phềnh là tranh lụa hơn là tranh sơn dầu.

Còn cuốn sách này, có lẽ giá trị nhất là những điều không hoặc ít ai biết. Giới mỹ thuật ai cũng biết có ông Thang Trần Phềnh, nhưng không ai biết về ông cả. Cuốn sách nói về một con người, nhưng đồng thời hé lộ về một thời kỳ đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam.

* Nhưng thế hệ đó, đâu chỉ có một Thang Trần Phềnh “lưu lạc”?

- Trong số sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Đương, có những cái tên tới giờ vẫn là ẩn số, như: Vũ Đăng Bốn, Phạm Hữu Khánh, Nguyễn Văn Hồng, Ủ Văn An, Nguyễn Họa Thế… Nhưng họ là những người đã làm nên diện mạo của mỹ thuật Đông Dương - thời kỳ rực rỡ nhất của mỹ thuật Việt Nam. Không ai biết họ là ai, ở đâu, làm gì, tác phẩm ra sao.

Hiện tại, nói về tranh đương đại có giá có thể kể tới tác phẩm của Nguyễn Trung Tín, Lê Kinh Tài, Lê Triều Điển… nhưng nhắc mỹ thuật Việt Nam, người ta không nhắc tranh đương đại mà chỉ nhắc tới tranh Đông Dương. Đến nay, nó vẫn đầy sức quyến rũ.

* Quá trình thăng hạng của tranh Đông Dương trên thị trường như thế nào?

- Hồi mới sang Pháp, người ta không biết giá trị tranh của ông Nam Sơn, Lưu Đình Khải, Lê Thy… Tranh của các ông chỉ có giá khoảng mấy ngàn euro. Vài năm trở lại đây, giá tranh Đông Dương bắt đầu tăng dữ dội. Tranh Lê Phổ mới vượt mốc 1 triệu USD tại phiên đấu giá Modern and Contemporary Southeast Asian Art của nhà Sotheby’s. Đây được xem là một mốc rất quan trọng, thể hiện sức hút của tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế.<< p>

* Vì sao lại có sự lũy tiến đó, thưa ông?

- Người ta bắt đầu thấy được giá trị của tranh Đông Dương. Đó là dòng tranh riêng biệt, không lẫn lộn với bất cứ dòng tranh nào. Dù thời đó đất nước đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, các họa sĩ của ta vẫn tạo ra một thứ hội họa cá tính - pha trộn hài hòa Đông - Tây mà vẫn gửi gắm được tâm tình của Việt Nam. Các ông dùng kỹ thuật Tây để vẽ tâm hồn của ta. Nếu không có mỹ thuật Đông Dương, tôi không biết mỹ thuật Việt Nam sẽ đi đâu về đâu.

'Chi co nguoi Viet hai nguoi Viet'

* Có giá nhất, nhưng cũng bị làm giả nhiều nhất…

- Tây không làm giả tranh Việt Nam được, vì họ không thể hiện được hồn Việt. Chỉ có người Việt làm giả tranh đem qua Tây bán; rồi mang ngược về Việt Nam để “hợp thức hóa”. Chỉ có người Việt hại người Việt, hại mỹ thuật Việt Nam. Làm giả tranh, mua tranh giả, lợi ít mà hại nhiều. Ở Pháp có luật, những gì không đúng thì bỏ. Ở ta, bảo tàng còn treo tranh giả thì còn nói được gì?

* Đã có bài học nào về việc lợi ít hại nhiều như ông nói?

- Trường hợp họa sĩ Bùi Xuân Phái là một ví dụ điển hình. Tranh ông khiến người ta “ngại” khi giao dịch. Tất nhiên, tranh Bùi Xuân Phái thật cũng có giá; nhưng vì tình trạng tranh giả mà tranh thật của ông không được đặt đúng giá trị trên thị trường. Con mắt sưu tầm tranh ngày một kỹ hơn, có hiểu biết hơn. Những thứ như hàng nhái, hàng giả không có đất sống. Càng giữa thời buổi bát nháo, giá trị thật càng có cơ hội “cất tiếng”. Làm đúng, tự khắc, giá trị tranh sẽ lên.

* Cảm ơn ông.

Đậu Dung (thực hiện)

Buổi giới thiệu sách Thang Trần Phềnh (1895-1973) sẽ diễn ra lúc 9g, ngày 19/8, tại 16 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) và lúc 9g, ngày 26/8, tại 15 Nguyễn Ư Dĩ, Q.2 (TP.HCM); lúc 18g30, ngày 15/9, tại Mai’s Gallery, 3A Tôn Đức Thắng, Q.1 (TP.HCM).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI